Theo tìm hiểu, tuyến đê cấp III chạy qua xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) có chiều dài hơn 10km được đầu tư, nâng cấp từ năm 2014. Qua nhiều năm sử dụng, tuyến đê đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo quan sát, mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nằm giữa thân và tạo thành khe hở lớn; nhiều vị trí nứt có độ sâu từ 7-15cm, rộng 3-5cm. Nguy hiểm hơn, mặt đê bị vỡ, sụt lún, tạo thành những ổ trâu, ổ gà gập ghềnh. Phần mái đê bị sạt trượt đã được gia cố tạm thời bằng đá hộc. Tại một số vị trí tuyến đê, mặc dù đã được chắp vá, nhưng vết nứt vẫn xuất hiện, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người đi đường.
Theo phản ánh của người dân, tuyến đê tại xã Đa Lộc đã xuống cấp nhiều năm nay và có xu hướng diễn ra nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây do mưa bão kéo dài. Tuy vậy, thực trạng trên vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, khiến nhiều người dân trong xã lo lắng, bất an.
“Đây là tuyến đê bao có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người dân trước thiên tai và bảo đảm an toàn sản xuất. Đê sử dụng được vài năm thì xuống cấp do mưa bão, thậm chí có dấu hiệu thi công kém chất lượng. Nếu mưa lớn kéo dài thì cả tuyến đê sẽ mất an toàn. Nếu vỡ đê thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Người dân mong muốn các cấp chính quyền sớm đầu tư kinh phí để tu sửa, đảm bảo an toàn tuyến đê”, một người dân cho hay.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, dọc 2 bên bờ tuyến đê là hàng chục đầm nuôi trồng thủy sản. Nếu tình trạng hư hỏng đê không được khắc phục kịp thời thì khu vực này sẽ bị ảnh hưởng khi mưa lớn xuất hiện và bão đổ bổ vào đất liền.
Ông Bùi Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết, hiện tượng mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây thời tiết bất thường, mưa lớn nhiều ngày khiến mặt đê xuống cấp nhiều vị trí.
“Hai bên đê là ao đầm, khi nền đất yếu gặp mưa lớn sẽ dẫn đến lún, nứt mặt đê. Việc đầu tư, sửa chữa tuyến đê không thuộc thẩm quyền của cấp xã. Địa phương đã báo cáo thực trạng trên tới cấp có thẩm quyền và chờ hướng xử lý”, ông Thái cho biết.
Lãnh đạo xã Đa Lộc cũng đề nghị chính quyền địa phương sớm có phương án gia cố lại tuyến đê, thuận lợi cho việc đi lại của người dân, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, vào đầu mùa mưa bão 2024 vẫn còn 34 vị trí đê và kè, cống trên đê được xác định là trọng điểm xung yếu không bảo đảm an toàn, trong số đó có 14 trọng điểm trên đê từ cấp III đến cấp I và 20 trọng điểm trên đê cấp IV và V.
Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai các phương án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều có nguy cơ mất an toàn; đang triển khai, thi công 65 công trình đê điều, hồ đập; trong đó, có 26 công trình được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và 39 công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh.