* 12 vạn dân trước nguy cơ bị uy hiếp
Một bên bờ đê nhà thầu đang lát kè chống sạt lở thì phía bên này thân đê, DN và đầu nậu đang ngày đêm hút cát một cách trái phép
Đê tả sông Chu đoạn thuộc địa bàn xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) là một trọng điểm PCLB trong mùa mưa bão năm 2009 đã được Bộ NN- PTNT phê duyệt.
Do tính chất phức tạp và xung yếu của tuyến đê nên năm ngoái Bộ NN- PTNT và UBND tỉnh đã cho các ngành liên quan xử lý được 200m bằng việc đá hộc xếp khan kè mái chống xói lở. Tháng 7/2009, cấp trên tiếp tục cho xử lý đột xuất sự cố sạt lở tả đê sông Chu K30+ 670 – K31 tại xã Thiệu Phúc bằng giải pháp kè lát mái cấu kiện bê tông đúc sẵn với chiều dài là 330m.
Trong khi các đoạn đê trên đang được các nhà thầu thi công thì cách đó không xa, tại K30+ 352 – K30+ 452 dài hơn 200m đã liên tục bị sạt lở. Nghiêm trọng nhất là trong 2 ngày 10 và 11/8 có hàng ngàn m3 đất đá, cát và cây cối đã bị dòng nước cuốn trôi ra xa, gây uy hiếp sát vào thân đê, đường đi của nhân dân. Ở chân và trên mái đê xuất hiện nhiều vết nứt đặc biệt là có vết cung trượt ngay sát mép mặt đê phía sông tụt sâu 5cm chiều dài khoảng 20m. Khi có mưa lớn, bãi tiếp tục bị sạt lở, lấn sâu vào chân, mái đê và cung sạt ngay mép mặt đê. Hiện tại điểm sạt lở đang nứt rạn nhiều chỗ và cách đường đi trên thân đê khoảng 3m. Có thể nói điểm sạt lở này đã đến mức báo động khẩn cấp cần được xử lý ngay. Nếu để chậm trễ thì không biết điều gì sẽ xẩy ra?
Nếu vỡ đê sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 12 vạn dân vùng tả sông Chu của 3 huyện Thiệu Hoá, Yên Định và Thọ Xuân.
Nguyên nhân của điểm sạt lở ở Km 30+ 352 đến Km 30+ 452 ban đầu được xác định: Vị trí này nguyên là một bãi cát rộng 45m, chiều dài 460m và vườn cây của ông Hải- thôn 1 xã Thiệu Phúc thầu UBND xã để trồng cây xoan đâu. Đất ở đây có hàm lượng cát là chủ yếu.
Theo ông Trần Đức Hậu- Chủ tịch UBND xã Thiệu Phúc và ông Khương Anh Tuấn- Phó phòng QLCT thuộc Chi cục PCLB- QLĐĐ Thanh Hoá thì do có sự thay đổi đột ngột của dòng chảy của sông. Điểm sạt lở có cấu trúc tầng đất như sau: Mặt trên dày khoảng 80cm đất bùn và có nhiều cây xoan đâu được người dân trồng. Tiếp đến là tầng cát nhưng có độ kết dính không cao và phía dưới tầng cát là một lớp tầng đá ong lô nhô. Hiện nay lòng sông vẫn được mở rộng và tiến sát vào thân đê- chỉ còn khoảng 3m. Diễn biến sạt lở vẫn đang xuất hiện vì có nhiều đường nứt.
Cũng theo ông Hậu, người dân đã từng kéo nhau lên xã bày tỏ thái độ bất bình trước vấn nạn khai thác cát trên sông Chu một cách tràn lan. Kết quả mục sở thị của PV NNVN ngày 17/8 cho thấy trên sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hoá có nhiều cá nhân, DN khai thác cát một cách tràn lan, không tuân thủ các quy định của Nhà nước.
Không ai khác chính DNTN Ngọc Tâm mà GĐ nguyên là Chủ tịch UBND xã Thiệu Tâm đang tiến hành khai thác cát một cách bừa bãi. Xin nói rõ, vị trí chứa cát của DN Ngọc Tâm đang sử dụng lại thuộc phần đất xã Thiệu Tâm quản lý chứ không phải ở xã Thiệu Phúc. Vị trí này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Phòng TN-MT và Cảnh sát môi trường huyện Thiệu Hoá đã nhiều lần lập biên bản xử lý yêu cầu giải toả bãi tập kết cát trái quy định nhưng ông GĐ DN Ngọc Tâm là Trần Văn Ngọc đã không chấp hành mà còn thách thức, chống đối.