| Hotline: 0983.970.780

Nghệ thuật vay mượn đánh mất lòng tự trọng nghệ sỹ

Chủ Nhật 03/09/2017 , 13:15 (GMT+7)

Những người yêu điện ảnh thật bất ngờ, khi Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11- 2017) đã quyết định đưa phim remake vào hạng mục tranh giải chính thức. 

16-31-04_trng_29
Bộ phim “Sắc đẹp ngàn cân” làm lại từ phim “200 Pounds Beauty”

Điều lệ của Liên hoan phim, ghi rõ rằng: "Phim làm lại (remake) từ kịch bản/ phim nước ngoài có thể đăng ký tham dự tất cả các chương trình của Liên hoan phim. Trường hợp phim được tuyển chọn vào vòng dự thi sẽ được xét các giải thưởng cho cá nhân, trừ giải thưởng cho tác giả kịch bản và giải thưởng dành cho phim". Sự chấp nhận này chứng tỏ ngày hội điện ảnh muốn có những ứng viên là phim ăn khách, hay phản ánh thực trạng nghiệp dư đang xâm chiếm đời sống nghệ thuật nước nhà?

Phong trào làm lại phim nước ngoài, mà dân trong nghề gọi là remake, càng ngày càng nở rộ. Nền điện ảnh Việt vốn ốm yếu, lại càng trở nên tội nghiệp, khi những nhà làm phim cao hứng “theo đóm ăn tàn” những tác phẩm hút khách trên màn ảnh quốc tế.

Dấu vết đầu tiên để khẳng định phong trào remake xâm lấn thị trường phim Việt, chính là cơn sốt vé bộ phim “Em là bà nội của anh” làm lại từ bộ phim “Miss Granny” của Hàn Quốc. Như một món lạ đánh trúng vào tâm lý sính ngoại, “Em là bà nội của anh” đã đạt được doanh thu nhiều tỷ đồng. Các đạo diễn khác đã nhìn vào sự thành công bất ngờ từ “Em là bà nội của anh” như tìm thấy thần dược cho sự lười nhác sáng tạo đang bao phủ làng nghệ thuật thứ bảy nước nhà.

Thấy người ta ăn khoai thì mình cũng phải vác mai đi đào, hàng loạt phim remake thi nhau ra đời, nhằm đáp ứng thị hiếu nhất thời của một bộ phận công chúng, như bộ phim “Bạn gái tôi là sếp” làm lại từ phim “ATM: Er Rak Error”, bộ phim “Sắc đẹp ngàn cân” làm lại từ phim “200 Pounds Beauty”, bộ phim “Yêu đi, đừng sợ!” làm lại từ phim “Spellbound”, bộ phim “Cô nàng ngổ ngáo” làm lại từ phim “My Sassy Girl”...

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phân bua cho dòng phim remake đang gây dư luận trái chiều: "Nhiều người lầm tưởng rằng remake một bộ phim ăn khách cực dễ bởi không cần sáng tạo gì nhiều, cứ bản gốc mà bám vào là có ngay phim hay. Nếu đúng như họ suy nghĩ thì các tác phẩm remake thành công đã vô số kể chứ không phải ít ỏi như bây giờ. Bởi đây là xu hướng thịnh hành trên thế giới, đến cả Hollywood dù không thiếu kịch bản hay, họ vẫn làm lại kịch bản thành công của các nước khác vì muốn tiết kiệm thời gian đầu tư vào một kịch bản phim hay nhằm đạt hiệu quả cao. Nhưng thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và là thử thách không phải ai cũng vượt qua"

Những ai đã xem bản gốc thì sẽ thấy sự bắt chước lộ liễu và ngây ngô của các đạo diễn Việt khi làm lại phim nước ngoài. Remake ban đầu chỉ là vay mượn kịch bản, nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Phim Việt cứ hồn nhiên ăn cắp từ phục trang nhân vật cho đến từng khuôn hình chi tiết. Nghĩa là phong trào làm lại phim nước ngoài, mang màu sắc của sự cổ súy những sản phẩm nhái theo phương pháp của những bản photocopy nhem nhuốc và lố bịch!

16-31-04_trng_28
Bộ phim “Em là bà nội của anh” làm lại từ bộ phim “Miss Granny” của Hàn Quốc

Bất cứ sự nhố nhăng nào trong đời sống cũng được dừng lại ở thái độ biết đắn đo của những người khôn ngoan. Đáng tiếc thay, tính chuyên nghiệp của điện ảnh Việt còn lại quá ít ỏi. Ngay cả diễn viên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú là Hồng Ánh cũng góp mặt vào bộ phim “Tháng năm rực rỡ” được Việt hóa từ bộ phim “Sunny” của Hàn Quốc. Đành rằng, bộ phim “Sunny” từng thu được 51 triệu USD ngay trên xứ sở kim chi, nhưng chắc gì “Tháng năm rực rỡ” có thể mô phỏng một cách dễ dàng. “Sunny” khai thác bản sắc văn hóa của Hàn Quốc, còn “Tháng năm rực rỡ” khai thác bản sắc văn hóa gì? Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Ánh đã ngừng đóng phim nhiều năm để chuyển sang làm đạo diễn, bây giờ quay lại làm diễn viên mà chọn một bộ phim như “Tháng năm rực rỡ” để tham gia thì thật khó hiểu cho trình độ và bản lĩnh của Hồng Ánh!

Những nhà biên kịch trong làng phim Việt đang nghĩ gì về thực trạng sử dụng kịch bản nước ngoài để làm phim phục vụ cho người Việt. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân khẳng định bản thân ông cũng học hỏi được ít nhiều khi tham gia vào các dự án remake, nhưng đôi lúc rất tự ái và tủi thân. Bởi lẽ, với thể loại phim remake thì vai trò của nhà biên kịch bị đặt xuống khá thấp. Nói đúng hơn, khi làm phim remake thì nhà biên kịch chỉ là người sửa chữa và chăm chút sao cho những chi tiết mang dấu ấn nước ngoài được Việt hóa một cách dễ hiểu hơn. Nghĩa là, biên kịch phim remake thì chỉ làm thao tác kỹ thuật, chứ không có yếu tố sáng tạo gì!

Trên thế giới, không có một nền điện ảnh nào có thể tồn tại lâu bền bằng hành trình làm lại phim của nước khác. Điện ảnh Việt đang khan hiếm những nhà biên kịch tài năng, đó là thực trạng cần phải đầu tư nghiêm túc để cải thiện chất lượng kịch bản. Thế nhưng, không thể vì lúng túng kịch bản nội địa mà những nhà làm phim đánh mất luôn lòng tự trọng cần thiết của nghệ sĩ Việt!

(Kiến thức gia đình số 34)

Xem thêm
Bài ca không quên hát về những con người bất khuất

'Bài ca không quên' tổ chức đêm 22/12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM thực sự là một bữa tiệc nghệ thuật kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.