Dịch giả Khổng Loan đang công tác tại tạp chí Forbes Việt Nam. Dịch giả Khổng Loan tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành báo chí quốc tế tại ĐH City London (Anh quốc) năm 2007. Ngoài việc làm báo và giảng dạy báo chí, dịch giả Khổng Loan luôn hứng thú với những cuốn sách “hiếm” trê thị trường.
Cuốn ách “Nghệ thuật mua nghệ thuật” là một sự hứng thú của dịch giả Khổng Loan. “Nghệ thuật mua nghệ thuật (nguyên tác Anh ngữ “The Art of Buying Art”) của Alan Bamberger, có tít phụ là “Đánh giá và mua tác phẩm như nhà sưu tập chuyên nghiệp”.
Dịch giả Khổng Loan đã cùng những người bạn trong nhóm Artoholics Saigon tìm cách để mua bản quyền và chuyển ngữ “Nghệ thuật mua nghệ thuật” để làm cẩm nang cho công chúng mỹ thuật Việt Nam.
Việc đầu tư cho một ấn bản như thế này, của một nhóm không chuyên về kinh doanh sách, dễ cầm chắc sự thất bại. Thế nhưng vì muốn góp một công cụ thiết thực cho những ai quan tâm đến thị trường mỹ thuật hoặc muốn mua nghệ thuật, mà chưa có điều kiện đọc nguyên tác “The Art of Buying Art”, bản dịch Nghệ thuật mua nghệ thuật vì thế mà ra đời.
Tác giả Alan Bamberger - vốn là nhà tư vấn nghệ thuật, cố vấn, tác giả và thẩm định viên độc lập, ông chuyên nghiên cứu, thẩm định và đánh giá các khía cạnh kinh doanh, tiếp thị các tác phẩm nghệ thuật gốc. Ông cũng có nhiều năm nghiên cứu tài liệu, bản thảo của nghệ sĩ, tài liệu liên quan đến nghệ thuật và sách tham khảo nghệ thuật. Ông đã tư vấn, cố vấn và thẩm định cho các nghệ sĩ, phòng tranh, doanh nghiệp, tổ chức và nhà sưu tập từ năm 1985 đến nay. Ông xuất hiện dày đặc trên những kênh truyền thông nổi tiếng như CNN, New York Times, The Wall Street Journal… để chia sẻ về các vấn đề này.
Từ năm 1998, Alan Bamberger tư vấn cho các nghệ sĩ và nhà sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới thông qua trang artbusiness.com, thu hút 5.000-6.000 người truy cập mỗi ngày. Ngay từ ngày đầu, trang này đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ tài chính từ các nhà sưu tầm, phòng tranh và các trang nghệ thuật. Bamberger cũng là tác giả của hai ấn bản: Buy Art Smart (Mua nghệ thuật khôn ngoan và Art for All (Nghệ thuật cho tất cả).
Khác với các cuốn sách công cụ thường thấy, “Nghệ thuật mua nghệ thuật” không “độc quyền chân lý”, mà luôn được viết với góc nhìn trung tính, phản tỉnh. Luôn giúp người mua nghệ thuật có thể phản biện, đặt ra các câu hỏi, khi nào thật sự thấy sáng tỏ, thoải mái thì mới… xuống tiền.
Kinh nghiệm quốc nội và quốc tế cho thấy việc sai lầm, vấp ngã, bị lừa… trong việc chơi nghệ thuật là điều không thể tránh khỏi. Khác nhau là ở mức độ gặp phải và ở khả năng né tránh, khắc phục về sau. Trong sách của mình, Alan Bamberger đưa phần mua vào chương 4, chương 1 là xác định xem chúng ta có nhất thiết phải mua nghệ thuật không? Làm sao để tránh được cảm giác thấy người ta mua thì mình cũng mua, mà tự thân chưa thật có nhu cầu.
Chương 2 "Nghệ thuật mua nghệ thuật" là sự lựa chọn, so sánh thiệt hơn trong việc chơi hoặc không chơi nghệ thuật, nếu chơi thì nên làm gì, bắt đầu từ đâu, hiểu thế nào về mô hình kinh doanh nghệ thuật, xây dựng tâm thế và tri thức để thành khách hàng tốt. Chương 3 dành cho việc nghiên cứu, nghĩa là sau khi xác định mình đã thành người mua nghệ thuật, thì phải đọc gì, học gì, nghe ai… Ngoài nghiên cứu nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật, thì tính nguyên bản và các thẩm định, lai lịch tác phẩm, sự hư hại, việc làm giả, làm nhái và lừa đảo cũng được Alan Bamberger đề cập rõ ràng.
Theo Alan Bamberger, qua nhiều năm tháng, dù đời sống và kỹ thuật thay đổi, nhưng các nguyên tắc cơ bản liên quan tới quyết định mua tác phẩm nghệ thuật vẫn như trước. Các kỹ thuật đánh giá và quá trình mua vẫn tương đối thống nhất. Nhưng chưa bao giờ người mua nghệ thuật có thể tiếp cận được thông tin nhiều như hiện nay về tác phẩm mà họ sẽ mua. Trong khi chúng ta có thể tiếp nhận kiến thức cách dễ dàng chưa từng thấy, thì chúng ta cũng có thể tiếp cận thông tin sai lệch rất nhanh - đôi khi là vô tình và cả cố tình. Điều đó có nghĩa là tìm ra đường đi trong thế giới nghệ thuật, để tìm ra tác phẩm nghệ thuật phù hợp với mỗi người đôi khi cần sự tinh tế.
Công chúng có thể học cách tìm ra các tác phẩm chất lượng mà mình yêu thích và trả giá tiền công bằng, trong khi không cần chút kiến thức nào trước đó về nghệ thuật hoặc kinh doanh nghệ thuật. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, hãy hiểu là ngành kinh doanh nghệ thuật đang ngày càng trở nên phức tạp.
Alan Bamberger cũng cảnh báo: “Ngày xưa, sở hữu tác phẩm nghệ thuật nguyên bản không có gì phức tạp. Bạn thấy mình thích thứ gì đó, trả tiền, rồi mang về nhà, treo lên và thưởng thức - bạn không cần phải hỏi thêm gì nữa. Nhưng thời đại vô tư đó đã qua rồi. Giờ đây, mua tác phẩm nghệ thuật (và cả bán) là công việc kinh doanh nghiêm túc, và hơn bao giờ hết, người mua ngày nay quan tâm nhiều hơn về việc họ mua được tác phẩm tốt và có giá trị tốt với số tiền mình có. Nói đơn giản, mọi người muốn tiêu tiền một cách khôn ngoan”.