Lập kế hoạch chi tiết
Ngay từ đầu mùa mưa lũ năm nay, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan ở tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch chi tiết nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. Vấn đè an toàn cho hệ thống hồ đập, đặc biệt là những hồ đập lớn bao gồm hồ thủy điện và thủy lợi được quan tâm hàng đầu.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai hiện đang quản lý, khai thác 17 hồ chứa lớn, 28 đập dâng và 4 trạm bơm trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu mùa mưa, công ty đã lập kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2024. Kế hoạch này không nằm ngoài mục đích nhằm ứng phó, chỉ đạo, phối hợp chỉ huy các hành động, biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra một cách hiệu quả nhất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là giảm thiểu thiệt hại đối với người, tài sản, thiệt hại đến các công trình do công ty đang quản lý.
Việc kiện toàn các cấp chỉ huy phòng chống thiên thai được đơn vị đặt lên hàng đầu. Theo đó, từ công ty đến các đơn vị trực thuộc đều thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các nội dung khác cũng đã được quan tâm đúng mức như việc xây dựng kế hoạch, phương án về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường chất lượng quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin tuyên truyền; tăng cường bảo trì, nâng cấp sửa chữa, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai đối với các công trình; thường xuyên tập huấn nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng...
Còn với Công ty Thủy điện Ia Ly, đơn vị này đang quản lý, vận hành nhiều hồ thủy điện lớn trên trên dòng sông Sê San, thuộc địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đơn vị cũng đã sớm kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp, cũng như quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được đơn vị xây dựng phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị trực thuộc.
Các công tác quan trọng khác như phương án ứng phó thiên tai năm 2024; kiểm tra rà soát nhân lực, vật lực, thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai; báo cáo hiện trạng an toàn đập; phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp... được công ty thường xuyên triển khai.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đang quản lý, vận hành và khai thác các hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất các kế hoạch chi tiết, nhằm bảo vệ an toàn hệ thống hồ đập trong mùa mưa lũ năm 2024.
Ông Đinh Viết Thiện, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly cho biết, ngay từ đầu mùa mưa hàng năm, đơn vị đã hoàn thiện chi tiết các kế hoạch, kịch bản cụ thể nhằm ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. “Đến thời điểm hiện tại, công ty và các đơn vị trực thuộc đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ phòng chống thiên tai trước, trong mùa mưa bão theo kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2024 đã ban hành đầu năm”, ông Thiện cho biết.
Bên cạnh đó, phương châm “4 tại chỗ” được các đơn vị đặt lên hàng đầu và áp dụng triệt để, bao gồm chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Tập huấn nâng cao năng lực ứng phó
Là đơn vị quản lý các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai đã tăng cường tham gia tập huấn nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cộng đồng. Cụ thể, công ty tham gia các khóa tập huấn cho lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn.
Nội dung các lớp tập huấn gồm công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, cứu nạn cứu hộ và công tác quản lý công trình an toàn trước thiên tai. Đồng thời, đơn vị còn thường xuyên tổ chức huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có của đơn vị; tổ chức diễn tập và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với các tình huống thiên tai giả định, phương án xử lý... Bên cạnh đó, công ty còn thường xuyên phổ biến, tuyên truyền kiến thức về phòng, chống, ứng phó thiên tai đối với các cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị.
Về phía địa phương, ngày 20/9 vừa qua, tỉnh Gia Lai tổ chức buổi diễn tập phòng thủ dân sự năm 2024 tại huyện biên giới Đức Cơ. Nội dung buổi diễn tập là phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập “ĐC-24” tỉnh cho biết: “Mục đích của diễn tập phòng thủ dân sự huyện Đức Cơ năm 2024 nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cấp, ngành, các lực lượng cùng người dân trong công tác ứng phó với mưa bão, thiên tai và triển khai nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ theo phương châm ‘4 tại chỗ’”.
Ông Trần Văn Hải trú làng Ia Chía (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ), cho biết: “Nhà tôi ở ven hồ, thường xuyên đối phó với thiên tai bão lũ, nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại tài sản, hoa màu. Sau buổi diễn tập do tỉnh và huyện tổ chức, tôi cùng bà con có thêm được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là biết cách xử trí khi có tình huống thiên tai như chằng chống nhà cửa, cách thoát nạn khi nước dâng cao, sạt lở đất, hoặc biện pháp phối hợp với lực lượng chức năng và người dân để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra trên sông suối, ao hồ”.
Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, ông Vũ Mạnh Định cho biết: “Qua cuộc diễn tập này, chúng tôi rút ra được những bài học quý. Chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá lại khả năng phòng chống thiên tai của huyện, cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng, việc sử dụng các nguồn lực tại chỗ”. Cũng theo ông Vũ Mạnh Định, huyện sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, kiện toàn các văn kiện về công tác phòng chống thiên tai, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống lụt bão, công tác cứu nạn cứu hộ...
Có thể nói với sự chuẩn bị kỳ công và chi tiết như trên, tỉnh Gia Lai đã cơ bản hoàn thiện các phương án, sẵn sàng ứng phó với sự cố thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay. Theo đó, hệ thống hồ đập lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh này cũng sẽ vững vàng vượt qua gió to, nước dữ trong năm 2024 này.
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, trong thời gian từ nay đến cuối năm, diễn biến thời tiết khá phức tạp, khó lường, mưa bão vẫn có thể xảy ra với cường độ lớn. Người dân và chính quyền địa phương, các ngành liên quan cần nâng cao ý thức cảnh giác, bình tĩnh ứng phó khi có thiên tai xảy ra.