| Hotline: 0983.970.780

Những 'cột mốc sống' biên cương

Chủ Nhật 02/02/2025 , 10:45 (GMT+7)

Gọi là 'làng cao su' bởi từ cây cao su mà quần tụ thành làng, những công nhân cao su từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tụ họp về đây làm những cư dân nơi biên giới. Họ đã góp phần gìn giữ môt dải biên cương no ấm, vững bền.

Sức sống vùng biên

“Muốn thị sát đời sống công nhân thì mời các anh trước 12 giờ xuất phát với chúng tôi”, Thượng tá Hoàng Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15), đơn vị đứng chân trên huyện Ia H’Drai của tỉnh Kon Tum nói. Và chúng tôi đã có một buổi cùng các anh đi dọc đường tuần tra biên giới thuộc xã Ia Đal, từ Đội sản xuất số 8 sang Đội sản xuất số 7 từ ngày, vắt qua đêm, sang đến hôm sau.

Khắp các lô cao su từ nửa đêm đều thấp thoáng ánh đèn. Những nguồn sáng này phát ra trên trán mỗi công nhân cao su. Họ đang đi cạo mủ vào khung giờ mà cây cao su “căng sữa” nhất, cho chất lượng mủ tốt nhất. Chị Vũ Thị Lan của Đội sản xuất số 8 gia đình đang phụ trách diện tích vườn 9 ha, mỗi đêm chị cạo một vườn, thu về tầm 5 tạ mủ nhập cho Đội. Khi tôi có mặt chị Lan đang thu dọn những chiếc thùng sơn dùng để đựng mủ sau khi kết thúc ngày làm việc bên lô cao su xanh lá đối diện ngay căn nhà của chị. Như nhiều công nhân khác của Đội 8, chị Lan có mặt tại đây từ những ngày mới trồng cây cao su xuống và đất Ia Tơi này khi ấy còn hoang vu, thú rừng sống chung với người. Từ công sức của họ, bây giờ thì hàng ngàn hecta cao su đã ngày ngày cho những dòng sữa trắng. Khu dân cư của Đội 8 giờ đây đã có vài chục hộ ở lại sinh cơ lập nghiệp, đã ra dáng chòm xóm ấm áp.

Anh Sinh với công việc cạo mủ ban đêm tại lô cao su. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Anh Sinh với công việc cạo mủ ban đêm tại lô cao su. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Rời Đội sản xuất số 8 tôi tiếp tục có mặt tại một lô cao su của Đội sản xuất số 7 vào ban đêm. 0 giờ là thời điểm các công nhân ở đây đi cạo mủ. Anh Vi Văn Mưu với động tác thoăn thoắt di chuyển qua từng cây cao su, chỉ dừng lại mở mỗi gốc cao su chưa đầy một phút nhưng anh đã kịp làm đủ mọi thao tác thu mủ tạp dính ở bát và miệng cạo, cạo răm mới và chỉnh bát ngay ngắn đón dòng mủ trắng chảy xuống. Làm xong anh tiếp tục di chuyển sang cây kế tiếp, những động tác quen thuộc được lặp lại. Ánh sáng từ chiếc đèn pin gắn trên trán Mưu liên tục đổi hướng nhảy nhót trên những thân cao su như tạo một nhịp điệu lao động. Hai vợ chồng Mưu được giao 12ha cao su chăm sóc và khai thác. Khu dân cư của Đội 7 còn có phần xôm tụ hơn Đội 8 vì ở đây có điểm thu gom mủ.

Dọc dải biên giới hơn hai trăm kilomet thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển xã hội những năm qua, các đơn vị của Binh đoàn 15 đã dựng lên 267 ngôi làng song song với việc trồng hàng chục nghìn hecta cao su trên những diện tích rộng lớn đất trống, đồi núi trọc của vùng đất đỏ bazan.

Bên phía huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, tại các đội sản xuất của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 không khí cũng sôi động không kém. Những cây cao su ở đây đã được 25 năm tuổi, khai thác mủ được 18 năm với ba miệng cạo được mở hai bên thân cây. Lứa cao su này đã mở miệng cạo trên, anh Lương Đỗ Sinh đã phải dùng đến con dao cạo cán dài cả mét. Hai vợ chồng anh đã gắn bó với lô cao su này từ năm 2000, khi nó mới được trồng xuống đất Mo Rai. Vợ chồng anh gắn bó với đất Sa Thầy từ năm 2000, khi cây cao su vừa trồng xuống, nay thì lứa cao su ấy đang tiến dần đến những năm cuối của chu kì khai thác. Chị Vi Thị Thuyết, vợ anh thì còn nghỉ hưu trước cây, từ ba năm trước. Tuy vậy chị vẫn hỗ trợ anh bên lô cao su, đêm đêm hai vợ chồng cạo mủ, sáng ra đi thu mủ. Công việc vất vả nhưng vui và cho thu nhập ổn định. Quan trọng hơn là sự gắn bó suốt cả đời người.

Từ sự tiên phong của những người lính, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng đã tham gia trồng và khai thác cây cao su tại Tây Nguyên. Hàng nghìn công nhân cao su thuộc các đội sản xuất của không chỉ Binh đoàn 15 mà cả các công ty cao su khác sau này như Mo Ray, Sa Thầy, Duy Tân đã đầu tư lên các vùng đất biên giới dần đem màu xanh và những người dân hiện diện ở đây, làm nên một sức sống cho vùng biên giới Việt Nam - Campuchia dài rộng.

Ngọt ngào dòng sữa trắng xây dựng vùng biên. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Ngọt ngào dòng sữa trắng xây dựng vùng biên. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Những ngôi làng công nhân

Phải uốn lưỡi mấy lần tôi mới phát âm được cái tên huyện Ia H’Drai mới thành lập năm 2015 này. Đây cũng là huyện khá đặc biệt, bởi diện tích để lập nên nó là lấy 2/3 của… một xã. Xã Mo Rai, huyện Sa Thầy vốn nổi tiếng cả nước khi diện tích tương đương diện tích của… tỉnh Thái Bình. Vậy nên chỉ cần san bớt 2/3 là đã đủ để lập một huyện mới gồm 3 xã Ia Dom, Ia Tơi, Ia Đal. Điểm đặc biệt thứ hai của vùng đất tách ra này là hoàn toàn chưa có dân, không có một buôn làng truyền thống của bà con các dân tộc Tây Nguyên nào ở đây kể từ sau khi chiến tranh kết thúc. Vậy nên việc triển khai các đội sản xuất cũng đồng thời lập nên những thôn làng mới theo hướng “lưỡng dụng”, cây cao su đi đến đâu khu dân cư lan tới đó.

Khu dân cư của Đội sản xuất số 8 cũng là thôn 8. Trong trí nhớ của chị Vũ Thị Lan, mười năm trước nơi đây còn là vùng đất hoang sơ, dân chưa có, điện - đường - trường - trạm chưa có. Từ năm 1999 - 2000, những công nhân đầu tiên của Binh đoàn 15 đi khai thiên lập địa, phát rừng đào hố trồng nên những cây cao su đầu tiên. Người công nhân ở lại với cây cao su, chăm sóc từng ngày để chờ đến ngày cho mủ. Phần vì thời tiết khắc nghiệt, phần bị thú rừng phá, tỉ lệ cây chết nhiều. Chết cây nào trồng lại cây đó, làm sao để tỉ lệ cây sống phải đạt 98% như nghị quyết lãnh đạo đã đưa ra. Những công nhân mới vào dựng lều bạt ở tạm, cả năm sau công ty mới làm xong nhà tập thể cho công nhân. Dần dần các hộ được chia đất dựng nhà riêng, hình thành nên làng xóm.

Gia đình anh Vi Văn Mưu và chị Vi Thị Nhâm tại Đội sản xuất số 7, chi nhánh 716, Binh đoàn 15. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Gia đình anh Vi Văn Mưu và chị Vi Thị Nhâm tại Đội sản xuất số 7, chi nhánh 716, Binh đoàn 15. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Những ngôi nhà đầu tiên xuất hiện cùng với cây cao su ấy đã là tiền đề cho các khu dân cư sung túc sau này. Giờ đây nhiều gia đình công nhân cao su đã đón cả người nhà từ quê vào ở cùng để hỗ trợ công việc và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy mỗi thôn làng cũng trở nên đa sắc màu hơn. Tôi đã gặp ở đây những bà mẹ người Thái ở vùng núi Thanh Hóa vào với con cháu, những ông bố người Mường Hòa Bình, người Tày Lạng Sơn vào hỗ trợ con lúc bận rộn cuối năm.

Gia đình Vũ Thị Mai Vân Phương thì đang tất bật đẩy nhanh việc hoàn thiện ngôi nhà mới để kịp đón Tết. Đây là ngôi nhà mà gia đình chị được hỗ trợ từ chương trình nhà Đại đoàn kết với số tiền 70 triệu đồng, kết hợp cùng nguồn kinh phí của gia đình anh chị đang sắp có một tổ ấm khang trang đón năm mới. Anh Vi Văn Mưu thì đã được hưởng chế độ nhà Đại đoàn kết từ năm trước. Bộ mặt các làng công nhân tại Ia Đal đang sáng lên từng ngày. Tiếp tôi trong căn nhà mới khang trang, anh Vi Văn Mưu cười rạng rỡ. Cả khoảng tường nhà đặc kín bằng khen, giấy khen, tôi đếm được tất cả 38 chiếc. Ngôi nhà như đầy hơn khi trên tay chị Vi Thị Nhâm vợ anh là đứa con nhỏ 8 tháng mới sinh đầu năm 2024. Vợ chồng Mưu mấy năm qua đều là Chiến sĩ thi đua của Đội 7. Đó là những thành quả của anh chị sau 10 năm đổ mồ hôi công sức xuông vùng đất biên giới, gắn bó với đơn vị.

Thiếu tá Kiều Bá Oanh, Đội trưởng Đội sản xuất số 7 cho biết, Đội sản xuất số 7 quản lí xấp xỉ 320ha cao su trải dài trên 8km đường biên giới với Campuchia, có 3 cột mốc quốc gia 18, 19, 20. Anh Oanh đồng thời cũng là trưởng thôn gồm 2 đội sản xuất 6 và 7. Cả thôn có 67 hộ toàn là công nhân cao su cả. Ngày chưa tách huyện, lập xã, thì xã Ia Tơi bây giờ vẫn thuộc xã Mo Rai to đùng, từ thôn lên xã phải di chuyển 60km. Anh Oanh bảo, đi xin cái giấy khai sinh cũng phải đi chừng ấy đường đất. Ngày kéo điện về thôn, Oanh làm hợp đồng điện mang lên xã kí, mất bốn năm ngày chưa xong. Sau anh đành về gửi lại nhờ đóng dấu để lên lấy sau. Cả thôn được lắp có 4 cái công tơ điện, thế là hằng tháng cứ phải cộng trừ để chia tiền cho từng hộ sao cho công bằng.

Cũng theo vị trưởng thôn đeo quân hàm này, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi thôn của Ia Đal và Ia Tơi được trên đầu tư xây dựng 1km đường bê tông kết nối vào đường tuần tra biên giới nên việc đi lại cũng thuận tiện hơn, công nhân đi cạo mủ, thu mủ, vận chuyển về điểm thu mua trời mưa cũng đỡ vất vả. Cả 7 thôn biên giới của huyện Ia H’Drai đều đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2022. Các hộ trong thôn đều được hưởng chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản từ các chương trình của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Hiện tại thôn được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền hơn 4 tỉ để phát triển kinh tế hộ gia đình, chủ yếu đầu tư cải tạo vườn tạp trồng cà phê, điều và phát triển đàn bò sinh sản.

Hai nữ công nhân Vũ Thị Lan và Y Ngơm bên lô cao su của Đội 8. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Hai nữ công nhân Vũ Thị Lan và Y Ngơm bên lô cao su của Đội 8. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Bốn phương tụ họp bên đường biên xanh

Chị Phạm Thị Thu, Đội sản xuất số 9, Công ty 715 đóng tại xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai là “của hiếm” của đơn vị, không hẳn chị là công nhân duy nhất đến từ Đồng bằng Sông Cửu Long mà còn là bởi chị luôn đạt năng suất cao, thông thường lên tới 130% kế hoạch. Chị Thu cho biết, năng suất của mỗi công nhân phụ thuộc vào kĩ thuật cạo, tuy không phải là thợ cạo giỏi nhưng chị Thu lại chịu khó cạo tận thu các cây trong lô, mở đường cạo thấp xuống gốc cũng như việc thu gom mủ dây dính trên miệng cạo đêm trước, mủ dính ở bát để nhập mủ tạp... thậm chí mưa bão có cây trong lô bị đổ chị vẫn tận dụng cạo cho đến khi cây không còn cho mủ nữa mới thôi. Những “bí quyết” đó đã khiến chị Thu luôn đạt năng suất vượt trội, là hình mẫu trong đội sản xuất. Bởi vậy, ở cô gái đến từ Hậu Giang luôn là sự độc đáo.

Ở khắp các đội sản xuất thuộc các Công ty 715, 732, Chi nhánh 716, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 của Binh đoàn 15 là hàng nghìn công nhân đa số đến từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung, từ Cao Bằng, Bắc Kạn đến Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…, trong đó khá nhiều người thuộc cộng đồng các dân tộc thiểu số. Họ đã từ bốn phương tụ về xây dựng vùng biên, đêm đêm những ánh đèn cạo mủ soi sáng rừng khuya như những con mắt thức nơi phên dậu Tổ quốc.

Việc phát triển diện tích trồng cao su cũng đã đem lại công việc cho người lao động bản địa là đồng bào các dân tộc ở Đức Cơ, Chư Păh, Ia Grai (Gia Lai), Sa Thầy, Ngọc Hồi (Kon Tum). Đội sản xuất số 7 của Công ty 715 đứng chân trên địa bàn thôn Mít Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai. Đội quản lý gần 300ha cao su nhóm 1 và 2 có tuổi đời trên 20 năm, đang ở chu kì khai thác mủ, thu hút hơn 100 lao động, trong đó đa số là bà con người Jarai tại địa bàn. “Toàn đội có 87 thợ cạo thì trong đó có tới 64 thợ là người địa phương”, Thiếu tá Lương Tú Sơn, Đội trưởng Đội sản xuất số 7 nói với tôi như khoe. Điều đáng mừng là trong số đó có những người đã đạt tay nghề kĩ thuật cao như K’So Long liên tục đạt danh hiệu Thợ cạo giỏi cấp Đội và Công ty.

Mủ tươi ngày ngày được công nhân thu gom và đưa về nhà máy để sơ chế. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Mủ tươi ngày ngày được công nhân thu gom và đưa về nhà máy để sơ chế. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Puih Pdut tay nghề tuy không giỏi bằng K’So Long nhưng lại đạt sản lượng cao nhờ các kĩ năng tổng hợp trong thu hoạch mủ giống như chị Phạm Thị Thu nên hằng năm sản lượng mủ cao su của anh thường đạt đến 130%. Việc thu hút lao động địa phương đã tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con Jarai, hơn thế nữa là từng bước giúp bà con làm quen với nền nếp, tác phong, kỉ luật lao động, khắc phục dần tính ngẫu hứng, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Như Puih Cúc, khi còn làm lao động tự do, làng có việc ma chay là sẵn sàng nghỉ vài ba ngày nhưng khi vào làm công nhân tại Đội đã làm quen dần, từng bước có sự chuyển biến tốt. Hai vợ chồng cùng làm công nhân tại Đội 7, ba năm trở lại đây vợ chồng anh đều vượt sản lượng, từ thu nhập ổn định, hai vợ chồng anh đã tích cóp làm được nhà mới. Tỉ lệ công nhân hai vợ chồng cùng làm trong Đội như vợ chồng Puih Cúc chiếm 10% và đều là những hộ có thu nhập tốt, tạo nền tảng để xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái.

Anh KSo Chu, Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ thôn Mít Jep cho biết, Mít Jep là thôn có số người vào làm việc tại Công ty 715 nhiều nhất so với các thôn trong xã Ia O với 116/359 hộ. Trong thôn có hơn 10 hộ đạt danh hiệu Sản xuất kinh doanh giỏi. Thu nhập bình quân của thôn Mít Jep đạt 55 triệu/người/năm.

Trong ngôi nhà rông tại làng Le, xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum), già làng A Ren đôi mắt sáng lên niềm vui khi tôi hỏi về chuyện làm ăn của người Rơ Măm, ông cho biết, từ ngày bộ đội giúp dân cải tạo vườn, trồng cao su, cà phê cuộc sống của bà con Rơ Măm đã khác xưa, ai không có vườn thì có thể vào làm công nhân cho đơn vị. Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ làng Le, anh A Thái chính là một điển hình trong làm kinh tế, anh đã tốt nghiệp đại học ngành Luật và là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum. Ngoài cây cao su, với 5ha rẫy, A Thái trồng sầu riêng, cà phê thu lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng, gia đình anh phải thuê thêm lao động mới làm xuể. Anh A Thái cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78, đời sống của bà con Rơ Măm đã từng bước ổn định, tiến tới tự chủ trong xây dựng cuộc sống.

Y Đẻ - nữ công nhân người Rơ Măm tại rẫy cao su Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Y Đẻ - nữ công nhân người Rơ Măm tại rẫy cao su Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Tại một rẫy cao su của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78, tôi có dịp tiếp xúc với chị Y Đẻ. Đồng bào Rơ Măm, một dân tộc ít người từ chỗ chỉ còn trên dưới một trăm người, nay với sự chung tay vào cuộc của nhà nước và các đơn vị trên địa bàn, cộng đồng người Rơ Măm đã phát triển lên 187 hộ với gần 566 nhân khẩu. Trong đó nhiều người đã trở thành công nhân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78, có việc làm và được tạo điều kiện về chỗ ở như chị Y Đẻ. Còn vợ chồng anh A Hoan và chị Y Đỏi thì kể, anh chị vào làm công nhân tại Đội sản xuất số 10 từ năm 2011, được đơn vị đào tạo cạo mủ cao su, lúc đầu cạo còn cứng tay, sau đã quen dần. Bây giờ mỗi ngày anh chị cạo và thu hoạch 2 tạ mủ nhập cho Đội, mức thu nhập trên 7 triệu đồng một tháng. Trong đội của anh chị có 20 người Rơ Măm cũng có công việc và mức thu nhập tương tự. Gia đình A Hoan - Y Đỏi cũng mới chuyển về ngôi nhà mới được hỗ trợ từ chương trình nhà “Đại đoàn kết” được nửa tháng. Trước đi làm, mưa gió nhà dột, mục không yên tâm, bây giờ thì đã khác.

Theo chân chị Y Đẻ tôi về thăm khu tập thể dành cho công nhân thuộc Đội sản xuất số 11. Sau buổi làm việc, những phụ nữ Rơ Măm quây quần trước hiên nhà nghỉ ngơi trò chuyện. Đây là khoảng thời gian trống của họ trước khi bắt tay vào chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Đại úy Đậu Quang Hưng, Đội trưởng Đội sản xuất số 11, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 cho biết, tỉ lệ công nhân người Rơ Măm của đội cao nhất so với các đội trong đơn vị với 13 trên tổng số 77 công nhân của đội. Trong sự hồi sinh của tộc người, những chàng trai, cô gái Rơ Măm hôm nay đã có công việc và cuộc sống ổn định, cùng chung tay bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Những lô cao su trải dài dọc theo đường tuần tra biên giới, có những nơi chỉ cách cột mốc vài chục mét đã làm nên một vành đai xanh, và suốt vành đai xanh đó ngày đêm đều có sự hiện diện của những người thợ Binh đoàn 15, cũng là những cư dân nơi biên giới. Ngoài việc sản xuất kinh doanh, đem lại giá trị kinh tế dựng xây đất nước, họ được ví như những cột mốc sống bảo vệ biên cương.

Xem thêm
Các nước chúc mừng Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025) các nước đã gửi thư, điện chúc mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nông dân rộn ràng tưới cà phê xuyên Tết

Sau một niên vụ thắng lợi, những vườn cà phê ở Gia Lai đang được bồi bổ sức khỏe, thông qua việc tưới nước đợt một, ngay trong những ngày của Tết Ất Tỵ này.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đặc sắc lễ hội 'Hương sắc Tây Ninh' năm 2025

Lấy chủ đề Hương sắc Tây Ninh, lễ hội xuân núi Bà Đen là lễ hội lớn nhất năm, đa dạng hoạt động kéo dài suốt tháng Giêng, dự kiến đón hàng triệu du khách.

Bình luận mới nhất