| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL mất khoảng 600 - 800ha đất mỗi năm do sạt lở

Thứ Sáu 04/10/2024 , 07:34 (GMT+7)

ĐBSCL Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết, mỗi năm, toàn vùng ĐBSCL mất khoảng 600 - 800ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún.

Người dân sống trên các cù lao ở ĐBSCL lo lắng thế hệ sau sẽ không còn đất để canh tác bởi tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Hồ Thảo.

Người dân sống trên các cù lao ở ĐBSCL lo lắng thế hệ sau sẽ không còn đất để canh tác bởi tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Hồ Thảo.

Trên 1.000 điểm sạt lở

Từng được ví như vùng “đất biết đi” nhờ phù sa từ sông Mê Kông bồi đắp quanh năm, nhưng hiện nay, ĐBSCL đang mất đất nghiêm trọng. Các nhà khoa học dự báo số vụ sạt lở tại vùng này sẽ gia tăng trong vài thập kỷ tới, với mức độ ảnh hưởng đáng lo ngại.

Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất ở ĐBSCL đang ở mức báo động. Mỗi năm, toàn vùng mất khoảng 600 - 800ha đất và vị trí sạt lở đã hơn 1.000 điểm, khiến hàng nghìn hộ dân phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Các dự báo cho thấy, đến năm 2040, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 3 - 5%, phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện thượng nguồn. Hệ quả của việc thiếu phù sa là làm gia tăng sạt lở bờ sông và bờ biển ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Thêm vào đó, tình trạng khai thác cát quá mức trên các con sông ở ĐBSCL làm mất ổn định lòng dẫn, gây hiện tượng sạt lở và sụt lún.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nhận định với tình trạng hiện nay, sạt lở ở ĐBSCL có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới do lượng phù sa từ sông Mê Kông ngày càng giảm, cùng với việc khai thác cát và nước ngầm quá mức. Khi thiếu phù sa, làm cho sông sâu hơn và bờ sông trở nên dốc, dẫn đến trượt và sạt lở đất để bù đắp.

"Sông Tiền và sông Hậu - hai sông chính vùng ĐBSCL hiện có đáy sâu hơn trước, nên phải rút đáy từ các sông nhánh ra để bù. Các sông nhánh lại tiếp tục rút đáy các nhánh của nó, sạt lở theo đó mà lan khắp nơi, tới cả các sông, kênh nội đồng. Điều này lý giải vì sao sạt lở vùng ĐBSCL hiện không chỉ ở các sông chính như trước đây mà còn xuất hiện toàn vùng, nặng nhất là tại các cù lao do nền đất yếu", PGS.TS Lê Anh Tuấn cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cù lao Thanh Long, thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm là một "điểm nóng" về tác động của biến đổi khí hậu ở tỉnh Vĩnh Long. Mỗi năm cù lao này ghi nhận 10 vụ sạt lở lớn nhỏ và đã mất khoảng 30ha đất canh tác. Người dân cho biết mức độ sạt lở ngày càng tăng, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống của họ. Do đó, nhiều hộ đã bỏ nhà, bỏ đất chuyển đi nơi khác, hiện tại chỉ còn lại 6 hộ sinh sống.

"Trước đây, mỗi năm, sạt lở chỉ xảy ra một hoặc hai lần vào mùa nước nổi, nhưng trong hai năm nay bà con bị vỡ đê quanh năm. Mỗi lần lở chúng tôi góp tiền thuê xe cuốc để gia cố, tuy nhiên không được bao lâu đê bị sạt tiếp", ông Nguyễn Chí Lập, người dân sống trên cù lao Thanh Long, than thở.

Chính quyền địa phương và người dân cù lao Thanh Long đang thuê phương tiện gia cố đê bao tại khu vực thường xuyên sạt lở. Ảnh: Hồ Thảo.

Chính quyền địa phương và người dân cù lao Thanh Long đang thuê phương tiện gia cố đê bao tại khu vực thường xuyên sạt lở. Ảnh: Hồ Thảo.

Tương tự, tại vùng ven biển thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, mỗi năm có khoảng 40ha rừng phòng hộ bị sóng đánh trôi và xâm thực vào đất liền. Dù chính quyền đã cố gắng trồng mới rừng, nhưng không kịp với tốc độ sạt lở.

Điển hình là đoạn bờ biển với chiều dài khoảng 8km từ xã Trường Long Hòa đến vàm Láng Nước (thị xã Duyên Hải), nơi sạt lở đang đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ven biển.

Bà Tôn Thị Hậu (ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa) từng có cuộc sống ổn định nhờ nuôi tôm và đánh bắt dưới tán rừng ngập mặn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, rừng đước bị sóng biển đánh mất dần, kéo theo ao tôm của bà bị xâm thực. Gia đình bà buộc phải chuyển lên vùng đất rẫy phía trên để trồng sắn và cây màu. Dù vậy, công việc cũng không mấy suôn sẻ, khi sóng biển đánh sập hàng dương chắn gió khiến rẫy của bà cũng thất thu.

"Cát biển và sương muối theo gió biển vào khiến cây bị táp lá, cháy lá nên năng suất ngày càng giảm, mỗi công đất tôi chỉ thu hoạch được khoảng 500kg củ sắn, giảm 50% sản lượng so với trước. Hơn nữa, sạt lở đang tiến sát vào bờ rẫy, rất mong được đầu tư bờ kè để bà con yên tâm sản xuất", bà Hậu than vãn.

Kết hợp giải pháp phi công trình

Một số nhà nghiên cứu cho rằng trong những năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã đầu tư nhiều nguồn lực vào việc xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trước tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, việc xây dựng kè bê tông, dù tốn kém nhưng không phải giải pháp lâu dài, khi một số đoạn kè sau vài năm lại xuất hiện sụt lún và sạt lở.

PGS. TS Lê Anh Tuấn nhận định, xây dựng kè kiên cố là cần thiết ở những khu vực đông dân cư và có vai trò quan trọng. Đối với các vùng thưa dân hoặc có nguy cơ cao, giải pháp di dời người dân cần được ưu tiên. Về lâu dài, nên kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình.

Một căn nhà của người dân bị sạt lở nằm chênh vênh bên bờ sông. Ảnh: Hồ Thảo.

Một căn nhà của người dân bị sạt lở nằm chênh vênh bên bờ sông. Ảnh: Hồ Thảo.

"Trong 4 năm qua, Hậu Giang đã xây dựng hơn 200km kè sinh thái dọc các kênh cấp 1, cấp 2 và đạt hiệu quả rõ rệt. Kè sinh thái được người dân làm bằng hàng rào cọc tre, tràm, lưới lót đất và trồng các loại cây như tràm, bần, dừa và cà na. Sau 2-3 năm, bờ bao ổn định, không chỉ chống sạt lở mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân nhờ cây ăn trái. Chi phí cho kè sinh thái chỉ khoảng 150.000 đồng/m², bằng 1/10 so với kè bê tông, lại dễ triển khai ngay tại các hộ gia đình", ông nêu dẫn chứng.

Cũng theo chuyên gia, các địa phương cần lập bản đồ các khu vực có nguy cơ sạt lở, đồng thời quản lý chặt chẽ hệ thống sông ngòi. Ngành thủy lợi cần nghiên cứu giải pháp ổn định lòng sông tại những vị trí trọng yếu về kinh tế và dân cư. Ông cũng đề xuất giảm diện tích đê bao trồng lúa vụ 3 ở các vùng ngập lũ, mở đê đón lũ để nhận phù sa, giảm dòng chảy mạnh gây nguy hiểm cho khu vực hạ lưu.

Về cơ sở hạ tầng, PGS.TS Lê Anh Tuấn gợi ý xây dựng các tuyến cao tốc trên cao tại các khu vực thấp thay vì dùng cát để san lấp. Việc thiết kế cầu cao tốc trên cao bằng dầm xi măng hoặc các vật liệu thay thế không chỉ giúp tiết kiệm nguồn cát sông mà còn giảm nguy cơ sạt lở do hạn chế khai thác cát...

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ) cảnh báo, hiện diện tích mất đất do sạt lở ở ĐBSCL gần gấp đôi so với 5 năm trước. Cần có những giải pháp dài hạn từ nhiều phía để giảm thiểu thiệt hại. "Trong xây dựng nhà ở, thay vì sử dụng cát để nâng nền, nên thiết kế bỏ tầng dưới làm bãi đỗ xe. Cách này không chỉ tiết kiệm cát mà còn giảm áp lực lên bờ sông", ông gợi ý thêm.

Xem thêm
Kỷ luật loạt cán bộ ở Tuyên Quang do liên quan Tập đoàn Thuận An

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Chẩu Văn Lâm.

Sẽ tổ chức lễ hội trái cây Việt Nam tại nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc

Lễ hội trái cây Việt Nam vừa diễn ra tại Bắc Kinh là một trong những yếu tố tạo động lực để doanh nghiệp Việt Nam cải tiến phương thức kinh doanh, sản phẩm.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Cần thêm cơ chế cho các công ty thủy lợi để đảm bảo tiêu thoát nước

HẢI PHÒNG Hiện nay, các doanh nghiệp vận hành hệ thống thủy lợi cần thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả hoạt động, nhất là trong những đợt mưa bão lớn.