| Hotline: 0983.970.780

Điện ảnh Việt Nam có cần bắt chước để hội nhập quốc tế?

Chủ Nhật 27/08/2017 , 08:30 (GMT+7)

Một trong những điều nổi cộm nhất hiện nay của điện ảnh Việt là phong trào làm lại các bộ phim nước ngoài.

08-27-28_trng_26
Bộ phim Việt đầu tiên có sức vang ở nước ngoài là “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng

Bên cạnh việc dùng lại kịch bản ngoại, nhiều đạo diễn cũng không ngần ngại làm phim hoàn toàn bắt chước phong cách Tây, mà tiêu biểu nhất là bộ phim “Em chưa 18” doanh thu khá cao và được xưng tụng khá tự hào “phim Mỹ nói tiếng Việt”. Phải chăng, trong xu hướng hội nhập, nghệ thuật thứ bảy không còn con đường nào khác để khẳng định mình? Thực tế, rất nhiều bộ phim thuần Việt của đạo diễn trong nước hoặc đạo diễn Việt kiều, đã được quốc tế đánh giá rất cao!

Năm 2008, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh được kênh truyền hình nổi tiếng thế giới CNN xếp vào danh sách “18 bộ phim châu Á kinh điển” với đánh giá làm nức lòng những người yêu điện ảnh nước nhà, rằng “bộ phim vẽ nên một bức tranh sống động kể lại cảm nhận của một góa phụ trẻ tuổi về những di sản trong chiến tranh Việt Nam”. Sự vinh danh ấy rõ ràng có thể tự tin cảnh sắc Việt, tâm hồn Việt đã có cơ hội thăng hoa trên màn ảnh quốc tế.

Nghệ thuật điện ảnh luôn hội tụ những bộ môn nghệ thuật khác như văn học, hội họa, nhiếp ảnh…Cho nên mỗi bộ phim luôn chứng minh bản lĩnh và bản sắc của một quốc gia. Chúng ta còn nghèo, chưa thể nghĩ đến những bộ phim “bom tấn” như Hollywood, nên chỉ còn con đường chinh phục quốc tế bằng nền văn hóa mang đậm phong thái Á Đông. Ở đây cần phải nói đến vai trò xã hội hóa điện ảnh. Khi những nhà làm phim trong nước được sự hợp tác của những nhà làm phim Việt kiều thì màn ảnh của chúng ta có thể nhiều điều kiện để có những bộ phim đẳng cấp quốc tế! Có lẽ từ một sự tính toán riêng, các nhà làm phim gần đây hơi chú trọng những cảnh nhà lầu, xe hơi, váy ngắn, môi son… khiến cho hình ảnh nông thôn bỗng dưng ngủ quên trên màn ảnh. Hình như chúng ta quên mất rằng, sự nồng nàn của cảnh sắc Việt Nam mới đủ sức làm nên những tác phẩm điện ảnh vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Sau khi đất nước đổi mới, bộ phim Việt đầu tiên có sức vang ở nước ngoài là “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng. Tạo dựng phim trường tại Paris, nhưng các cảnh sắc Việt Nam được thể hiện thật quyến rũ trong “Mùi đu đủ xanh”. Nhìn hình ảnh cận cảnh của đạo diễn Trần Anh Hùng đã giúp “Mùi đu đủ xanh” có mặt tại nhiều liên hoan phim quốc tế.

Và chúng ta không thể nói khác hơn rằng, chính “vẻ đẹp tiềm ẩn” không lẫn vào đâu được của Việt Nam khi khai thác hiệu quả đã mang lại giải thưởng Camera Vàng cho “Mùi đu đủ xanh” tại Liên hoan phim Cannes năm 1993 và được đề cử giải Phim nước ngoài hay nhất tại giải Oscar năm 1993. Sau thành công của “Mùi đu đủ xanh”, hai bộ phim tiếp theo của đạo diễn Trần Anh Hùng là “Xích lô” và “Mùa hè chiều thẳng đứng” cũng tập trung miêu tả hồn Việt lung linh và đều được tán thưởng khắp nơi. Riêng bộ phim “Xích lộ” đã đoạt giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venezia vào năm 1995..

Một bộ phim khác chứng minh đẳng cấp quốc tế của phim Việt là “Ba mùa” của đạo diễn Tony Bùi. Lấy bối cảnh chính tại TPHCM, “Ba mùa” phản ánh đời sống người Việt trong kinh tế thị trường với những mảnh đời xô dạt, nhưng vẫn thấy được nét nhuần nhị và đôn hậu của bao con người đôn hậu. Những nhà làm phim chứng minh ở đô thị sầm uất nhất của Việt Nam có ba mùa: mùa nắng, mùa mưa và mùa hy vọng. Người xem “Ba mùa” không thể nào quên được giữa chộn rộn bán mua, gánh hoa sen của cô gái nghèo đi qua như một vùng sáng lung linh bất tận. Không thể nói khác hơn, những đóa sen trong “Ba mùa” làm dịu lại cái nắng Sài Gòn, làm ấm lên cơn mưa Sài Gòn và biểu thị sự lương thiện vẫn nảy mầm, vẫn tỏa hương ngay cả khi chen lấn giành giật mưu sinh. Chính vẻ đẹp thuần Việt đã giúp “Ba mùa” nhận được giải thưởng tại Liên hoan phim Sundance năm 1999.

Tất nhiên, bất cứ giải thưởng nào cũng chỉ mang tính tương đối. Điều đáng quan tâm nhất là những bộ phim càng gần đẳng cấp quốc tế thì càng khẳng định được sức sống của văn hóa Việt Nam. Trước đây chúng ta vẫn than phiền về túi tiền eo hẹp, thì giờ đây người Việt đã đủ khả năng bỏ ra hàng triệu đô la Mỹ để làm phim. Hai bộ phim “Dòng máu anh hùng” và “Áo lụa Hà Đông” thu hút hàng ngàn lượt xem nhờ đầu tư thỏa đáng cho dàn dựng công phu. “Dòng máu anh hùng” phô diễn những pha võ thuật đẹp mắt, còn “Áo lụa Hà Đông” ca ngợi chiếc áo dài truyền thống. Đáng tiếc là dù qui tụ nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng, nhưng đạo diễn “Dòng máu anh hùng” và “Áo lụa Hà Đông” hơi non tay nên nhiều trường đoạn dông dài phá vỡ cảm xúc người xem, khiến giá trị thẩm mỹ tạm dừng ở mức độ nhất định. Thế nhưng, những hình ảnh thuyết phục nhất của hai bộ phim này đều nằm ở những bối cảnh đồng quê, với cảnh đoàn tàu băng qua triền đồi trong “Dòng máu anh hùng” và dòng sông nhạt nhòa mưa lũ trong “Áo lụa Hà Đông”.

Để tiếp tục thể hiện vị trí Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thứ bảy thế giới, cần nhiều nỗ lực cụ thể hơn nữa của những nhà quản lý văn hóa và những nghệ sĩ điện ảnh. Tuy nhiên, có hai nhược điểm dễ thấy ở các bộ phim Việt Nam bước đầu có thể tiếp cận quốc tế là lời thoại và đoạn kết. Phim của chúng ta hơi nhiều lời, và có khi lời thoại rời rạc thiếu chắc lọc đã làm loãng không khí bộ phim. Điện ảnh khác kịch nói khi phát huy được sức mạnh ngôn ngữ đặc thù. Quá nhiều tình huống trên phim Việt cứ muốn giải quyết bằng lời thoại, thay vì bằng âm nhạc, hay sự chuyển động của camera. Còn về cái kết, thì thật đáng băn khoăn. Hầu như các bộ phim Việt chỉ để kết cho có…cái kết mà thôi. Ngay cả bộ phim tương đối thành công là “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng vậy. Ở “Mùa len trâu” có những chi tiết đắt giá mang ấn tượng điện ảnh, nhưng cái kết chưa tương xứng với nhịp điệu bộ phim.

“Mùa len trâu” khép lại hồi ức về câu chuyên vùng sông nước Cà Mau bằng lời thoại khá mông lung. Với thiện chí sánh vai với bè bạn năm châu, cũng dùng lối hồi ức thì lời thoại kết phim của “Mùa len trâu” khi so sánh với lời thoại kết phim của “Hồi ức một geisha” thì quả là một trời một vực. Cái kết phim dẫu mấy câu cũng phải nói được cái đau đáu một số phận, hoặc cái thao thức một thời cuộc, hoặc cái trắc ẩn kiếp nhân sinh. Nếu ví von, thì cái kết của phim Việt chỉ là tiếng kêu rất nhỏ của cánh cửa khép hờ, còn cái kết của những bộ phim quốc tế từng làm chúng ta rúng động là âm thanh tách cách của cái khóa!

Thế mạnh của điện ảnh Việt Nam là chiều sâu văn hóa của cảnh sắc và con người Việt Nam. Khi và chỉ khi chúng ta khai thác triệt để yếu tố này mới có được những bộ phim đẳng cấp quốc tế! Đó là sự thật đáng suy nghĩ, đáng trân trọng và đáng nâng niu! Điện ảnh Việt không cần thiết phải bắt chước một cách thô thiển để hội nhập toàn cầu!

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Làng rau Trà Quế được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới

Làng rau Trà Quế đã vượt qua hơn 260 hồ sơ đăng ký của 60 quốc gia để được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024.

Ruud Van Nistelrooy không nằm trong kế hoạch của tân thuyền trưởng Man.United

HLV người Hà Lan chính thức chia tay Man.United do ban huấn luyện mới của tân HLV trưởng Ruben Amorim có lựa chọn của mình.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.