Cây mít dai ta độc đáo không có một cái sẹo lỗi hay chắp vá nào đó thuộc về anh Nguyễn Hồng Quân ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đam mê cây cảnh ngay từ nhỏ, lúc còn học lớp 5, trên đường đi học thấy một gốc sanh anh đã nhổ về để rồi cặm cụi tạo dáng thế. Giờ cái cây kỷ niệm đó vẫn còn giữ trong một góc vườn.
Lớn lên, do miếng cơm, manh áo nên anh đi làm để kiếm sống cho đến cách đây 5 - 6 năm khi công việc ổn định mới quyết định trở lại với niềm đam mê cây cảnh từ thời bé thơ. Hiện ở xã Sơn Đông anh có hai khu vườn rộng 5.000m2 và rộng 3.000m2, trong đó trồng nhiều loại kỳ hoa dị thảo, nhưng điểm hấp dẫn chính là các loại cây ăn quả quen thuộc như mít, trứng gà, thị, hồng xiêm… được anh kỳ công tạo dáng thế. Hai khu vườn ấy khiến không chỉ giới chơi cây cảnh mà các nhà vườn khác, nhiều người cũng phải trầm trồ, thán phục.
Làm nghệ nhân cây cảnh cũng giống như một người nghệ sĩ điêu khắc, với những vật liệu thô sơ phải hình dung ngay trong đầu cách tạo dáng, cách nhấn nhá vào từng chi tiết từ to đến nhỏ, từ gốc cho đến cành. Anh Quân quan niệm, đã là cây bon sai ăn quả thì phải có quả, nếu không sẽ mất đi phần lớn sự hấp dẫn, vẻ đẹp phồn thực của mình.
Tại hội thi mít đặc sản Hà Nội tổ chức ở thị xã Sơn Tây hồi tháng 7 năm 2024, anh đã bỏ ra 12 triệu đồng để thuê xe cẩu mang đến 4 cây mít với nhiều dáng thế như hoành, trực hoành, trực, chào giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, trong đó quý nhất là cây mít lu dáng trực. Theo anh giải thích, trong hàng ngàn, hàng vạn cây mới có một cây thân u cục nổi đầy như thế mà người chơi sinh vật cảnh quen gọi là lu. Đó là tác phẩm hoàn toàn của thiên tạo ban tặng chứ bàn tay con người không thể làm ra được.
Cây mít dai ta dáng thế lạ có tuổi đời khoảng 70 - 80 tuổi này được người ta khai thác ở tỉnh Hòa Bình về để trồng làm công cây trình nhưng đã lọt vào mắt xanh của anh Quân bởi nó giàu tiềm năng làm bon sai. Gạ mua cho bằng được cây đó, anh đem về cắt bớt cành ngọn, thu về ba đầu rồi tạo tán mới. Dù cho lên chậu đã được 3 năm nhưng quả thì năm nay anh mới cho ra bởi trước đây các tay cành của cây vẫn còn nhỏ, yếu.
“Cây mít này đã có khách ở tỉnh Phú Thọ trả 450 triệu đồng rồi nhưng tôi không đồng ý bởi đang chào giá 800 triệu đồng. Bon sai làm từ những cây ăn quả ở trong Nam đã có từ lâu nhưng ngoài Bắc chỉ mới thịnh hành 4 - 5 năm gần đây khi có những gia đình làm nhà vườn thích đặt những chậu cây bon sai như trứng gà, hồng xiêm, thị, mít… trong khuôn viên. Ngày xưa các cụ có câu 'nhà ngói cây mít', nay phải là 'biệt thự cây mít'…”, anh Quân giới thiệu.
Trong tầng tầng vỉa vỉa đất đá ong của xã Sơn Đông có rất nhiều chất vi lượng quý hiếm phù hợp cho cây mít phát triển. Chính cái nắng gắt của vùng Sơn Tây cùng sự khô cằn của đất đá ong đã cho ra những quả mít múi thơm ngon, giòn, ngọt, đã đoạt giải cao trong các cuộc thi mít của Thị xã, trở thành những cây đầu dòng để bảo tồn và nhân giống của Hà Nội.
Khi đánh mít về anh Quân thường phải xử lý bộ rễ bằng cách cắt bỏ những đầu rễ đã bị tổn thương, bôi vôi vào rồi giâm ủ, trộn đất đá ong với phân bò để trồng. So với các dòng cây ăn quả khác như trứng gà, hồng xiêm, thị…, việc chăm sóc mít cảnh đòi hỏi kỹ thuật phải cao hơn.
Mít không ưa nước, bởi thế phải đặc biệt chú ý làm hệ thống thoát nước dưới đáy chậu, nếu để đọng nước là bị thối rễ, gây chết cây. Về sâu bệnh, mùa xuân mít thường có sâu nên phải phun phòng cẩn thận. Ít nhất một cây phải 3 năm sau lên chậu sống khỏe mạnh thì anh Quân mới có thể thở phào nhẹ nhõm được vì không còn phải lo chuyện chúng sống hay chết nữa...
Một gốc mít quả ngon, tán đẹp để làm cây công trình tạo bóng mát, trang trí cho các khuôn viên có thể lên đến 100 - 200 triệu đồng, nhưng vẫn là nó, khi được tạo dáng thế thì sau 3 - 4 năm có thể giá sẽ gấp đôi, gấp ba.