Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh làm việc với tỉnh Gia Lai |
Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh này có 492 công trình thủy lợi, gồm 80 hồ, 414 đập và 8 trạm bơm. Trong số đó, có 175 công trình do BQL Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý, 317 công trình do cấp huyện quản lý.
Hiện 3 hồ chứa lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án phòng chống lụt bão, gồm các hồ Đăk Uy, Đăk Yên và Ia Bang Thượng. Các công trình còn lại, hầu hết đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đã xây dựng phương án chung phòng chống lụt bão năm 2018.
Đối với đập đất, chỉ có một số đập nhỏ có vết nứt cũ, xói lở nhỏ ở mái hạ lưu. Hiện các đập vẫn đang hoạt động bình thường. Đối với tràn xả lũ, có một số hồ chứa như Đăk Loh, Đăk Ngót, Kon Tu Zốp, Đăk Chà Lòn I bị xói lở nhiều vị trí ở đáy thân tràn. Đối với cống lấy nước, hiện hồ chứa Đăk Tin bị tắc nghẽn không thể vận hành.
Đánh giá chung, hầu hết các công trình thủy lợi của Kon Tum vẫn vận hành an toàn, được giám sát chặt chẽ, sẵn sàng có phương án ứng cứu khi có tình huống xấu nhất xảy ra. Công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình đập, hồ chứa (thiết kế, thi công), tiến độ các dự án đang thi công trong mùa mưa lũ năm 2018 không có gì đáng ngại.
Tại Gia Lai, hiện có 112 hồ chứa thủy lợi. Trong đó, 5 hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3, 9 hồ chứa từ 1- 10 triệu m3, 98 hồ nhỏ hơn 1 triệu m3. Tỉnh này "sở hữu" nhiều công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất Tây Nguyên như công trình Ayun Hạ, Ia Mơ, Ia M'lá...
Ngay từ đầu năm 2018, Sở NN-PTNT Gia Lai đã lập đoàn kiểm tra liên ngành, đi thị sát các công trình thủy lợi trọng điểm, rà soát thấy hầu hết các công trình đều thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành điều tiết. Các hồ chứa đã có phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập; bảo vệ đập; phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du hồ chứa...
Đoàn công tác kiểm tra, giám sát các hồ đập xung yếu |
Kiểm tra cũng cho thấy, các hồ chứa có dung tích 1 triệu m3 trở lên chưa có dấu hiệu mất an toàn, các hạng mục đầu mối hoạt động bình thường. Một số hạng mục có hư hỏng nhỏ, các chủ đập đã chủ động sửa chữa, khắc phục xong.
Tuy nhiên kinh phí cấp cho các đơn vị quản lý hồ đập chủ yếu lấy từ nguồn thu và cấp bù thủy lợi phí, chủ đập không thể cân đối được và chưa đủ năng lực để thực hiện. Hơn nữa các hồ chứa xây dựng từ lâu, thiếu đồng bộ, thiếu các trang thiết bị quan trắc đo, thăm dò dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và xử lý sự cố. Các hồ chứa lại phân bổ rải rác, nên việc quản lý an toàn đập gặp khó khăn...
Một trở ngại nữa là ở những hồ đập nhỏ do địa phương quản lý, cán bộ quản lý và vận hành còn hạn chế về năng lực và trình độ, dẫn đến chưa khai thác hết hiệu quả công trình, thậm chí có trường hợp phát hiện sự cố chậm do hạn chế về năng lực chuyên môn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị 2 tỉnh rà soát lại toàn bộ khả năng xả lũ ở các hồ đập, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhưng vẫn lo đủ lượng nước tích dự phòng cho mùa khô. Rà soát tổng thể, đánh giá năng lực các đơn vị quản lý hồ đập, đơn vị nào vận hành hồ đập thiếu an toàn thì giao hồ đập đó về cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh. Đc biệt quan tâm đến hồ đập do các Công ty, Nông trường cà phê xây dựng và khai thác. Chú ý các đập đất, đã có tuổi thọ cao, thi công thô sơ... thường có hệ số an toàn thấp. |