| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ cho đơn vị vận hành hồ chứa nhỏ

Thứ Ba 19/11/2024 , 08:05 (GMT+7)

Cục Thủy lợi cam kết gấp rút hoàn thiện các dự thảo liên quan đến chính sách, cơ chế vận hành liên hồ chứa. Đồng thời, bổ sung các quy định hỗ trợ cho các hồ chứa nhỏ...

 

Sáng 19/11, Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới” được chủ trì bởi lãnh đạo Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, cùng sự tham gia của hàng trăm đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò và hiệu quả của các hoạt động truyền thông, thông tin và cảnh báo sớm nhằm bảo đảm vận hành an toàn đập, hồ chứa nước tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Sự kiện cũng là cơ hội để giới thiệu các sáng kiến, công nghệ mới, các thành tựu khoa học trong công tác thông tin, cảnh báo sớm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa nước.

Hiện cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3 .Các hồ chứa thủy lợi “gánh” nhiều nhiệm vụ trọng yếu như: Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…

Hồ chứa nước Ngàn Trươi - công trình trọng điểm nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.

Hồ chứa nước Ngàn Trươi - công trình trọng điểm nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, hệ thống hồ đập của Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Mưa lũ bất thường, lũ quét do biến đổi khí hậu và nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ lớn về an toàn. Ngoài ra, nhiều đập, hồ chứa được xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.

Trước những thách thức kể trên, trong tình hình mới hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quan trắc tự động và các công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành…

Diễn đàn, vì thế, hướng đến việc tăng cường nhận thức, thúc đẩy hợp tác và ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý an toàn hồ đập tại Việt Nam.

Với sự tham gia và đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan báo chí, diễn đàn kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp thiết thực, góp phần giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn nguồn nước cho các công trình thủy lợi trên cả nước. 

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Vũ Minh Việt tham dự diễn đàn.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Vũ Minh Việt tham dự diễn đàn.

Các đại biểu theo dõi tham luận tại Diễn đàn.

Các đại biểu theo dõi tham luận tại Diễn đàn.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

Nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ cho đơn vị vận hành hồ chứa nhỏ

Tổng kết Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, Diễn đàn về an toàn hồ đập đã thu hút sự quan tâm và đóng góp ý kiến của đông đảo các chi cục thủy lợi, công ty khai thác thủy lợi, cũng như cơ quan truyền thông báo chí.

10.6-ho-thuy-dien

Cục Thủy lợi cam kết gấp rút hoàn thiện các dự thảo liên quan đến chính sách, cơ chế vận hành liên hồ chứa (Ảnh minh họa).

Theo lãnh đạo Cục Thủy lợi, công tác quản lý Nhà nước về an toàn hồ đập nói riêng và hệ thống thủy lợi nói chung thời gian qua đã được nâng cao một bước. Ở cấp Trung ương, Cục Thủy lợi cam kết gấp rút hoàn thiện các dự thảo liên quan đến chính sách, cơ chế vận hành liên hồ chứa. Đồng thời, bổ sung các quy định hỗ trợ cho các hồ chứa nhỏ, giúp thủy lợi cơ sở có thêm động lực quản lý, vận hành một cách hiệu quả.

Trong tình hình mới, các hồ chứa thủy lợi cũng như hồ chứa thủy điện đều hướng đến đa mục tiêu. Do đó, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho rằng đây là dư địa để các nguồn lực xã hội hóa về khoa học, công nghệ có thể đóng góp, giúp ổn định cuộc sống người dân.

“Vừa qua, ngành thủy lợi và cả nước đã trải qua cơn bão số 3. Nhờ sự chủ động thông báo thông tin cho chính quyền và người dân kịp thời, việc điều tiết lũ qua các công trình thủy điện, thủy lợi được đảm bảo, không để xảy ra thiệt hại về người”, ông Lương Văn Anh nhấn mạnh.

11 giờ 15 phút

Đảm bảo an toàn hồ đập: Trước tiên phải đảm bảo công trình 'có chủ'

ts hoang van thang

TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho rằng, để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình “có chủ”.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho rằng, để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình “có chủ”, đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu ho đạc để phát hiện rủi ro từ sớm. Bên cạnh đó, các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.

Cũng theo TS Hoàng Văn Thắng, an toàn đập cần gắn với an toàn hạ du, cụ thể là xây dựng hệ thống cảnh báo, hệ thống bản đồ ngập lụt và dựa vào cộng đồng. Song song đó, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh việc nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là khả năng xuất hiện mua bão cường độ cao, hay sự dịch chuyển thời gian mưa.

“Đảm bảo an toàn đập phải gắn với khái niệm quản lý lũ theo lưu vực sông, quản lý vận hành liên hồ chứa, quản lý vận hành thời gian thực”, TS Hoàng Văn Thắng chia sẻ và nói thêm về nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo các cấp, cũng như năng lực của các đơn vị hỗ trợ cơ quan chỉ đạo.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đề cập đến hoàn thiện tổ chức quản lý nàh nước, tổ chức sự nghiệp về an toàn hồ đập, có cơ chế tập hợp chuyên gia và nâng cao hiệu quả của các hội chuyên ngành.

10 giờ 55 phút

Cần thêm nguồn lực xã hội hóa để tăng tính đa chiều của thông tin dự báo

Nhà báo Phùng Linh, báo Tiền Phong đề nghị Ban chủ tọa cho biết thêm về các phương án cảnh báo sớm cho người dân, trong bối cảnh thông tin này còn hạn chế. Ngoài ra, trong tương lai, cơ quan quản lý đã có những phương án nào để nâng cao năng lực cảnh báo và dự báo sớm?

Nguyên Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, vấn đề dự báo thiên tai cần phải được xây dựng một cách bài bản, với nhiều kịch bản khác nhau, thậm chí cao hơn dự kiến. Đồng thời, các bên liên quan nên chủ động cập nhật một cách liên tục dữ liệu, cũng như các thách thức của biến đổi khí hậu như mưa cực đoan, mưa trái mùa.

“Nếu thời tiết cực đoan xảy ra cùng lúc, hoặc đẩy thời gian sâu về mùa khô, chúng ta sẽ có ít thời gian chuẩn bị cho an toàn hồ đập”, TS Hoàng Văn Thắng chia sẻ và thừa nhận, bên cạnh những kênh dự báo chính thống từ các Cục, Vụ, Trung tâm chuyên ngành, rất cần thêm nguồn lực xã hội hóa để tăng thêm tính đa chiều của thông tin.

Qua diễn đàn, ông Thắng vui mừng khi nhận thấy, ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực này. Ông hy vọng, cùng với sự vào cuộc của khối doanh nghiệp, năng lực thông tin, dự báo và tuyên truyền đến người dân sẽ được nâng lên một bước mới.

10 giờ 50 phút

Cần phải tính toán lại năng lực xả lũ của các hồ chứa

Nhà báo Nguyễn Kiểm, báo Quân đội nhân dân, đặt vấn đề, hiện nay các hồ chứa vừa và nhỏ còn xuống cấp. Tuy nhiên, các hồ này gồm nhiều chủ quản lý, khi xả lũ ra ít nhiều gây thiệt hại cho người dân. Vì vậy, giải pháp và quy chế nào để quy trách nhiệm cho các chủ hồ vừa và nhỏ này?

"Theo tôi được biết, Thủy điện Thác Bà đã xả lũ gây thiệt hại cho vùng hạ du, chúng ta có tính đến việc tương lai các hồ này buộc xả lũ và có lực lượng nào sơ tán dân và tài sản, giảm thiểu thiệt hại tối đa?", nhà báo Nguyễn Kiểm nêu câu hỏi.

ong hoang van thang

TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, trả lời câu hỏi của báo chí.

Nguyên Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, Việt Nam có khoảng 4.500 hồ, đập nhỏ. Theo Luật Thủy lợi, những hồ này sẽ giao cho người thụ hưởng, thường là đơn vị cấp xã quản lý, vận hành (còn gọi là thủy lợi cơ sở). Tuy nhiên, trong thực tế, việc vận hành ở cấp cơ sở thường không đúng như kỳ vọng.

Một số địa phương, những hồ, đập nhỏ giao cho UBND xã quản lý, lại phụ thuộc vào trách nhiệm và ý chí của chính quyền. “Có lần đi thực địa, tôi thấy có cây mọc giữa lòng hồ. Rõ ràng là việc quản lý có vấn đề”, nguyên Thứ trưởng nói.

Vấn đề ở đây, theo ông Thắng, một phần là do việc thụ hưởng các dịch vụ thủy lợi là miễn phí. Do đó, các công trình thủy lợi nhỏ (chiếm hơn 60% số lượng cả nước), rất cần 1 kế hoạch tổng thể của địa phương, tất cả tại chỗ, dựa vào sức mạnh của cộng đồng. Ngoài ra, là việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của chính quyền địa phương. Lấy ví dụ về hồ thủy điện Thác Bà, vẫn có những tranh cãi về thời kỳ lũ muộn của hồ này.

Ngoài ra, việc thiết kế hồ chứa này từ 60 năm trước, khi ấy rừng nhiều, ít xuất hiện mưa muộn. Nhưng ngày này, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lũ bất thường hơn, mưa muộn hơn (có thể đến 30/9).

“Có lẽ cần phải tính toán lại năng lực xả lũ của các hồ chứa, không chỉ Thác Bà”, ông Thắng bày tỏ. Việc này đặt ra những vấn đề về việc xây đập mới, hoặc xử lý theo hướng tận dụng đập tràn để điều tiết lũ.

10 giờ 45 phút

Thể chế, khoa học và nguồn lực để tối ưu hiệu quả hoạt động của hồ chứa

Trả lời câu hỏi của nhà báo Chí Tuệ, báo Tuổi trẻ, ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam cho biết, trong vận hành các hồ chứa, mục tiêu quan trọng là cân bằng giữa tích nước để phát điện, tưới, cấp nước sinh hoạt với độ an toàn.

Để đảm bảo được sự cân bằng này, cần dùng đến quy trình vận hành và nhu cầu cầu sử dụng nước, ông Thành cho biết thêm. Hiện nay, đối với các hồ chứa có cánh van, phải tính toán và điều chỉnh thường xuyên để có thể cân bằng được mối quan hệ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, chia sẻ thêm, trong vận hành các hồ chứa, để đảm bảo được lợi ích hài hòa, cần đến cơ sở khoa học, dựa trên quá trình đo đạc, thu thập dữ liệu để đưa ra quy trình.

Nhập chú thích ảnh

Hồ Tả Trạch là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu được xây dựng trên dòng chính sông Tả Trạch (một phụ lưu chính của sông Hương) thuộc địa phận xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

“Trong trường hợp xảy ra biến động, các cơ quan chuyên môn (Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia) sẽ tham gia chỉ đạp với sự tham mưu của các nhà khoa học”, ông Hoàng Văn Thắng phân tích thêm.

Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, để đảm bảo hiệu quả tối ưu cho cả sử dụng nước và an toàn hồ, đập cần tiến đến vận hành theo thời gian thực. Để thực hiện được điều này, trước tiên cần một thể chế rõ ràng, sau đó là cơ sở khoa học và xã hội hóa, đưa các cơ quan tư nhân có năng lực vào hoạt động.

10 giờ 35 phút

Thực hiện nghiêm 4 tại chỗ tại công trình thủy lợi trong mùa lũ

Về quản lý công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh có 1.273 công trình thủy lợi, trong đó có 434 hồ chứa. Trên địa bàn tỉnh có Hồ Núi Cốc là hồ chứa lớn, có chức năng quan trọng trong vận hành xả lũ trong các đợt thiên tai, đặc biệt qua cơn bão số 3, ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện, thành trong tỉnh và các địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Xả lũ hồ Núi Cốc. Ảnh tư liệu: TTXVN

Xả lũ hồ Núi Cốc. Ảnh tư liệu: TTXVN.

Trong phạm vi bảo vệ Hồ Núi Cốc, trên 2.200 hộ dân sinh sống, trong đó trên 600 hộ dân cao trình mực nước dân bình thường cho đến mực nước thiết kế (từ 46,2-48,25m). Qua nhiều năm, đặc điểm lòng dẫn hạ du, cùng với nước lũ sông Cầu mạnh dâng cao, nâng cao giảm đáng kể khả năng thoát lũ hạ du Hồ Núi Cốc. Do đó, xả lũ lưu lượng 400m3/s khiến nhiều hộ dân cư bị ngập.

Qua đợt xả của cơn bão số 3, từ thực tế quả lý địa phương và đảm bảo hồ chứa, Đại diện Chi Cục Thủy lợi Thái Nguyên kiến nghị cần thươngg xuyên nắm bắt tình hình hồ đạp, theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, lượng lũ chảy ra các hồ thủy lợi để đảm bảo phương án kịp thời. Cần chủ động, vận hành thử thiết bị tại các hồ thủy lợi, đập dâng. Chủ động rà soát các danh mục thủy lợi và đề xuất bảo trì các công trình có mức độ ưu tiên. Thực hiện nghiêm 4 tại chỗ tại công trình trong mùa lũ và cần tăng cường năng lực chuyên môn trong bảo đảm an toàn đập….

10 giờ 25 phút

Sớm hoàn thiện công tác dự báo trong vận hành hồ Dầu Tiếng

Đại diện Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi miền Nam đặt vấn đề, hiện nay, diễn biến mưa khá bất lợi, mưa diễn ra muộn nên cuối vụ bà con thường gặp khó khăn vì triều cường ở sông Sài Gòn ở mức cao. Vì vậy, cần công tác vận hành thế nào để mùa lũ đảm bảo an toàn tuyệt đối, đồng thời vào mùa khô vẫn đảm bảo dân sinh?

Bên cạnh đó, hiện trạng hạ tầng thủy lợi hiện nay còn nhiều bất cập, một số cao trình phù hợp điều kiện sử dụng tuy nhiên lại nằm ở vị trí nhiều người dân sinh sống.

hodautieng

Hồ Dầu Tiếng được xác định là công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia.

Trả lời cho câu hỏi của đại diện Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi miền Nam, Phó Cục trưởng Lương Văn Anh thông tin, cao trình của khu đất bán ngập tại hồ Dầu Tiếng hiện cần được tính toán lại. Lý do bởi nếu thực hiện theo đúng thiết kế, cao trình này sẽ nằm trong khu dân cư. Vào mùa mưa lũ, nếu hồ xả đúng lưu lượng thiết kế thì có thể gây ngập, ảnh hưởng đến người dân. Cục Thủy lợi đã khảo sát và cho ý kiến về việc tính toán, thu hẹp dòng chảy khi xả lũ.

Ông Lương Văn Anh đề nghị các đơn vị liên quan đến vận hành hồ Dầu Tiếng sớm hoàn thiện công tác dự báo, nhất là việc ứng phó với tình hình mưa muộn, nhằm chủ động thoát lũ cho vùng hạ du.

10 giờ 15 phút

Kiến nghị cải thiện nguồn thu thủy lợi phí

Đại diện Công ty TNHH MTV sông Chu cho biết, đơn vị đang được giao quản lý 76 hồ đập. Trong đó, có 3 hồ điều tiết bằng cửa van, còn lại xả tràn. Trong công tác quản lý, vận hành các hồ vẫn gặp nhiều khó khăn như: nguồn thu chủ yếu của các doanh nghiệp thủy nông chủ yếu từ nguồn thủy lợi phí do nhà nước chi trả trả hộ người dân. Trong khi đó, việc lắp đặt thiết bị quan trắc, cắm mốc, dự báo, cảnh báo, cấp phép sử dụng nước hết sức quan trọng, yêu cầu phải có một nguồn kinh phí lớn. Do đó, hiện tại việc vận hành các hạng mục của đơn vị vẫn phải làm thủ công.

tl

Công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN.

Giá thủy lợi phí áp dụng từ năm 2012 đến nay chưa thay đổi, trong khi tiền lương, điện, vật tư tăng… không ngừng tăng. Dẫn tới đơn vị “hụt hơi” trong hoạt động bộ máy, công tác duy tu bão dưỡng, phòng chống thiên tai…

Trên cơ sở đó, đại diện Công ty sông Chu kiến nghị: Cục Thủy lợi kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi chính sách liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp thủy lợi để giảm bớt khó khăn trong hoạt động. Bên cạnh đó, hiện nay tốc độ đô thị hóa nhanh, các hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi có chiều hướng gia tăng, nhất là đất có sổ đỏ nằm trong phạm vi công trình thủy lợi, do đó cần có chế tài xử lý mạnh hơn vi phạm công trình thủy lợi.

Ngoài ra, việc cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi công trình thủy lợi cần quy định rõ hơn quy mô công trình để các đơn vị quản lý dễ dàng quyết định.

Trả lời câu hỏi của đại diện Công ty sông Chu, ông Lương Văn Anh cho biết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thủy lợi tập trung giải quyết rốt ráo các vấn đề liên quan đến chính sách.

Trong đó, về giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, Cục đang tiếp tục tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa Nghị định 96. Dù vậy, do cần ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, các địa phương, nên hiện tại chưa thống nhất được. Thời gian tới, ông Lương Văn Anh đề nghị các công ty quản lý khai thác tiếp tục có ý kiến gửi về Cục để tổng hợp.

Tương tự, Nghị định 129 quy định các nội dung về kết cấu hạ tầng, Bộ cũng vừa tiếp thu ý kiến của Thanh tra Chính phủ. Nghị định 114 về việc cắm mốc an toàn và các vấn đề phát sinh liên quan đến an toàn đập, hồ chứa nước cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Đặc biệt, Nghị định 40, sửa đổi Nghị định 67 về kinh phí sửa chữa hồ, đập nhỏ đã đồng ý nới thời hạn thực hiện những công việc này đến năm 2030, thay vì năm 2025. Đây là thông tin tích cực để địa phương, nhất là những khu vực có nhiều đất bán ngập hoàn thiện việc cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình, nhất là những công trình trọng điểm.

10 giờ 05 phút

Sau bão số 3, hệ thống thủy lợi phát sinh nhiều bất cập

Ông Nguyễn Văn Ty, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống (Bắc Ninh) mong muốn được chia sẻ thông tin về khả năng khởi công của đập Xuân Quan và Long Tửu tại khu vực. Ông Ty cũng mong muốn Cục Thủy lợi có chính sách đầu tư các công trình thủy lợi để đáp ứng mọi hoàn cảnh thời tiết để công trình thủy lợi của tỉnh đảm bảo phục vụ công nghiệp độ thị và nông nghiệp.

cong-dong-anh

Khu vực cống Long Tửu (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Trả lời câu hỏi của ông Ty, Phó Cục trưởng Lương Văn Anh thông tin, sau bão số 3, hệ thống thủy lợi Bắc Ninh nói riêng và các tỉnh nói chung phát sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn, khu vực địa phương có cơ cấu tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ cao như Bắc Ninh cần chuyển dịch sang hướng tăng cường năng lực tiêu thoát, ngoài khả năng tưới.

Ông Lương Văn Anh lấy ví dụ về quy hoạch hệ thống thủy lợi tại Bắc Ninh. Dựa trên quy hoạch của tỉnh, địa phương đã nâng năng lực tiêu thoát lên gấp rưỡi, phục vụ những yêu cầu mới của địa phương.

Về vấn đề 2 đập dâng trên hệ thống sông Hồng, lãnh đạo Cục Thủy lợi cam kết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án, đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế cũng như môi trường, hướng đến mục tiêu cao nhất lần toàn đập, hồ chứa nước, nhất là mùa mưa lũ.

10 giờ 01 phút

Khí hậu Việt Nam khó dự báo

ong ha ngoc  tuan

Để nâng cao hiệu quả quản lý hồ thủy lợi, hệ thống vận hành thông minh đang được đề xuất, ông Hà Ngọc Tuấn (ảnh), Phó Giám đốc Công ty KIV, chia sẻ về việc áp dụng kỹ thuật Nhật Bản trong dự báo mưa và tính toán lưu lượng nước về hồ theo thời gian thực, giúp chuẩn bị trước khi lũ đến.

Đại diện Liên danh KIV - Weatherplus cho biết, việc sử dụng công nghệ số và các hệ thống hỗ trợ trong quản lý hồ chứa là bước tiến quan trọng. Công ty đã áp dụng toàn bộ kỹ thuật và tiêu chuẩn của Nhật Bản để tăng độ chính xác trong tính toán và vận hành, chuyên môn hóa dự báo, nhằm phục vụ dự báo nước mưa về hồ trước khi có cơn lũ.

Hệ thống Hỗ trợ Vận hành hồ chứa (HNT) là công cụ quan trọng giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước và đóng vai trò thiết yếu trong việc điều tiết lũ, giảm thiểu xả thừa và tối ưu hóa hoạt động của các công trình thủy lợi, thủy điện.

Với khả năng vận hành cột nước cao nhằm giảm suất tiêu hao, điều tiết lũ an toàn và áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, HNT mang lại những lợi ích rõ rệt về mặt an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.

“Không chỉ xây dựng và phát triển các kịch bản ứng phó với thiên tai, hệ thống HNT có thể đưa ra các dự báo có độ chính xác cao về lũ lụt, hạn hán, hay các biến động khí hậu khác. Thông qua việc ứng dụng các công nghệ số hóa, HNT không chỉ giúp ứng phó nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp mà còn nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên nước bền vững trong dài hạn”, ông Hà Ngọc Tuấn cho biết.

10 giờ 00 phút

Diễn đàn chuyển sang phần thảo luận

z6047125005132_e0d0d6e52b59c36e49bfb19c383d83f5

Kết thúc 4 bài tham luận chính, diễn đàn chuyển sang phần thảo luận. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Đỗ Văn Thành và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch điều hành phần trao đổi.

Nguyên Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị các đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến trao đổi thẳng thắn, tập trung vào nội dung chính về an toàn đập, hồ chứa nước, đồng thời có thể nêu những giải pháp đã được kiểm chứng trong thực tiễn.

9 giờ 30 phút

Kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cập nhật bản đồ ngập lụt

Cty Bắc Sông Thương

Ông Vũ Bá Thành (ảnh), Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương, cho biết, hệ thống các công trình thủy lợi mà công ty quản lý cung cấp nước tưới cho 24.100ha diện tích canh tác của 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Ngoài ra hồ còn có nhiệm vụ điều hoà, phòng lũ và cắt lũ cho vùng hạ du.

Năm 2008, hồ được đầu tư sửa chữa nâng cấp, trong đó xây dựng thêm tràn xả lũ số 2, với tần suất lũ thiết kế 0,5% và tần suất lũ kiểm tra 0,1%. Vùng hạ du cũng được xây dựng bản đồ ngập lụt. Năm 2023, công trình được tỉnh Bắc Giang đầu tư thực hiện việc cắm mốc phạm vi bảo vệ, lắp đặt các thiết bị quan trắc chuyên dùng, trong đó có cả phần mềm tính toán điều tiết lũ.

Tuy nhiên, kết cấu công trình từ khi xây dựng đã xuất hiện một số bất cập, hư hỏng, nhất là khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng như cơn bão số 3 vừa qua. Ông Thành chỉ ra như: Tràn số 1 có kết cấu cửa van cung, vận hành các van điều tiết bằng thủ công đã xả tràn là phải hạ hết cánh tràn nên không điều chỉnh được lưu lượng xả. “Chỉ cần rách 1 đoạn ngắn gioăng cánh tràn lên xuống rất khó khăn trong khi đó không thể sửa chữa thay thế được khi có lũ nước lên cao”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, việc xả lũ đảm bảo an toàn cho hồ chứa theo quy trình khi mực nước sông Thương phía hạ lưu ở mức cao sẽ gây thêm ngập lụt, thiệt hại cho các vùng thấp ở ven sông, đồng thời đe doạ đến sự an toàn của hệ thống đê sông Thương.

Qua kinh nghiệm ứng phó bão số 3 vừa qua, ông Thành cho rằng, cần tăng cường áp dụng công nghệ trong tính toán điều tiết lũ, mang lại hiệu quả cùng với kinh nghiệm quản lý vận hành của các đợt mưa lũ của các năm trước để tính toán xem xét việc xả lũ hồ vừa đảm bảo an toàn công trình vừa giảm thiệt hại cho hạ du.

Trong 31 hồ mà Công ty Bắc Sông Thương quản lý, có 5 hồ đã xuống cấp, gồm: Khuôn Thần, Cây Đa, Va Khê, Khoanh Song, Đá Cóc. Qua diễn đàn, ông Thành kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cập nhật bản đồ ngập lụt và hệ thống cảnh báo lũ cho vùng hạ du, bổ sung kiểm định công trình và phê duyệt quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hồ Cấm Sơn theo quy định.

9 giờ 15 phút

Hiện chỉ có 28% hồ thủy lợi được lập quy trình vận hành

ong luong van anh

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, thông tin, hiện mới chỉ có 28% số hồ chứa thủy lợi được lập quy trình vận hành.

Tại Diễn đàn, ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, thông tin, hiện nay cả nước có hơn 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT được giao quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 1 hồ liên tỉnh. 8 hồ chứa thủy lợi liên tỉnh còn lại Bộ phân cấp cho các địa phương quản lý. Tại các địa phương quản lý hơn 6.700 hồ. 63 đơn vị cấp tỉnh quản lý kỹ thuật (QLKT) hơn 2.300 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ (chiếm 34%). Các đơn vị cấp huyện, xã QLKT hơn 4.200 hồ chứa (trong đó 64% là hồ nhỏ).

Về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành (QTVH) được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập QTVH (gồm 213 hồ tràn có cửa van điều tiết và 1.600 hồ mà tràn xả lũ là tràn tự do). Việc vận hành theo QTVH hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (dự báo mưa), do thiếu các thiết bị đo mưa trên lưu vực hồ chứa.

Theo ông Lương Văn Anh, trên cơ sở đã nhận diện những khó khăn thách thức, trong thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Cục Thủy lợi sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT, Chính phủ xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện thể chế, chính sách về quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi; hiện đại hóa hệ thống quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa thủy lợi; rà soát, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du, lòng hồ chứa thủy lợi; rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả, đa mục tiêu hồ chứa thủy lợi.

9 giờ 05 phút

Việt Nam bổ sung 31 hồ chứa lớn, tăng dung tích trữ lên 1,92 tỷ m3

ong do van thanh

Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, cung cấp thông tin tổng thể về hiện trạng và quy hoạch hệ thống hồ chứa thủy lợi Việt Nam.

Cung cấp thông tin tổng thể về hiện trạng và quy hoạch hệ thống hồ chứa thủy lợi Việt Nam, ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, cho biết, trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, ngành thủy lợi đã đạt nhiều thành tựu lớn. Được xếp vào top 10 các nước có hệ thống thủy lợi phát triển nhất thế giới.

Với gần 8.000 đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi với tổng dung tích khoảng 68 tỷ m³ nước. Trong đó, có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích 15 tỷ m3 với 4 hồ quan trọng đặc biệt gồm Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng. Theo ông Thành, quy hoạch đến năm 2030, ngành thủy lợi dự kiến xây dựng thêm 31 hồ chứa nước để tăng dung tích trữ lên 1,92 tỷ m3. Bên cạnh đó, nâng cao dung tích các 8 hồ chứa nước có đủ điều kiện để tăng dung tích chứa lên 360 triệu m3.

Ngoài ra, trong quy hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng các hồ chứa nhỏ, phân tán và hệ thống tưới cho 0,3 triệu ha rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp đến năm 2030 và tăng thêm khoảng 0,6 triệu ha đến năm 2050; xây dựng chương trình hồ chứa nhỏ, phân tán cấp nước sinh hoạt và sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, việc quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ mưa lũ tăng; hầu hết các hồ chứa thủy lợi được xây dựng trước năm 2000, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du; tại nhiều khu vực, nhu cầu nước cho sản xuất lớn hơn khả năng đáp ứng của hồ chứa…

ho song cai

Hồ Sông Cái Ninh Thuận có dung tích 219 triệu m3, là công trình hiện đại giải quyết nước tưới cho phía Bắc tỉnh Ninh Thuận.

Do đó, trong thời gian tới, ông kiến nghị ngành thủy lợi cần tăng cường thể chế, chính sách trong quản lý, đầu tư, bảo vệ công trình hồ chứa, đập dâng nhằm phát huy hiệu quả công trình và đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du; xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành,... đặc biệt là đối với các hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ. Trong đó, chú trọng việc sử dụng linh hoạt, hợp lý phần dung tích trên mực nước dâng bình thường để tăng khả năng điều tiết cấp nước, phòng lũ; nghiên cứu sử dụng và khai thác vùng bán ngập hợp lý.

Bên canh đó, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tính toán quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành công trình, tích cực nghiên cứu cơ chế huy động đa dạng nguồn lực trong đầu tư, khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa, đập thủy lợi.

9 giờ 00 phút

Mong muốn báo chí đồng hành, nâng cao hiệu quả truyền thông về an toàn đập, hồ chứa

anh Thach

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Cùng với an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa được xác định là vấn đề quan trọng của quốc gia. Chính vì đó, ngày 23/6/2022 Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong những mục tiêu của an toàn đập, hồ chứa là chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ đề ra thì “Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới” được xác định là nhiệm vụ đầu tiên.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này thể hiện rõ trong sau cơn bão số 3 vừa qua. Do đó, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

“Qua Diễn đàn, chúng tôi kỳ vọng nhận được nhiều ý kiến quý báu của các nhà quản lý, chuyên gia và nhà khoa học; không chỉ nêu thực trạng mà còn có những giải pháp hữu hiệu trong ngắn hạn cũng như lâu dài cho vấn đề an toàn đập, hồ chứa trong tình hình mới. Từ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đời sống, sinh hoạt của người dân và góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị.

Với sự tham gia của rất nhiều cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Diễn đàn hôm nay, tôi rất mong, chúng ta sẽ cùng nhau thực tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó", ông Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu.

Xem thêm
Chú trọng tháo gỡ rào cản thể chế để phát triển khoa học, công nghệ

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc chú trọng tháo gỡ rào cản thể chế để phát triển khoa học, công nghệ khi triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.