Giữa tháng 8/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Cà Mau chỉ đạt gần 40% kế hoạch năm 2022. Nguyên nhân một phần do giá nguyên vật liệu tăng, nguồn cung khan hiếm, nhất là nguồn cát từ khi các tỉnh siết chặt việc quản lý khai thác và mua bán khiến cho nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn và chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau – Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Huỳnh Quốc Việt cùng với đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tại Dự án nâng cấp tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Theo kế hoạch dự án này sẽ hoàn thành trong tháng 5 nhưng đến nay đơn vị thi công mới bắt đầu tăng tốc do thiếu nguyên vật liệu.
Ông Trần Tiến Thanh, Giám đốc QLDA Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 phía Nam, chia sẻ: Về nguyên vật liệu, nhất là cát đá rất khan hiếm nên nhà thầu cùng đơn vị tư vấn đã tìm mọi giải pháp, hiện nay đã đảm bảo đầy đủ nguyên vật liệu để thi công.
Theo các đơn vị thi công, việc triển khai công trình ở Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nguyên vật liệu phải mua từ các tỉnh khác. Hiện nay, một số tỉnh đã siết chặt việc quản lý, hoạt động khai thác cát khiến cho nguồn cung khan hiếm.
Còn tại công trường thuộc Dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng trục lộ Đông - Tây đi qua địa bàn huyện Cái Nước hiện vướng khâu giải phóng mặt bằng nhưng không đáng kể. Phần đường và cầu đoạn Km0+00 - Km 18+00 đang triển khai thi công 16/16 gói thầu xây lắp, khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 40%, quyết tâm thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán 2023. Đối với phần cầu vượt sông Bảy Háp, đã khởi công vào tháng 6/2022, dự kiến thông xe kỹ thuật trong quý II năm 2023.
Được biết, dự án thành phần này có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, thời gian thực hiện là giai đoạn 2021-2024.
Đoàn kiểm tra cũng đã đến công trường kiểm tra tiến độ thi công các dự án: đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường, với tổng mức trên 160 tỷ đồng. đầu tư xây dựng Khu tái định cư Khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, với tổng mức gần 62 tỷ đồng. Đồng thời, khảo sát vị trí xây dựng bến cảng cập tàu, khu vực xây dựng Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại thị trấn Sông Đốc.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu qua sông Ông Đốc, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau cho biết, hiện còn một số hộ tuy chưa nhận tiền, nhưng qua vận động của Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Trần Văn Thời, đã đồng ý bàn giao mặt bằng, chưa ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công công trình, cơ bản vẫn đảm bảo có mặt bằng cho các nhà thầu triển khai thi công.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Công ty Cổ phần sản xuất công nghiệp xây lắp 3, cho biết: Tại Cà Mau thì nguồn nguyên vật liệu phải huy động chủ yếu từ bên ngoài nên rất khó khăn. Đồng thời, kiến nghị các ngành, các chủ đầu tư cần xem xét lại hệ thống bảng giá cho phù hợp tình hình nay.
Qua kiểm tra tiến độ xây dựng các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, vốn đầu tư công không thiếu, vấn đề là chúng ta phải có quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm. Phải thấy được trách nhiệm trước nhân dân, vì công trình sớm hoàn thành ngày nào sẽ tạo điều kiện rất lớn, cơ hội và động lực quan trọng để kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải yêu cầu, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có công trình, dự án trọng điểm tập trung quyết liệt trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, làm một cách chặt chẽ. Cụ thể từng hộ, các chủ đầu tư phải quyết liệt trong thực hiện nhằm hoàn thiện, đầy đủ, chặt chẽ, chính xác về mặt hồ sơ, thủ tục từng dự án, nhất là khâu khảo sát, thiết kế.
Nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm, hàng tuần báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ để kịp thời có ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, đến ngày 10/8, Cà Mau đã giải ngân gần 39,5% tổng vốn đầu tư công 2022, cao hơn gần 4% so với bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, xét về yêu cầu, kết quả này vẫn còn chậm, trong đó chủ yếu tập trung vào khâu giải phóng mặt bằng, có nguồn vốn Trung ương giao chậm, biến động thị trường do giá nguyên vật liệu có lúc tăng cao, khan hiếm nguồn vật tư...