Điệp viên Không Không Thấy dĩ nhiên không phải nhân vật được sáng tạo, mà là nhân vật được mô phỏng kiểu giễu nhại. Điệp viên Không Không Thấy được nhà văn Lê Văn Nghĩa mượn từ nguyên mẫu điệp viên 007 để làm phương tiện truy lùng những câu chuyện buồn cười trong đời sống.
Mạch truyện trào phúng của nhà văn Lê Văn Nghĩa khắc gây ấn tượng cho bạn độc mấy chục năm qua bằng sự “phá án” của điệp viên Không Không Thấy. Nhân vật điệp viên Không Không Thấy lừng danh đến độ được mượn làm tên Việt cho bộ phim do danh hài Mr Bean thủ diễn, mà “quên” xin phép “cha đẻ” của nó.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa ký hợp đồng với Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM để in hai cuốn “Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ” và “Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng”. Thế nhưng, sau khi tác giả không kịp nhìn thấy điệp viên Không Không Thấy xuất hiện trên kệ sách. Nhà văn Lê Văn Nghĩa qua đời đêm 25/7, hai cuốn về điệp viên Không Không Thấy đến cuối tháng 7/2021 mới rời khỏi nhà in.
34 mẩu chuyện trong tập “Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ” cùng 36 mẩu chuyện trong tập “Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng” đều mang dáng dấp các “thói hư tật xấu” của một ai đó trong cuộc đời này.
Nếu như ở “Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ”, công chúng bật ngửa và phì cười vì những tình huống “phá án” trong “Đường dây phim sex”, “Nghiệp vụ ngửi mùi hương”, “Điệp vụ mò đường”, “Lộ tẩy”, “Nhà sưu tập tranh”…; thì đến “Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng” lại chứng kiến ngòi bút của nhà văn Lê Văn Nghĩa vạch trần những màn “nhập đồng”, làm ra “thơ thần” chỉ toàn là trò lừa, chiêu đánh bóng bản thân qua “Ai là nhân tài?”, “Đấu giá chữ ký”, “Thần chú”, “Những người không thích đùa”…
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20/05/1953 tại Chợ Lớn. Ông “thuộc thế hệ thanh niên học sinh Sài Gòn trưởng thành trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975. Ông từng xuống đường lãnh đạo thanh niên học sinh đấu tranh trực diện với cảnh sát, từng bị bắt, trải qua một số nhà tù giam của chế độ Việt Nam Cộng hòa, kể cả ở Côn Đảo. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Lê Văn Nghĩa làm báo và được đồng nghiệp ghi nhận công lao xây dựng thương hiệu Tuổi Trẻ Cười.