| Hotline: 0983.970.780

Cho gà ăn bột chè xanh giúp hạn chế kháng sinh

Thứ Tư 20/11/2024 , 12:22 (GMT+7)

Thái Nguyên Nhận thức tác hại của kháng kháng sinh, ông Phương ứng dụng nhiều giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhờ vậy mà lứa gà vừa qua gần như không phải dùng kháng sinh.

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ trang trại gà. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ trang trại gà. Ảnh: Quang Linh.

Nông dân thế hệ mới với nhận thức lớn

Tại nhiều nơi, kháng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn là một khái niệm xa lạ, thường chỉ được nhắc tới tại các hội thảo khoa học hay trong kế hoạch sản xuất của các trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, tại huyện Phú Lương, Thái Nguyên lại có nhiều chủ trang trại gia cầm quy mô chỉ trên dưới 5.000 con nói vanh vách về khái niệm kháng kháng sinh, nguy cơ và cách phòng, chống vấn nạn này.

Đặc biệt, đây đều là những lão nông tuổi đã ngoài 60, ít nhiều gặp một số trở ngại về tuổi tác và tập quán chăn nuôi truyền thống. Ông Nguyễn Văn Phương, chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô 5.000 con tại xóm Cọ 2, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương là một trong số đó. Tham gia nhiều hội thảo về chăn nuôi an toàn sinh học, ông Phương có nhận thức rất rõ về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

“Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn diệt cả những lợi khuẩn gây phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh ở đường ruột, gây ra rối loạn tiêu hóa và có thể khiến vật nuôi bị đi ngoài. Kháng kháng sinh sẽ khiến việc sử dụng các loại kháng sinh cũ không còn tác dụng mà phải sử dụng các chất mạnh hơn”, ông Phương cho hay.

Ông Phương cũng nhấn mạnh về mức độ nguy hại tới sức khoẻ con người khi việc lạm dụng kháng sinh sẽ tạo ra các vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch.

Để hạn chế tối đa việc vật nuôi bị nhiễm bệnh và giảm sử dụng kháng sinh, ông Phương đã thực hiện nhiều biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: sử dụng đệm lót sinh học, tiêu độc, khử trùng chuồng trại định kỳ, ngăn vật nuôi khác vào trang trại, cho gà ăn bột chè xanh…

Muốn hạn chế kháng sinh, phải sạch bệnh từ đầu vào là phương trâm của ông Phương. Ảnh: Quang Linh.

Muốn hạn chế kháng sinh, phải sạch bệnh từ đầu vào là phương trâm của ông Phương. Ảnh: Quang Linh.

Phòng bệnh ngay từ đầu vào

Trước khi vào đàn mới, trang trại của ông Phương được phun dung dịch sát trùng cả trong lẫn ngoài khu vực nuôi, đảm bảo chuồng được để trống trước 1,5 tháng.

Bà Nịnh Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương khuyến cáo: "Từ nền chuồng, trần, vách, khoảng không khí trong chuồng… đều phải phun thuốc sát trùng để diệt trừ mọi vi khuẩn đang ẩn nấp".

Bên cạnh đó, nên phun xịt xung quanh chuồng trại để tránh dịch bệnh từ bên ngoài mang vào, bao gồm cả các vật dụng, phương tiện vận chuyển ra vào trại. Các loại vi khuẩn, virus có thể xâm nhập vào vật nuôi thông qua đường ăn, uống, vậy nên cần khử trùng kỹ các mang ăn, máng uống và các loại dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi.

“Muốn hạn chế dùng kháng sinh con gà phải khoẻ và sạch bệnh. Ngay từ đầu vào, con giống phải được kiểm soát rất chặt chẽ. Tôi chỉ nhập giống từ các công ty uy tín, có cam kết chất lượng, tuyệt đối không sử dụng con giống trôi nổi trên thị trường. Sau đó đảm bảo tiêm đầy đủ các loại vacxin đúng quy định của cơ quan thú y”, ông Phương nói.

Theo đó, con gà có chất lượng tốt phải có những đặc điểm như: chân bóng, lông mượt, không có dị tật, kích cỡ đồng đều…

Lớp đệm lót sinh học giúp gà tránh bị stress. Ảnh: Quang Linh.

Lớp đệm lót sinh học giúp gà tránh bị stress. Ảnh: Quang Linh.

Đường ruột gà khoẻ nhờ đệm lót sinh học

Trước kia, chất thải từ trang trại gà của ông Phương chỉ được thu gom thủ công, gây ra mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng lớn tới môi trường xung quanh, sức khoẻ con người cũng như chính vật nuôi.

Thông qua các chương trình tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học và tìm hiểu kiến thức trên báo chí, ông Phương đã thực hiện rải đệm lót sinh học trong chuồng nuôi.

Với thành phần chủ yếu là trấu và men vi sinh, đệm lót sinh học giúp phân giải phân vật nuôi, từ đó làm giảm thải các khí độc và giảm mùi hôi. Được hoạt động trên nền đệm lót mềm thay vi bê tông cứng cũng giúp gà nuôi nhốt tránh tình trạng bị stress.

Khi sử dụng đệm lót, nông dân không phải thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi, nên giảm tối đa công dọn chuồng và tiết kiệm được nguyên liệu làm chất độn chuồng. Mặt khác, đệm lót sinh học luôn tạo ra nền nhiệt tốt cho việc úm gà con vào mùa lạnh, nhờ đó gà con khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt sau này.

Đặc biệt, vi khuẩn có lợi trong đệm lót còn giúp gà cải thiện hệ tiêu hoá, có thể tiêu diệt được một số loại mầm bệnh thông thường.

“Nuôi gà trên đệm lót sinh học giúp tôi giảm được rất nhiều chi phí thuốc trong việc chữa trị bệnh cho gà. Ngoài ra, sau khi dọn chuồng lớp đệm lót cũng trở thành nguồn phân hữu cơ được bà con trồng cây ăn quả ưa chuộng. Phân chuồng ủ men vi sinh được thu mua với giá 1.500 đồng/kg, cao gấp đôi so với bán phân tươi”, ông Phương nhận định.

Lão nông này tính toán, nguồn thu từ việc bán 1,5 tấn phân hữu cơ mỗi lứa gà giúp trang trại chi trả được toàn bộ chi phí mua trấu làm đệm lót và tiền điện trong 1 tháng.

Bột chè xanh phối trộn vào thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Bột chè xanh phối trộn vào thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Gà ăn bột chè xanh

Sau khi tham dự hộ thảo ứng dụng bột chè xanh vào thức ăn chăn nuôi, ông Phương đã cùng các nhà khoa học, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương hỗ trợ kiến thức, thử nghiệm mô hình bổ sung bột trà xanh vào thức ăn chăn nuôi gia cầm.

Phối trộn với tỷ lệ 1kg bột chè xanh vào 1 tạ cám, ông Phương thấy gà ăn khoẻ, cảm nhận gà lớn nhanh hơn và không gặp vấn đề về bệnh tật.

Bột chè xanh được sản xuất từ lá chè từ vùng nguyên liệu an toàn rồi sấy khô. Qua đó, đảm bảo các thành phần hóa học trong lá chè không bị phân hủy. Cuối cùng được nghiền nhỏ để bổ sung vào nguyên liệu ủ thức ăn.

Chè xanh chứa hơn nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như flavonoids, axit amino, xanthine alkaloids, vitamin and khoáng chất đều an toàn với con người. Qua đó, góp phần cải thiện khả năng miễn dịch mà vẫn có khả năng tăng trưởng tốt.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Công ty thu mua thưởng 20 triệu đồng

Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, tỷ lệ sống của trang trại gà nhà ông Phương luôn đạt trên 97%. Vừa qua, đơn vị ký thu mua gà từ trang trại đã thưởng cho ông Phương 20 triệu đồng nhờ thành tích cứ 1.000 con xuất chuồng thì chỉ có 14 con đánh giá loại B, còn lại đều là loại A.

Sau 90 ngày tuổi, con gà Hồ của trang trại ông Phương nặng khoảng 2,8kg, nếu nuôi tới 100 ngày sẽ nặng 3kg, thường được thu mua với giá trên dưới 65.000 đồng/kg gà hơi.

“Gà sạch bệnh giúp tôi không phải sử dụng kháng sinh, giảm chi phí phòng bệnh cho gà từ 8.000 đồng/con xuống 4.000 đồng/con. Từ đó, tăng đáng kể lợi nhuận cho trang trại”, ông Phương tính toán.

Để phòng, chống kháng kháng sinh trên đàn vật nuôi, bà Nịnh Thị Thắng đề nghị người dân khi phát hiện vật nuôi nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương, tuyệt đối không sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh. Bà con cần thực hiện tách đàn, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, sau đó thực hiện chữa trị theo pháp đồ của cơ quan thú y đưa ra.

“Dù có pháp đồ điều trị hiệu quả, những khi mắc bệnh vẫn sẽ tạo ra các ảnh hưởng tiêu cực khi mầm bệnh đã lây lan. Do đó, bà con cần nêu cao tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn dịch bệnh từ sớm, từ xa giúp tiết kiệm nguồn lực cho chính trang trại và địa phương”, bà Thắng khuyến cáo.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Phú Yên phát triển các vùng trồng dừa tập trung

Tỉnh Phú Yên sẽ hình thành các vùng dừa sản xuất tập trung ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, kết hợp phát triển cảnh quan, du lịch cộng đồng.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.