| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khi sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ

Thứ Tư 05/02/2025 , 14:27 (GMT+7)

Sáng 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và một số dự thảo liên quan đến cơ cấu của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Cụ thể, tại Phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu xây dựng dự án Luật là sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối với Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh sự cần thiết, để bộ máy mới nhanh chóng ổn định, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. Theo đó, phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.

Tại phiên họp, các ý kiến tán thành sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật...

Đồng thời, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; phân cấp, ủy quyền; điều khoản chuyển tiếp, quan hệ của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: Quốc hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hiện nay dư luận, nhân dân rất quan tâm tới việc sắp xếp bộ tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo đúng chủ trương “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.

Do đó, các nội dung trình Quốc hội liên quan tới sắp xếp tổ chức bộ máy phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; quá trình chuẩn bị cần khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng.

Nhấn mạnh trong lần sửa đổi này cần đẩy mạnh phân cấp cho Chính phủ tối đa, để Chính phủ chủ động, tháo gỡ được khó khăn vướng mắc, đưa đất nước phát triển, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định liên quan tới phân cấp, phân quyền quy định trong luật này với các luật có liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về phân cấp phân quyền “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện nội hàm khái niệm về “phân cấp”, “ủy quyền” tại dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); quy định rõ về các điều kiện phân cấp như tài chính, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính;... Ngoài ra, làm rõ hơn về điều kiện, người được phân cấp, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm; cơ quan được phân cấp phải chủ động, không nên quy định về việc phân cấp tiếp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ và ban hành 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Nội vụ cùng các cơ quan có liên quan trong việc khẩn trương chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật, 02 dự thảo Nghị quyết thể hiện sự nghiêm túc, chất lượng, công phu, đúng quy định, bám sát yêu cầu đổi mới, tư duy xây dựng pháp luật;...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội khẩn trương tổ chức thẩm tra với nhiều nhận xét, ý kiến xác đáng, cụ thể và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ.

Xem thêm
Bãi bỏ thủ tục hành chính khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai

Hà Nội Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT bị bãi bỏ từ ngày 25/2/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bị phạt 19 triệu đồng vì điều khiển ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc

Với hành vi điều khiển ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc, bà H. đã bị xử phạt 19 triệu đồng và trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.

Tổ quốc tôi như một con tàu

Hai năm nay tôi đều may mắn được trở lại Cà Mau. Nói trở lại, vì tôi đã từng có mặt ở vùng đất này từ năm 1981 và nhiều lần, sau đó.

Bình luận mới nhất