Danh ca Chế Linh ở tuổi 82 vừa ra mắt đĩa than “Một đời riêng tôi” gồm những ca khúc trữ tình gắn bó với sự nghiệp ông. Thật hiếm giọng hát nào qua ngưỡng “cổ lai hy” vẫn có thể tổ chức live show cá nhân và trình diễn hàng chục ca khúc liên lục như danh ca Chế Linh. Bí quyết được ông thổ lộ: “Với tôi, bữa sáng không luyện thanh giống như mình quên chưa ăn vậy. Phải rèn luyện thì tuổi này mới hát được”.
Danh ca Chế Linh là người Chăm, sinh năm 1942 tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tên Chăm của ông là Chà Len, tên Việt của ông là Lưu Văn Liên. Thuở nhỏ Chế Linh không có tố chất thông minh hay năng động gì, học hành cũng được chăng hay chớ. Sau quãng đời chăn bò ở quê nhà, Chế Linh đi bụi vào Sài Gòn để mưu sinh. Chế Linh từng gánh nước thuê ở Chợ Lớn, trước khi được nhạc sĩ Đàng Năng Quạ hướng nghiệp vào nghề ca hát.
Cũng nhờ thụ giáo nhạc sĩ Đàng Năng Quạ, ca sĩ Chế Linh cũng phát huy được khả năng viết ca khúc. Với bút danh Tú Nhi, Chế Linh đã viết gần 100 ca khúc cho chính mình biểu diễn như “Mai lỡ mình xa nhau”, “Cứ tưởng còn trong tay”, “Đoạn cuối tình yêu” hoặc “Đếm bước cô đơn”.
Trong cộng đồng người Chăm, Chế Linh không giống bạn bè cùng trang lứa ở miền gió cát Nam Trung bộ. Chế Linh chăn bò không xuất sắc, Chế Linh gánh nước cũng không xuất sắc. Thế nhưng, Chế Linh ca hát thì xuất sắc. Chế Linh cầm lấy micro thì lập tức nổi tiếng.
Năm 21 tuổi, Chế Linh lấy vợ lần đầu tiên, có 5 người con. Năm 25 tuổi, Chế Linh lấy vợ lần thứ hai, có thêm 4 người con. Năm 30 tuổi, Chế Linh lấy vợ lần thứ ba Thúy Hằng, có thêm 2 người con nữa. Năm 32 tuổi, Chế Linh trở lại độc thân. Cứ tưởng cái hồ sơ yêu đương be bét ấy đã bịt hết cửa trăng hoa của Chế Linh, nhưng ông bỏ ngoài tai hết mọi thị phi, tiếp tục đi hát với tư cách một danh ca thượng thặng.
Khán giả tha thứ cho kiểu sống bay bướm của Chế Linh vì ông hát không lẫn với ai. Cái giọng dãi dề vừa sướt mướt lại vừa ngọt ngào, như tán tỉnh như vuốt ve, lại vừa như than thở, như dụ dỗ. Không thể phủ nhận, Chế Linh có phong cách riêng, không xa vắng kiểu Duy Khánh mà cũng không ủy mị kiểu Tuấn Vũ. Có lẽ đó là nét độc đáo của sự pha trộn hai phẩm chất văn hóa Việt và Chăm.
Dẫu so sánh khập khiễng, nhưng cũng cần hình dung rằng, sự dị biệt của Chế Linh trong dòng nhạc trữ tình nước ta, cũng giống như sự có mặt của Micheal Jackson trong làng nhạc pop thế giới. Ngay giây phút đầu tiên xuất hiện, Micheal Jackson đã chinh phục các bảng xếp hạng âm nhạc danh giá nhất hành tinh, bằng nét đặc sắc của một giọng hát ca sĩ da đen thể hiện theo lối hát ca sĩ da trắng.
Giữa năm 1974, một thiếu nữ 17 tuổi tên là Vương Nga, đã lọt vào tầm ngắm của Chế Linh. Thấy thái độ đong đưa đầy âm mưu cưa cẩm của Chế Linh, bố mẹ cô gái xua đuổi thẳng cẳng. Mặc kệ, gã đàn ông đã có 11 đứa con vẫn quyết tâm sáp vào cô gái thanh xuân. Lãng tử Chế Linh chấp nhận đấu trí, đấu sức, đấu lòng với gia đình Vương Nga.
Noel năm 1974, cảnh đẹp như tranh, người đẹp như hoa. Sau khi năn nỉ được đấng song thân cho phép Vương Nga đi chơi với mình, Chế Linh đã chở nàng vào nghĩa địa. Để làm gì? Để thắp nhang cho người vợ thứ ba vừa quá cố của ông.
Cái đêm lãng mạn kiểu rung rợn ấy tưởng chỉ thuyết phục trên màn ảnh một bộ phim huyền ảo nào đó, nào ngờ thực sự có kết quả. Vương Nga bỏ nhà đi theo Chế Linh suốt ba tháng. Chẳng còn cách chống đỡ, bố mẹ của Vương Nga đành chấp nhận cho con gái cưng làm vợ thứ tư cho Chế Linh.
Danh ca Chế Linh cười mãn nguyện khi nhắc đến khoảnh khắc mỹ nhân Vương Nga đã xuất hiện trong hành trình đào hoa của mình: “Chưa có tình yêu nào kỳ cục như thế! Khi người vợ thứ ba mất đi, tôi không muốn đi bước nữa mà chỉ muốn sống cuộc sống bình lặng. Nhưng rồi một ngày, tôi nhìn thấy người phụ nữ có mái tóc dài, vóc dáng mảnh khảnh giống vợ mình đi trong xóm và có một cảm giác rất lạ. Cô ấy cũng là cảm hứng cho tôi viết nên ca khúc “Xin yêu tôi bằng cả tình người” và từ bài hát đó, tôi càng nghe càng thấy thấm! Thấm rồi yêu, yêu rồi cưới”.
Cuối năm 1975, Chế Linh đám cưới với Vương Nga, và có thêm ba đứa con. Thật may, danh sách vợ của Chế Linh đã dừng lại ở Vương Nga. Suốt 49 năm qua, Vương Nga như hình với bóng bên cạnh Chế Linh. Nhan sắc của Vương Nga thì ai cũng thừa nhận, nhưng để cầm cương một sát thủ tình trường như Chế Linh thì phải có bí quyết gì đó chứ? Nhiều lần hỏi, bà Vương Nga chỉ cười rồi nhìn chồng âu yếm. Đành tạm hiểu, có lẽ đó là sức mạnh phi thường của phương pháp lạt mềm buộc chặt. Hoặc có lẽ, chiến mã nào rồi cũng có lúc mỏi vó giang hồ, chỉ còn muốn thong dong gặm cỏ bên một vạt đồi bình yên.
Danh ca Chế Linh đã xa quê hương rất nhiều năm. Nghĩa là, có khoảng cách nhất định giữa thần tượng và công chúng. Vậy mà, lần nào danh ca Chế Linh từ Canada về nước biểu diễn, khán giả cũng đông nghịt. Live show Chế Linh dù ở Hà Nội, Sài Gòn, Bình Định hay Đà Lạt cũng cháy vé, mà giá vé không hề rẻ. Rất kỳ lạ, rất khó hiểu. Live show Khánh Ly còn phải kịch bản, phải có dàn dựng, thậm chí phải có múa minh họa. Còn live show Chế Linh thì hầu như chả cần gì cả. Phông màn cũng cực kỳ đơn giản, ngay cả Chế Linh cũng không cần son phấn hay chải chuốt gì, cứ bước ra sân khấu và hát những bài quen thuộc. Thật khó lý giải, người ta đến với Chế Linh để nghe Chế Linh hát, hay để hát theo Chế Linh những bài hát đã nằm trong kỷ niệm của họ.
Danh ca Chế Linh chỉ hát nhạc trữ tình. Nói thuận tai là nhạc vàng, nói chướng tai là nhạc sến. Cứ nghẹn ngào nửa như hát nửa như khóc “thành phố buồn, thành phố hoang vu, nơi chúng mình tìm phút êm đềm”. Khán giả của Chế Linh phần đông ở độ tuổi 50, thầm thì hát theo Chế Linh như hát về những xao xuyến bất chợt, những hạnh ngộ ngắn ngủi, những dở dang ứa lệ mà họ từng trải qua trong cuộc đời.
Đồng thời, số lượng nhạc phẩm của Chế Linh trên các diễn đàn âm nhạc trực tuyến thì ca sĩ trẻ đang ăn khách cũng phải ganh tỵ. Bởi lẽ, mỗi bài hát của Chế Linh không đột ngột tăng vọt người nghe vào giai đoạn nào, mà cứ tăng dần theo từng ngày, từng tháng, từng năm. Cho nên, có thể xác định, hễ khi nào cảm thấy tâm hồn chênh chao trước bi thương, trước oái oăm, trước bẽ bàng thì người ta lại nghe Chế Linh ca.
Danh ca Chế Linh nói về chọn lựa dòng nhạc của mình: “Nhiều người cứ hỏi sao tôi hát nhiều bài nhạc buồn thế. Trên thế giới này, từ tiểu thuyết, kịch, phim nổi tiếng đều có nỗi buồn trong đó. Tôi chủ trương hát nhạc buồn và nó trở thành phong cách của tôi. Nhắc đến Chế Linh là nhắc đến nỗi buồn. Tôi nghĩ từ âm nhạc của tôi hy vọng khán thính giả nghe sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Đối diện với sự sâu lắng của nỗi buồn, người ta sẽ vui lên”.
Thử nhìn danh ca Chế Linh hát và yêu ở tuổi 82, nhiều quý ông chắc chắn không khỏi cảm thấy thán phục. Thành tích yêu đương: 4 đời vợ với 14 đứa con và không thể nhớ hết bao nhiêu cháu như chính ông tự thú! Thành tích âm nhạc: vẫn là giọng ca vàng nức nở bao tâm hồn yếu đuối.
Bây giờ, mỗi lần bước lên sân khấu, danh ca Chế Linh vẫn hát được một mạch chục bài hát. Lý do, danh ca Chế Linh rất chịu khó luyện tập. Không chỉ đi bộ mỗi sáng, mà mỗi ngày ông vẫn dành hai giờ đồng hồ để luyện thanh.
Danh ca Chế Linh, hát cũng hay, mà yêu cũng giỏi. Không muốn nể cũng không được, khi nghe danh ca Chế Linh bộc bạch: “Trong đời mình, tôi đã làm tổn thương rất nhiều phụ nữ rồi. Đến bây giờ, tôi chỉ mong mọi người niệm tình tha thứ cho những việc hồ đồ của mình trước đây… Tôi mong các bà mẹ của các con tôi quây quần để cùng ăn uống, trò chuyện. Đã không có duyên phận để sống với nhau thì vẫn có thể là bạn. Vì họ là mẹ của các con tôi nên tôi rất tôn trọng. Tôi từng có vài cuộc gặp gỡ tương tự như thế, dù chưa tập trung được đầy đủ tất cả vì một số con sống ở nước ngoài, còn một số lại sống rải rác khắp nơi”.