Trong 3 ngày, từ 13 - 15/3/2012, tại TP.Cần Thơ diễn ra hội thảo quốc tế về phát triển đô thị bền vững thích ứng với BĐKH do cơ quan nghiên cứu Khoa học& Công nghiệp thịnh vượng chung (CSIRO), tổ chức SEWPaC (Úc), Trường ĐH Cần Thơ và UBND TP. Cần Thơ phối hợp tổ chức.
Hội thảo có 18 nhà khoa học thuộc các quốc gia thành viên thuộc khu vực Đông Á trong số gần 100 đại biểu là nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu BĐKH (tức viện DRAGON, thuộc Trường ĐH Cần Thơ), đại diện Sở TN- MT các tỉnh ĐBSCL tham dự. Đây là một trong hai hội thảo do CSIRO phối hợp với các đối tác trong khu vực tổ chức tại TP. Cần Thơ (Việt Nam) và tại Makassar (Indonesia) từ 17- 19/4 tới.
Nguồn nước trên sông đang ở mức ô nhiễm báo động |
Hội thảo nhằm tối đa hóa việc học hỏi, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm từ các chuyên gia nghiên cứu của mỗi nước trong việc phối hợp tìm hiểu về chính sách ở cấp địa phương và quốc gia; phối hợp tìm hiểu về những hoạt động thực tiễn trong nghiên cứu và ứng phó với BĐKH. Từ đó thảo luận những ý tưởng về mở rộng quy mô và nhân rộng những nghiên cứu hiện hữu cũng như khả năng phát triển những lựa chọn thích ứng với BĐKH; đồng thời thảo luận về các giải pháp thực tế cho việc tích hợp kiến thức về thích ứng với BĐKH trong việc quy hoạch phát triển đô thị bền vững.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nêu lên thực trạng đáng quan tâm: Một thực tế đang diễn ra tại Cần Thơ, một thành phố lớn nhất ở trung tâm vùng ĐBSCL, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình đồng bằng mặt đất thấp. Nguồn nước cung cấp chủ yếu từ nguồn nước mưa và sông Mekong. Tuy nhiên những năm qua nạn sạt lở bờ sông và tình trạng ngập lụt thường diễn ra là những thiên tai gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế- xã hội của thành phố.
Đặc biệt điều đáng lo ngại hơn trước những diễn biến thay đổi bất thường về nhiệt độ không khí gia tăng kéo dài, chế độ thủy văn thay đổi bất thường, hạn hán khốc liệt đầu năm, xâm nhập mặn đe dọa và thường bị ngập sâu kéo dài vào cuối năm. Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ đang chịu tác động bởi vấn nạn ô nhiễm nguồn nước và tác hại từ các hoạt động phát triển không bền vững ở một số quốc gia vùng thượng nguồn sông Mekong. Đó sẽ là những tai họa chính ở TP Cần Thơ và ĐBSCL phải đối mặt.
Đến nay, sau hơn 1 năm TP. Cần Thơ, Trường ĐH Cần Thơ và tổ chức CSIRO thực hiện hợp tác trong khuôn khổ dự án "Thích ứng BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững", thí điểm nghiên cứu hệ thống nước đô thị TP. Cần Thơ (từ tháng 7/2010 đến tháng 9/2012)... đã nâng cao nhận thức cộng đồng, nhận thức được những bất lợi bởi hoạt động riêng lẻ trong quản lý môi trường nước.
Dự án đã khảo sát rộng rãi và toàn diện trên 1.200 hộ dân về hệ thống dịch vụ và hiện trạng môi trường nước của Cần Thơ, giúp cho các cơ quan ban ngành địa phương hoạch định chính sách phát triển một cách thích hợp cho các khu vực, cộng đồng có nguy cơ chịu nhiều tác động BĐKH.
GS.TS Lê Quang Trí, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, Giám đốc Viện DRAGON: Viện DRAGON đã cùng các đối tác tổ chức quốc tế và các ban ngành hữu quan của TP. Cần Thơ xây dựng đánh giá tác động BĐKH thông qua các kịch bản liên quan đến sự phát triển bền vững của đô thị như hệ thống môi trường nước, đồng thời xây dựng những vùng điểm cho nghiên cứu điển hình để từ đó có giải pháp chiến lược thích ứng với BĐKH trong phát triển đô thị. |
Phân tích kết quả còn cho thấy các khu vực ven đô thị là vùng có nhiều khó khăn nhất về nước sạch và vệ sinh môi trường. Những vấn đề này tác động xấu về mặt dân sinh như sức khỏe, giảm hiệu quả công việc... Từ đó có biện pháp cải thiện hệ thống môi trường nước của Cần Thơ được thiết lập, đánh giá và chọn lựa thêm.
Từ đó đưa ra một kế sách kiến nghị cho thành phố trong việc ứng phó với BĐKH. Việc phát triển bể chứa nước mưa nhằm cung cấp thêm nước sạch cho khu vực đang chịu ô nhiễm, khô hạn hay mặn xâm nhập… đưa ra được xem là một giải pháp thích hợp cho mọi tình huống. Dự án được xem là một chiến lược nhằm đưa ra phát triển bền vững vào thực tiễn một cách cụ thể, đồng thời là một biện pháp hiệu quả thích nghi với BĐKH.
Được biết kết quả hội thảo sẽ được CSIRO tập hợp báo cáo ghi nhận bài học kinh nghiệm về phát triển mạng lưới hợp tác học tập giữa các nhà hoạch định chính sách với các nhà khoa học trong khu vực Đông Á và Úc, bài học về phương pháp thích ứng với BĐKH bằng phát triển đô thị bền vững.
Bản báo cáo cũng cung cấp những điểm chính khi xây dựng khả năng thích ứng với BĐKH ở vùng Đông Á cũng như cung cấp hướng dẫn hực hành mạng lưới trong khu vực. Cuộc hội thảo này đã đóng góp quan trọng nhằm xây dựng các thành phố thân thiện với môi trường trước khi thế giới chuẩn bị cho Hội nghị Liên hiệp quốc về phát triển bền vững được tổ chức tại Rio de Janeiro (Brasil) vào tháng 6/2012.