Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy Long Giang chưa được hoàn thiện nên gây ô nhiễm môi trường
Báo NNVN số ra ngày 26/9, có bài viết “Nhà máy lập lờ nông dân”, nội dung phản ánh nhà máy Long Giang (có trụ sở tại xã Vĩnh Ninh - huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) thuộc Cty CP Đầu tư Long Giang Thịnh lập dự án đầu tư với mục đích chế biến tinh bột dong riềng.
>> Quảng Bình: Nhà máy lập lờ nông dân
Cùng với việc xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu trên 3.000 ha ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ; xác định đây là dự án có tính khả thi, góp phần phát triển nông nghiệp nên UBND tỉnh Quảng Bình đã chấp nhận dự án và cho áp dụng chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi.
Tuy nhiên, nhà máy đã không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu dong riềng như đã cam kết với nông dân. Trong niên vụ năm 2012-2013 này, nhà máy không thu mua củ dong riềng cho nông dân mà “bẻ lái” sang hướng thu mua sản xuất sản phẩm tinh bột sắn… Mỗi ngày, nhà máy thu mua và chế biến từ 100-150 tấn sắn nguyên liệu.
Vào đầu tháng 12 này, nhiều người dân sống trong khu vực xung quanh nhà máy Long Giang đã phản đối việc nhà máy này sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Khu vực xóm 1 Lệ Kì (xã Vĩnh Ninh) ngày cũng như đêm, đều chịu mùi hôi rất khó chịu. Bà Cao Thị Chăn (86 tuổi ở thôn 8), tỏ ra khá bức xúc: “Tôi sống đến chừng này tuổi rồi mới thấy như vậy. Trước đây, môi trường trong lành lắm, vậy mà chỉ có năm nay thôi là mùi hôi thối bao quanh, đúng là chịu không nổi”.
Không chỉ ô nhiễm không khí mà theo người dân thì nhà máy Long Giang đi vào hoạt động còn làm ô nhiễm nguồn nước. Con suối Khe Hai gần bên nhà máy đi qua rất nhiều xã như Lệ Kỳ thuộc huyện Quảng Ninh; xã Nghĩa Ninh, Đức Ninh, Phú Hải (thuộc TP Đồng Hới) trước khi gặp dòng sông Nhật Lệ để đổ ra biển. Những ngày nắng, nước suối cũng thay màu.
Ông Võ Nguyên Vụ (ở thôn 8, xã Nghĩa Ninh - TP Đồng Hới) cho chúng tôi hay: “Trước đây vào mùa này nước suối Khe Hai trong lắm nhưng bây giờ thì đã có màu khác. Bà con cũng sợ nên không dám cho trâu bò uống nữa vì sợ bị ngộ độc”. Cũng theo ông Vụ, có nhiều đợt, trời nắng to, nước suối bị ô nhiễm nặng đã có hiện tượng cá chết nổi lên khá nhiều.
Chịu không nổi mùi hôi thối nồng nặc do nhà máy gây ra nên hàng chục hộ dân ở xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Nghĩa Ninh (TP Đồng Hới) tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng kêu cứu. Ông Nguyễn Minh Ánh (54 tuổi, ở thôn 1, Lệ Kỳ, huyện Quảng Ninh), bức xúc: “Ban ngày thì còn nhiều việc nên không để ý lắm, chớ vào ban đêm, mùi hôi không chịu được, phải đóng cửa. Bà con chúng tôi gửi đơn thư đi rồi và cũng đang chờ đợi cơ quan có trách nhiệm xử lý”.
Điều đáng nói là khi xây dựng dự án nhà máy chế biến tinh bột dong riềng đã có cam kết đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, khi chuyển hướng sang sản xuất nguyên liệu sắn là hoàn toàn khác về các tiêu chí đánh giá tác động môi trường. Vậy nhưng, cơ quan có trách nhiệm trong việc này là Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Quảng Bình) lại cứ lần chần trong việc xử lý.