| Hotline: 0983.970.780

Trạm Tây phương cực lạc tiếp đón linh hồn ở thôn Phú Lễ

Thứ Năm 26/12/2024 , 07:08 (GMT+7)

Một cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thạch Thất, TP Hà Nội ra cánh đồng thôn Phú Lễ thấy có căn biệt thự màu trắng lộng lẫy đã định bước vào.

Trạm Tây phương cực lạc ở làng Phú Lễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trạm Tây phương cực lạc ở làng Phú Lễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng người làng đi cùng mới vội giải thích với chị đó không phải là nhà ở mà là Trạm Tây phương cực lạc- nơi thờ cúng vong linh những người con của Phú Lễ (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đã từ trần từ khi lập làng cho đến hôm nay và muôn đời về sau. Rất nhiều khách khi đến cánh đồng của thôn Phú Lễ thấy tòa nhà màu trắng tráng lệ này đều tưởng nhầm là một căn biệt thự và tôi cũng không phải ngoại lệ.

Để thỏa chí tò mò tôi đã xin với người trông coi ở đây mở cổng cho mình bước vào. Bên trong như phòng đại sảnh của khách sạn lớn với ánh sáng tự nhiên chan hòa từ hệ thống cửa chính, cửa sổ cuốn tròn chiếu xuống mấy bộ bàn ghế kiểu tân cổ điển bằng gỗ quý đen bóng. Chỉ khác một chút là Trạm có 3 pho tượng đá tam thánh phật màu trắng đặt uy nghiêm trên bệ thờ với những lư hương đang nghi ngút khói. Bốn cái cột lớn ở giữa nhà tạo cảm giác như trong một biệt thự vùng duyên hải của trời Âu nào đó. Không gian ấm cúng và sang trọng đó khiến cho tôi chẳng hề cảm thấy lạnh lẽo như vào những chốn thờ tự khác.

Anh Nguyễn Văn Hải, trưởng thôn Phú Lễ kể, năm 2014 khi dồn điền đổi thửa xong thôn có quy hoạch khu nghĩa trang mở rộng trong đó chừa lại một diện tích làm nhà tang lễ. Trước đây, cũng như bao nghĩa trang các thôn khác, Phú Lễ có cái nhà tang lễ nhỏ, khi chôn xong thì vào cầu khấn cho linh hồn người mất về nơi chín suối hoặc dùng để đón những người con của làng không may mất ở bên ngoài về.

Nhà tang lễ cũ của thôn Phú Lễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà tang lễ cũ của thôn Phú Lễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đến năm 2021, một người con thành đạt của làng đặt vấn đề muốn tặng thôn một nhà tang lễ và một sân đỗ xe ô tô để khi khách đến dự lễ tang thì có chỗ mà đỗ. Trước lời đề nghị ấy anh Hải đã cho tổ chức họp dân và mọi người đều đồng ý. Ban đầu thôn định gọi là nhà tang lễ nhưng họp ý kiến mấy lần thì lại quyết định gọi là Trạm Tây phương cực lạc.

Công trình do kiến trúc sư Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Khải và các đồng nghiệp thiết kế được hoàn thành vào năm 2022, trên nóc đặt 4 chậu hoa giấy lớn, nhìn từ xa trông như một lẵng hoa khổng lồ. “Từ nền nhà đến trần nhà cao khoảng 10 m, cửa cũng rất cao nên khi bước vào người không phải cúi như vào đình, vào chùa mà ngẩng cao đầu mà nhìn ngắm. Đây là công trình tâm linh nhưng không sơn son thiếp vàng mà sơn toàn màu trắng sang trọng để khi bước vào không có cảm giác sợ hãi. Mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp đều có thể vào đó thắp hương cho các ban thờ anh hùng liệt sĩ, thờ những người con quê hương, thờ Bác Hồ và thờ những người con xấu số, cô hồn hay những người không có con trai hoặc không có nhà cửa mà mất đi”, anh Hải giới thiệu.

Bên trong Trạm Tây phương cực lạc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bên trong Trạm Tây phương cực lạc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việc thắp hương ở Trạm Tây phương cực lạc được thực hiện 365 ngày/năm bởi từ khi lập làng cho đến nay, tất cả các ngày trong năm đều là ngày giỗ của một ai đó đã mất nên thắp hương 365 ngày để không ai bị mất giỗ. Ngày thường việc thắp hương chỉ có phong bánh và chén nước nhưng ngày lễ, Tết thì có cỗ mặn giống mọi ban thờ tổ tiên của các gia đình.

Trên công trình nổi bật giữa cánh đồng lúa ấy có treo hai lá cờ Tổ quốc và cờ Phật. Mỗi khi thôn có đám tang, Ban khánh tiết hơn chục người của Phú Lễ sẽ cùng nhau kéo lá cờ Tổ quốc xuống, kéo lá cờ tang lên như một cử chỉ chia buồn cùng tang quyến trong suốt 3 ngày. Ngay từ xa, dân Phú Lễ có thể nhận thấy đã có một người làng họ ra đi và cầu chúc cho chuyến đi về cõi vĩnh hằng ấy được thanh thản, không còn vấn vương bụi trần. Những buổi tối Trạm Tây phương cực lạc có việc chuẩn bị cho ngày rằm, ngày Tết, điện được bật lên sáng bừng giữa màn đêm đen thẫm của cánh đồng gợi trong lòng người nhớ về các bậc tiền nhân và đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.