Phun thuốc khử trùng trong khu chăn nuôi lợn ở Thái Bình |
Có huyện như Đông Hưng, có tới 36/44 xã có dịch. Chỉ riêng ngày 14/3, đã có thêm 9 xã bị dịch tả lợn Châu Phi “hỏi thăm”. Như vậy, DTLCP đã gần như phủ kín tỉnh lúa, chỉ còn sót lại hai địa phương là huyện Tiền Hải và TP Thái Bình.
Tổng số lợn bị bệnh được tiêu hủy, tính đến ngày 14/3, là 12.061/971.000 con trong tổng đàn lợn của Thái Bình. Số lợn bị tiêu hủy có trọng lượng 695.765kg.
Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN-PTNT Thái Bình), cho biết, những ngày này, tất cả cán bộ nhân viên của Chi cục hầu như có mặt ở các địa phương để chỉ đạo việc phòng chống dịch. Ông Nhương cũng tỏ ra lo lắng vì diễn biến thời tiết đang rất thuận lợi cho virus DTLCP phát triển, vì thế nguy cơ dịch phát triển, lây lan càng cao. Tuy đã triệt để phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột, nhưng nhiều khi vừa rắc xong thì mưa, vôi bột lại trôi hết, mà thuốc khử trùng tiêu độc cũng mất tác dụng. Những ổ dịch đều xuất hiện tại các gia trại chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẹt trong dân, không có điều kiện phòng chống dịch một cách tuyệt đối.
Hàng chục trạm kiểm dịch động vật đã được Thái Bình thành lập và nhanh chóng triển khai, trong đó quan trọng nhất là các trạm Cầu Tân Đệ (nối giữa Thái Bình với Nam Định); cầu Triều Dương (nối giữa Thái Bình với Hưng Yên); Cầu Nghìn (nối giữa Thái Bình với Hải Phòng); Cầu Hiệp (nối giữa Thái Bình với Hải Dương). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chống dịch cũng được cả hệ thống chính trị và cơ quan chuyên môn đặc biệt quan tâm.