| Hotline: 0983.970.780

Đập dứt khoát phải có chủ

Thứ Ba 19/11/2024 , 13:40 (GMT+7)

Để quản lý, khai thác và vận hành các công trình thủy lợi có hiệu quả, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng cần gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

TS Hoàng Văn Thắng: 'Đập phải có chủ'. Ảnh: Tùng Đinh.

TS Hoàng Văn Thắng: 'Đập phải có chủ'. Ảnh: Tùng Đinh.

Với khoảng 7.000 đập và hồ chứa trên cả nước, hệ thống thủy lợi của Việt Nam đã vươn được tới tận các ruộng, đồng của người dân, giúp ngành nông nghiệp thực sự cất cánh trong giai đoạn vừa qua.

TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nhận định, phần lớn các đập lớn cho thủy lợi và thủy điện được xây dựng từ 20 năm trở lại đây, thời điểm mà trình độ, nguồn lực khoa học công nghệ đã phát triển, vốn đầu tư đảm bảo, tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới nên chất lượng tốt.

Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, với gia tăng cực đoan rủi ro thiên tai, cùng với thể chế trong quản lý tài nguyên nước còn bất cấp, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn hồ đập đã đối diện với những thách thức mới.

Chia sẻ tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới" sáng 19/11, ông Thắng cho rằng, để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình “có chủ”, đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập.

Lý do được ông đưa ra, là bởi mới chỉ có khoảng 2/3 số đập, hồ loại nhỏ đang được giao cho chính quyền xã hoặc tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, vận hành. Khoảng 2.500 đập, hồ nhỏ còn lại chưa có chủ thực sự, chưa có giải pháp đảm bảo tà chính cho quản lý đập - hồ chứa.

“Có lần đi thực địa, tôi thấy có cây mọc giữa lòng hồ. Rõ ràng là việc quản lý có vấn đề, khiến việc khai thác tài nguyên nước kém hiệu quả”, nguyên Thứ trưởng đặt vấn đề.

Bên cạnh việc cần sớm tìm ra "chủ" cho các công trình thủy lợi nhỏ, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam khuyến nghị, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu đo đạc để phát hiện rủi ro từ sớm. Các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.

Khu vực cống Long Tửu (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Tùng Đinh.

Khu vực cống Long Tửu (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Tùng Đinh.

Lấy ví dụ về cơn bão số 3 vừa qua, gây thiệt hại nặng cho các tỉnh phía Bắc, ông Thắng chỉ rõ, an toàn  hồ đập cần gắn với an toàn hạ du, cụ thể là xây dựng hệ thống cảnh báo, hệ thống bản đồ ngập lụt và dựa vào cộng đồng.

Để làm được việc này, ông đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Thủy lợi, chính quyền địa phương và các công ty khai thác công trình thủy lợi tiếp tục phục hồi, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ, nhất là tại các hồ chứa thủy lợi trọng điểm như Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Dầu Tiếng...

Song song đó, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh việc nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là khả năng xuất hiện mua bão cường độ cao, hay sự dịch chuyển thời gian mưa về cuối mùa, hoặc sang mùa khô để xây dựng kịch bản ứng phó nhanh chóng, kịp thời. Ngoài sự vào cuộc của các bộ, ngành, ông kêu gọi thêm sự chung tay của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực xã hội.

“Đảm bảo an toàn đập phải gắn với khái niệm quản lý lũ theo lưu vực sông, quản lý vận hành liên hồ chứa, quản lý vận hành thời gian thực”, TS Hoàng Văn Thắng chia sẻ và nói thêm về nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo các cấp, cũng như năng lực của các đơn vị hỗ trợ cơ quan chỉ đạo, cũng như câu chuyện quy hoạch phòng, chống lũ theo lưu vực sông, hình thành các tổ chức hỗ trợ ra quyết định.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đề cập đến hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước, tổ chức sự nghiệp về an toàn hồ đập, có cơ chế tập hợp chuyên gia và nâng cao hiệu quả của các hội chuyên ngành.

Hiện Việt Nam nghiên cứu xây dựng một số trung tâm an toàn hồ đập, và đang xúc tiến cơ chế tập hợp chuyên gia, đặc biệt là các cơ quan tư vấn lớn đã cổ phần hóa, chuyển hoạt động sang lĩnh vực khác.

Phó cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thủy lợi tập trung giải quyết rốt ráo các vấn đề liên quan đến chính sách. Trong đó, nổi bật là các vấn đề về giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, cơ sở hạ tầng, kinh phí duy tu, sửa chữa, bảo trì, đảm bảo an toàn hồ đập...

Cục đang tiếp tục tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa một loạt các Nghị định như 96, 114, 129... Do đó, ông Lương Văn Anh đề nghị các công ty quản lý khai thác thủy lợi tiếp tục có ý kiến gửi về Cục để tổng hợp.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.