Trên khắp các con đường quê dẫn vào các địa phương của thị xã Kinh Môn (Hải Dương), không khí Tết như ngập tràn trong từng hơi thở, từng ánh mắt và những cánh đồng trải dài bất tận. Đây không chỉ là vùng đất trứ danh với nghề trồng hành, tỏi lớn nhất nhì cả nước, mà còn là nơi lưu giữ niềm tự hào, tình yêu lao động và bản sắc văn hóa của người nông dân qua bao thế hệ.
Linh hồn của đất Kinh Môn
Vụ đông năm nay, thị xã Kinh Môn ghi dấu ấn với thành tích vượt xa kế hoạch, đạt 4.478 ha gieo trồng. Nổi bật nhất là cây hành, tỏi, chiếm khoảng 90% tổng diện tích, khẳng định vị thế cây trồng chủ lực của vùng. Khắp các xã, phường, đâu đâu cũng ngập tràn sắc xanh của những cánh đồng hành, tỏi, trải dài bất tận, đẹp rực rỡ từ lúc bình minh ló dạng cho đến khi hoàng hôn buông xuống.
Cây hành, tỏi của thị xã được xuống giống từ ngày 5-20/10 và sẽ cho thu hoạch từ ngày 20/1 - 10/2. Cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, bà con sẽ tập trung xuống đồng khai xuân, thu hoạch hành, tỏi và triển khai gieo cấy vụ lúa chiêm xuân.
Khắp cánh đồng, tiếng xe máy, xe đạp chở đầy phân bón, dụng cụ làm đồng chạy qua chạy lại như mắc cửi, hòa quyện trong tiếng cười nói râm ran của các nhóm nông dân. Mỗi người một việc, người bón phân, người tưới nước, người làm cỏ, ai cũng tất bật và nhịp nhàng. Thỉnh thoảng, vài câu chuyện phiếm về giá cả nông sản, về những ngày cận Tết hay tiếng gọi nhau í ới của đám trẻ nhỏ chạy chơi trên bờ ruộng lại vang lên, làm không khí càng thêm sinh động.
Từ những bàn tay cần mẫn
Bà Phạm Thị Đô, 59 tuổi, ở Hiệp Thượng, phường Hiệp Sơn, sau ca làm việc đêm tại công ty than vẫn tranh thủ ra đồng tưới nước cho ruộng hành của mình. Gió lạnh buổi sáng sớm không làm bà chậm lại, những bước chân quen thuộc theo từng lối, té từng gáo nước lên những luống hành, tỏi. “Đất đai không phụ công người”, bà nói, đôi bàn tay thô ráp nhẹ nhàng chỉnh lại từng dòng nước chảy.
Gia đình bà Đô gắn bó với nghề trồng hành, tỏi qua nhiều thế hệ. Giờ đây, ruộng hành, tỏi của gia đình đã lên tới 8 sào, mỗi năm mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng, một con số không hề nhỏ với người nông dân.
Bà Đô hào hứng khoe về thành quả của mình: “Hành, tỏi nhà tôi củ to, đều, đẹp lắm. Đến mùa thu hoạch là xe ô tô vào tận ruộng để thu mua”. Chỉ tay về phía luống hành đang xanh mướt, bà nói thêm: “Nói gì thì nói, cây hành, cây tỏi ở Hiệp Sơn này đặc biệt lắm. Đất phù sa, lại thêm nguồn nước ngọt từ sông, nên hành củ chắc, vỏ mỏng mà thơm”.
Tại thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, chị Nguyễn Thị Nga đang thoăn thoắt làm cỏ trên diện tích một mẫu hành tỏi của gia đình. Chị Nga, người gốc Chí Linh, về làm dâu ở đây từ năm 2009, kể rằng mỗi vụ hành, tỏi đem lại cho gia đình chị khoảng 200 triệu đồng. Nhưng để có được thu nhập ấy, người nông dân phải đối mặt với không ít khó khăn.
“Thời tiết năm nay rét muộn, nhưng đó lại là điều kiện thuận lợi để hành, tỏi phát triển. Tuy nhiên, ở thời điểm này cũng bắt đầu xuất hiện bệnh nấm, bệnh sương mai. Gia đình tôi luôn phải túc trực thăm đồng để xử lý kịp thời”.
Công sức đổi lấy mùa xuân đủ đầy
Theo ông Nguyễn Đình Úy, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Bạch Đằng, diện tích trồng hành, tỏi của xã lên tới 265 ha, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 5.536 tấn. “Để cây hành phát triển tốt, bà con phải chọn giống chuẩn, làm đất kỹ lưỡng và bón phân đúng cách. Thời gian thu hoạch thường kéo dài từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2, tùy thuộc vào thời tiết”.
Những ngày cận Tết, bà con bắt đầu thu hoạch hành tươi để phục vụ nhu cầu muối dưa, nấu ăn dịp Tết. Nhưng phần lớn vẫn chờ đến tháng Giêng, khi đủ bốn tháng sau thời gian gieo trồng và chăm bón, những luống hành, tỏi sẽ cho thu hoạch để đảm bảo chất lượng tốt và giá cao hơn.
Từng cây hành, tỏi được người nông dân cẩn thận nhổ lên, rũ sạch đất, rồi bó lại gọn gàng thành từng bó. Mùi thơm hăng nồng đặc trưng của hành, tỏi lan tỏa khắp không gian, như mang theo hương vị của một vụ mùa bội thu và hơi thở tươi mới của mùa xuân.
Hành, tỏi Kinh Môn không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước, tạo thêm giá trị kinh tế cao. Giá hành, tỏi tươi dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, còn hành, tỏi khô lên đến 50.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu nhập quan trọng, giúp người nông dân đón một cái Tết ấm no, đủ đầy.
Một tiểu thương bán hàng quanh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Hành, tỏi Kinh Môn luôn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng. Chất lượng tốt, mùi vị đậm đà, chẳng chê vào đâu được. Dịp Tết, lượng tiêu thụ tăng vọt, nên mỗi chuyến xe rau củ từ Kinh Môn về đều cháy hàng. Giá hành khô, tỏi khô hiện đang được bán với giá 50.000 đồng/kg”.
Rời Kinh Môn khi ánh nắng chiều phủ một sắc vàng dịu nhẹ lên những cánh đồng hành, tỏi bạt ngàn, tôi mang theo hình ảnh những người nông dân hối hả mà rạng rỡ những nụ cười. Mùi thơm hăng nồng của hành, tỏi vẫn như vấn vít trên những con đường làng, càng gợi thêm sự mộc mạc mà ấm áp từ mảnh đất cần cù này.
Những luống hành, tỏi - món quà quý giá từ lòng đất chẳng những là biểu tượng của sự sống mãnh liệt, sự cần cù chịu khó của bà con nông dân. Từ Kinh Môn, sắc xanh mơn mởn ấy sẽ theo những chuyến xe, len lỏi qua khắp miền quê, thắp sáng thêm sắc xuân và mang đến dư vị yêu thương cho mỗi gia đình trong những ngày Tết cổ truyền.
Cây hành, tỏi của thị xã Kinh Môn là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, năng suất và chất lượng vượt trội so với các địa phương khác về độ cay, thơm, giá trị dinh dưỡng; không chỉ là gia vị thiết yếu trong mỗi căn bếp của gia đình Việt, nhiều năm qua, cây hành, tỏi của thị xã được doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến sâu, cho giá trị kinh tế cao như: hành chiên, hành xấy khô; tỏi mật, rượu tỏi... xuất khẩu chủ yếu sang một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia...