| Hotline: 0983.970.780

Tổ quốc tôi như một con tàu

Thứ Hai 03/02/2025 , 10:45 (GMT+7)

Hai năm nay tôi đều may mắn được trở lại Cà Mau. Nói trở lại, vì tôi đã từng có mặt ở vùng đất này từ năm 1981 và nhiều lần, sau đó.

Mũi Cà Mau là mảnh đất thiêng liêng, nhô ra ở điểm cực Nam của Tổ quốc Việt Nam.

Mũi Cà Mau là mảnh đất thiêng liêng, nhô ra ở điểm cực Nam của Tổ quốc Việt Nam.

Khi máy bay hạ thấp độ cao, chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Cà Mau, trong đầu tôi vang lên câu thơ của Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu / Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”, (Mũi Cà Mau).

Nhòm qua cửa kính máy bay, màu xanh tươi tốt. Tôi không nhận ra đâu là sông Gành Hào, sông Ông Đốc, sông Năm Căn, sông Đầm Dơi, sông Đầm Chim... Chỉ nhớ rằng, Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đan xen không khác gì mạng nhện.

Anh Sáu Đức (tên gọi thân mật của nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ngô Thịnh Đức) là người Cà Mau thứ thiệt, nói thầm bên tai, Cà Mau là tỉnh đứng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về kênh rạch, các dòng sông từ lớn đến bé. Tổng chiều dài hơn 7.000km, mật độ trung bình 1,34km/km², tổng diện tích mặt nước 15.756ha, chiếm 3,02% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Mỗi một con rạch đều được cư dân từ thời đi khẩn hoang, mở đất đặt tên như rạch Đình, rạch Trại, rạch Vinh, rạch Hàng Nhỏ, rạch Hàng Lớn, rạch Nàng Chăng, rạch Cây Nhơn, rạch Cá Bông, rạch Cuôi, rạch Ông Bích, rạch Vọp, rạch Chà Là, rạch Bù Mắt, rạch Bỏ Lược... Sử sách còn ghi lại rằng, thời Pháp thuộc, ở tỉnh Cà Mau có 12 con kênh đào được bằng thủ công, sức người và những dụng cụ thô sơ nhất. Dòng sông, kinh, rạch ở Cà Mau là huyền sử, tâm linh; là đời sống, dân sinh, văn hóa...

Cà Mau ba mặt giáp biển. Cà Mau là địa phương cực Nam của Tổ quốc được ngắm mặt trời cả lúc bình minh và hoàng hôn. Chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển thuộc địa phận Cà Mau rộng lớn. Người Cà Mau giỏi làm lúa theo hướng thuận thiên, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng lấn biển.

Đến Cà Mau, không riêng tôi, hẳn ai cũng nhớ thêm câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Nhớ Bắc). Có thể nói, đây là áng thơ đỉnh cao về nỗi lòng người Việt. Tôi từng nghe một nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ lý giải rằng, vọng cổ, đờn ca tài tử sinh ra từ những ngày người xưa đi mở nước.

Thủ trưởng Sáu Đức vẫn thường nói với tôi: “Tao thằng người họ Ngô có gốc từ quê nhà mày đấy”. Đúng là dòng họ Ngô Trảo Nha (Hà Tĩnh) đã có nhiều tiền nhân cư biệt quán, hành hương vào phương Nam sinh ra hậu duệ bây giờ. Các dòng họ khác đều thế.

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều, một trong nhiều Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Chị gắn bó với Cà Mau, dành cho cố thổ tình yêu đặc biệt. “Phương Nam/ Những gương mặt hiền như đất / Những phù sa vạm vỡ đồng bằng / Những mùa bội thu thơm lừng hương nếp / Niềm vui nở trên những luống cày cha sốt ruột chờ mưa” (Ru giấc phù sa, thơ Huỳnh Thúy Kiều).

Cà Mau là một phần của Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất thơm thảo này chỉ có hai mùa mưa nắng. Đọc mấy câu thơ của Huỳnh Thúy Kiều, tôi không thể quên mùa khô năm 1981. Hồi đó chưa có nước sạch UNICEF, chứ chưa nói đến các nhà máy nước ngọt sau này. Tôi từng chờ mua nước ngọt trên các dòng kinh.

Mũi Cà Mau là mảnh đất thiêng liêng, nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam. Nơi này, từ lâu đã trở thành tâm thức người Việt. Đường Hồ Chí Minh từ lâu đã nối liền từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến tận Đất Mũi. Anh Sáu Đức là một trong những lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải có mặt từ ngày đầu khảo sát hướng tuyến, chỉ đạo trên công trường. Với anh cảm xúc khác biệt.

Lúc chúng tôi đặt chân đến Đất Mũi, đúng lúc huyện Ngọc Hiển long trọng tổ chức lễ viếng và dâng hương tri ân công đức Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Sự kiện văn hóa tâm linh này diễn ra tại Đền thờ Lạc Long Quân. Bên cạnh Đền thờ là tượng Mẹ Âu Cơ. Cách đó không xa, Cột cờ Hà Nội - quà tặng của nhân dân Hà Nội dành cho nhân dân Cà Mau, kiêu hãnh trong gió.

Cà Mau tổ chức lễ tri ân Quốc Tổ không chỉ thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc mà còn là hoạt động giáo dục truyền thống tốt đẹp, lòng hiếu đạo, sự biết ơn của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã "lên rừng, xuống biển" mở mang bờ cõi.

Đối với người dân vùng đất mũi Cà Mau, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ Âu Cơ từ lâu nay và mãi về sau là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ. Nơi Đất Mũi mãi lưu giữ tình yêu giống nòi, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc cũng như ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nền độc lập, sự phát triển trường tồn của dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau, các Sở, ban, ngành, các huyện thị trong tỉnh đều có mặt dự lễ tri ân. Ngắm họ trong “khăn xếp áo the” toát lên thành kính. Bánh chưng, bánh dày, các sản vật trên kiệu rước của từng địa phương được dâng lên.  

Tôi đã từng được nghe nhiều tiếng trống. Trước biển Cà Mau, khi nghe ba tiếng trống khai Lễ của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải, cảm xúc thật đặc biệt. Tiếng trống dội vào từng vách ngực. Tôi miên man, suy nghĩ. Hình như biển Đông ngoài kia cũng muốn dâng lễ vật. Trên khuôn mặt những người có mặt, từ quan chức đến người dân đều đều thành kính. Chỉ có sóng là chưa biết im lặng.

Tôi thổn thức cùng tiếng trống trong Lễ giỗ Đức Quốc tổ, rưng rưng trước màu xanh của mắm, của đước, của tràm... Tất cả hòa quyện trong bản giao hưởng hùng vĩ, trước thiên nhiên xanh.

Đất Mũi là thớ đất vạm vỡ, thiêng liêng. Đây là nơi “đất biết nở, rừng biết đi” và “biển sinh sôi”. Tạo hóa thật màu nhiệm. Sứ mệnh tạo hóa giao cho cây mắm, cây đước, cây tràm. Mắm đi trước, đước đi sau, tràm theo sát như “ba ngự lâm xanh” ngàn đời nay lấn biển.

Những hàng mắm, đước, cao vút, ken dày. Chùm rễ của đước hay còn gọi là chang đước như chân nơm, mọc tua tủa quanh gốc, bám sâu vào lòng đất. Đước không ngại dông bão. Trái đước khi chín cắm thẳng xuống đất bùn rồi mới nở ra, mọc dần thành cây. Năm đầu tiên chỉ cao 40 - 50cm nhưng khi rễ xuống sâu thì phát triển nhanh, mạnh lắm. Đước có đứng kề nhau thì thân mới lớn, mới thẳng, hướng dẫn viên du lịch người Đất Mũi ngọt ngào. Đước trưởng thành, cái gì của đước cũng đều ra tiền, làm đũa, làm giá võng, đồ mỹ nghệ, cột nhà, đóng móng, lấy than…

Công đầu để đước bám rễ, sinh sôi thuộc về mắm. Mắm và đước “lĩnh ấn” tiên phong lấn biển, tạo nên sự kỳ thú, đặc trưng vùng đất Cà Mau. Anh Sáu Đức ví von “tam vị” (mắm, đước, tràm) được tôn thờ như 3 vị “tam công”, 3 ông “Phúc, Lộc, Thọ” bởi công mở đất. “Vạm vỡ, khỏe khắn, dứt khoát thay cho lời thề Đất Mũi. Mày thấy hông em”, anh Sáu Đức nhìn tôi, thật hào sảng.

Tôi biết, cách đây 10 năm Vườn quốc gia mũi Cà Mau được Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới trao bằng chứng nhận vườn quốc gia Mũi Cà Mau chính thức trở thành khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới. Đây cũng là khu Ramsa thứ 2 tại Đồng bằng sông Cửu Long và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.

Đến Đất Mũi, tôi cứ miên man suy nghĩ, có phải một phần hồn Lạc Long Quân và 50 người con theo Ngài xuống biển, hiển linh mà thành cây mắm, cây đước? “Tôi cất tiếng nói của cây mắm, cây đước, cây tràm / của hàng dừa nước lao xao bàn tay vẫy / Mũi Cà Mau điểm cuối cùng tính từ địa đầu Sa Vĩ / những hàng dương rì rào lời đất nước bình yên” (Ở nơi bình minh vừa thức dậy, thơ Huỳnh Thúy Kiều).

Bây giờ xe ô tô đã đi thẳng tới Đất Mũi nhưng phải ngồi tàu hơn 60km từ thị trấn Năm Căn ra Đất Mũi, mới cảm nhận sự kỳ diệu của rừng đước Cà Mau. “Nói theo từ ngữ Nam bộ, mới đã, nghe mày”, anh Sáu chân tình. Anh là “anh Hai Nam bộ” có công lớn trong việc phát triển hạ tầng giao thông. Sân bay Cà Mau đang được nâng cấp, nay mai cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ về tới Đất Mũi.

Cà Mau đã và đang tập trung tinh gọn bộ máy, phát triển kinh tế biển, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản... mạnh mẽ chuyển đổi số, để bước vào kỷ nguyên vươn mình. “Mũi tàu” Cà Mau đang rẽ sóng về phía trước!

Xem thêm
Các nước chúc mừng Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025) các nước đã gửi thư, điện chúc mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nông dân rộn ràng tưới cà phê xuyên Tết

Sau một niên vụ thắng lợi, những vườn cà phê ở Gia Lai đang được bồi bổ sức khỏe, thông qua việc tưới nước đợt một, ngay trong những ngày của Tết Ất Tỵ này.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình luận mới nhất