| Hotline: 0983.970.780

Điện ảnh Việt vẫn dò dẫm tìm đường đến với người xem

Chủ Nhật 25/02/2018 , 07:47 (GMT+7)

Nhìn lại đời sống điện ảnh năm 2017: 16 bộ phim tham gia dự thi tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 20 ở Đà Nẵng, đã ghi nhận nhiều điều mới mẻ đang diễn ra trong sinh hoạt điện ảnh của nước ta.

bi-to-hong171743152
Poster phim "Cô Ba Sài Gòn"

Lực lượng sản xuất phim tư nhân ngày càng tỏ rõ vai trò tích cực của mình trong xu thế xã hội hóa. Phần đông tác giả của những bộ phim kia là những người còn rất trẻ; thậm chí có tới hơn 1/3 các đạo diễn là những người làm phim lần đầu. Còn điều này nữa: hình như loại phim “hài nhảm” hoặc phim thuần túy nhắm tới doanh thu cao, tuân thủ theo công thức “Sex + Hài + Hành động + Tình yêu” đã khiến người xem “bội thực”. Nhà sản xuất cùng các đạo diễn đang gắng gỏi tìm ra một hướng đi mới, đưa phim ảnh trở lại bám sát hiện thực đời sống hơn; việc dàn việc diễn nghiêm túc, bài bản hơn..

Nói vậy, nỗi lo vẫn nhiều hơn niềm vui. Những gì cần be đắp, nắn chỉnh vẫn lồ lộ hiện ra ở nhiều bộ phim. “Em chưa 18 tuổi” được trao tặng Bông Sen vàng nghiêng về phía phim đã đạt doanh thu cao ngất ngưởng. Mặt mạnh của phim là ở ý tưởng lạ, cách dàn dựng có nghề, hình ảnh và âm nhạc phục vụ đắc lực cho tiết tấu. Song phim cũng chưa phải là mẫu hình của mối lương duyên giữa hai yếu tố nghệ thuật và sự hấp dẫn.

16 phim dự thi đã được lựa lọc ra từ ngót nghét gần trăm mặt hàng phim ảnh được tung ra trong năm 2017. Ấy vậy nhưng cũng dễ chọn ra những phim còn lưỡng lự chưa dám mạnh dạn chia tay với mô hình nhàm chán của loại phim ăn khách xưa nay. Có thể kể ra đây các bộ phim như: "Nắng", "Sài gòn anh yêu em", "Cho em gần anh thêm chút nữa"…

3 bộ phim “Cha cõng con”, “Đảo của dân ngụ cư”, “Cô Ba Sài Gòn” thể hiện rõ ý định tốt đẹp của các nhà sản xuất và các đạo diễn đầu tư tiền bạc và chất xám để trả lại cho phim ảnh những chuẩn mực nghề nghiệp nói riêng và nghệ thuật nói chung. Đáng tiếc sao, những mong muốn, những hy vọng kia đã vuột ra khỏi tầm tay…

“Cha cõng con” tìm được cốt chuyện lạ, lại bám sát những bức xúc của đời sống hôm nay nên gây được xúc động ở người xem vì tính chân thực của nhiều hình ảnh. Ấy vậy, phim bộc lộ nhiều chỗ non tay trong nghề nghiệp đạo diễn, đặc biệt trong việc gột dựng chi tiết điện ảnh. Có thể nêu ra đây vài ví dụ: Trong phim, xuất hiện chiếc xe đạp. Nhân vật người cha đã chơi nhởn với đám trẻ bằng chiếc xe kia; đã hướng dẫn cô gái có thể trở thành người vợ sau của anh tập điều khiển xe. Tiếc sao, khi người cha đưa con về thành phố chữa bệnh, chiếc xe được mang tới cho anh lại là của người khác. Cô gái tập xe kia ở phần giữa bộ phim đã gây được thiện cảm của người xem (lẽ dĩ nhiên của cả nhân vật người cha) song khi người cha đưa con trai về thành phố, cô gái nọ hoàn toàn biến mất. Đây nữa, có gì “vênh” giữa cuộc sống nơi heo hút thương nguồn sông với ngôi nhà búp tháp Biteco tại thành phố Hồ Chí Minh không? vân... vân...

Phim “Đảo của dân ngụ cư” có vẻ như quá lưu tâm đến khâu hình ảnh, khâu thiết kế nên đã sao nhãng việc khắc họa mối quan hệ giữa các nhân vật (nói thêm: đọc nguyên văn kịch bản văn học của nhà văn Nguyễn Quang Lập mối quan hệ này rõ ràng, minh xác hơn hẳn) và tính cách của bản thân nhân vật chính. Cái khát vọng sống của cô gái tật nguyền này không hiện lên rành rõ trong mắt người xem. Cô gái nửa như bệnh hoạn nửa như thèm thuồng tình dục là chính. Ngay nếu đạo diễn tập trung nhiều cho thiết kế và hình ảnh thì "Đảo của dân ngụ cư" có cảm giác như một copy các bộ phim của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu (?!).

do-dn-ngu-cu110039391
Cảnh trong phim "Đảo của dân ngụ cư"

Hình như các đạo diễn làm phim đầu tay quá trông cậy và ủy thác vào những tay máy đã có tên tuổi. Hai trong ba phim này là do nhà quay phim trẻ tài năng Lý Thái Dũng đảm trách. Nhưng sự quan tâm và tư duy của đạo diễn và quay phim không phải bao giờ cũng đồng nhất.

Đã lâu lắm chúng ta chưa được xem một bộ phim truyện nào lên tiếng bảo vệ những truyền thống, những nét đẹp văn hóa dân tộc như phim “Cô Ba Sài Gòn”. Tiếc sao, phim này lại bộc lộ ra điểm yếu ngay từ trong khâu kịch bản văn học. Phim có thể kể về một ngành nghề gia truyền, về người bảo vệ, gìn giữ và kẻ nông nổi, chạy theo thời thượng coi nhẹ hoặc xem thường ngành nghề ấy. Nhưng với nghề may áo dài mà đẩy tới “cái bí kíp” phải bảo lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác thì người xem có quyền hoài nghi. Nên nói thêm nhân vật, Như Ý khi để nữ nghệ sỹ Hồng Vân thủ vai tự nhiên sẽ khiến diễn xuất của nữ diễn viên trẻ Ninh Dương Lam Ngọc trở nên đơn điệu, “kịch” trong vai Như Ý khi còn trẻ.

Thế nào là một bộ phim mang giá trị nghệ thuật, phim hay - đó còn là một điều cần tranh luận, bàn cãi. Nhưng để trở thành một phim hay, phim nghệ thuật, trước tiên phim cần phải hoàn chỉnh; mọi tình tiết, chi tiết phải phát triển tự nhiên; mối quan hệ giữa các nhân vật phải rành rõ, hợp lý... Nói gọn lại, người xem phim chỉ dành tâm trí và tình cảm để thưởng thức, chứ không phải để tranh cãi với nhau về những gì còn thiếu, còn chưa đủ, còn vô lý hiện ra trên màn ảnh.

Nhược điểm hay điểm yếu này mãn tính này của điện ảnh nước mình muốn khắc phục được, trước tiên - theo chỗ chúng tôi, phải lo chỉnh trang, bổ cứu hai khâu: Công tác biên tập và việc giảng dạy về nghề (đặc biệt là nghề đạo diễn) tại các cơ sở đào tạo người làm phim tương lai.

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng

Ngày 26/12, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQG tổ chức hội thảo khoa học '100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng'.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.