| Hotline: 0983.970.780

Cô giáo kể lại khoảnh khắc cứu hơn 200 học sinh khỏi thảm họa sạt lở

Chủ Nhật 29/09/2024 , 16:06 (GMT+7)

Nói về khoảnh khắc cứu học sinh khỏi thảm họa sạt lở, cô Châm khiêm tốn: 'Tôi chỉ nghĩ mình đã làm tròn trách nhiệm được lãnh đạo nhà trường giao phó'.

Mưa lớn kéo dài, đầu giờ chiều ngày 22/9, một khối lượng đất, đá trên phần taluy dương sau khu ký túc xá của Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) sạt trượt làm nhiều phòng ở của học sinh bị hư hỏng. Rất may, sự việc không gây thiệt hại về người.

Thời điểm xảy ra sự việc, tại đây có hơn 200 học sinh và 8 thầy cô giáo đang lưu trú, trong đó cô giáo Bùi Thị Châm (giáo viên môn Địa lý) được giao nhiệm vụ trực ban. Khi phát hiện quả đồi phía sau ký túc xá có dấu hiệu bị sạt lở, giáo viên này đã hô hoán học sinh và giáo viên nhanh chóng rời khỏi phòng để bảo vệ tính mạng.

Sạt lở đất khiến nhiều phòng ký túc xá tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trung Lý bị hư hỏng. Ảnh: CTV.

Sạt lở đất khiến nhiều phòng ký túc xá tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trung Lý bị hư hỏng. Ảnh: CTV.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, cô Châm cho biết: “Ngày cuối tuần, các phòng ký túc xá đóng cửa nên tôi nghĩ học sinh tranh thủ về nhà. Để chắc ăn, sau khi quan sát khu đồi phía sau ký túc xá, tôi tiếp tục kiểm tra các phòng ở thì phát hiện các em vẫn nằm ngủ trên giường. Tôi chạy vội về phòng trực ban, lập tức phát loa thông báo và cùng các giáo viên xuống phòng hỗ trợ học sinh di chuyển lên khu vực phòng học để tránh trú”, cô Châm kể.

Cô Châm cho biết, do tình thế gấp gáp, nên giáo viên yêu cầu các em bỏ lại đồ đạc, vật dụng sinh hoạt, nhanh chóng di chuyển tới khu vực an toàn. Không lâu sau đó, đồi sạt lở ập vào khu ký túc xã, phá nát 3 phòng ở của học sinh. Khoảnh khắc ấy nếu không có sự quyết đoán của giáo viên Châm, thì hậu quả của việc sạt lở đất rất khó lường.

“Sự việc diễn biến nhanh, tôi không kịp báo cáo lãnh đạo trường nên tự mình đưa ra quyết định di dời các em học sinh. Quyết định ấy dựa trên kiến thức địa lý mà tôi được đào tạo và qua quan sát thực tế diễn biến mưa lũ nhiều ngày qua. Cùng với đó, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện, tỉnh luôn phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng sạt lở đất, nên tôi và các giáo viên luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn”, cô Châm kể lại.

Phòng ký túc xá tan hoang vì sạt lở đất. Ảnh: CTV.

Phòng ký túc xá tan hoang vì sạt lở đất. Ảnh: CTV.

Cô Châm cùng học sinh đến nơi tránh trú an toàn. Ảnh: CTV.

Cô Châm cùng học sinh đến nơi tránh trú an toàn. Ảnh: CTV.

Nói về hành động quyết đoán, bản lĩnh của mình, cô Châm khiêm tốn: “Ai rơi vào trường hợp đó cũng sẽ đề cao cảnh giác và đảm bảo an toàn cho học sinh. Tôi chỉ nghĩ mình đã làm tròn trách nhiệm được lãnh đạo nhà trường giao phó”.

Với việc giúp học sinh tránh được thảm họa thiên tai, mới đây Sở Giáo dục và đào tạo Thanh Hóa đã trao giấy khen cho cô giáo Bùi Thị Châm vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống lụt bão năm 2024.

Được biết, cô Châm (quê quán Cẩm Thủy, Thanh Hóa) tốt nghiệp chuyên ngành địa lý, Đại học Vinh cách đây hơn 10 năm. Giáo viên này hiện đang giảng dạy tại trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trung Lý theo hình thức hợp đồng huyện Mường Lát.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.