Dâng hương tại khu di tích Bộ Canh nông, đoàn Công tác đã báo cáo kết quả mà ngành NN-PTNT đạt được trong năm 2023.
Năm 2023 là năm mà ngành NN-PTNT tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn, cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Bộ NN-PTNT tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức quản lý, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung chỉ đạo giải quyết công việc theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Kết quả nổi bật nhất là trong năm tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD (xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 4,78 tỷ USD, hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD); thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%.
Năm 2023 cũng là năm tạo dấu ấn quan trọng trong ngành lâm nghiệp khi lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng; tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, như Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai... qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản...
Năm 2024, ngành NN-PTNT tiếp tục quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và của Bộ. Thúc đẩy phát triển hướng đến một nền "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng; ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường...
Tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương tỉnh Tuyên Quang, sự quan tâm hỗ trợ của ngành NN-PTNT người dân thôn Hoắc nói riêng và xã Thái Bình nói chung luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, đời sống ngày thêm ấm no.
Tháng 8/2022, xã Thái Bình trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy sức mạnh nội lực, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Thái Bình huy động được hơn 139 tỷ đồng, trong đó có hơn 62 tỷ đồng ngân sách Nhà nước, còn lại là nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân đóng góp.
Đến nay, trên địa bàn xã có 20/34km đường có rãnh thoát nước (đạt 60%); 21/34km đường được trồng hoa, cây bóng mát; 100% số thôn đã có nhà văn hóa; có 163 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các cơ sở, doanh nghiệp được triển khai thực hiện đồng bộ...
Bộ NN-PTNT tiền thân là Bộ Canh nông được thành lập theo Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ tại phiên họp ngày 14/11/1945.
Ngày 22/12/2022 tại Nghị định số 105/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định vị trí, chức năng của Bộ NN-PTNT “là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật”.
Khu di tích Bộ Canh nông thuộc thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây là nơi ở, làm việc của các vị lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Bộ Canh nông trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (giai đoạn 1952-1954).
Tại đây dưới sự chở che, đùm bọc của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, cán bộ Bộ Canh nông đã vượt qua vượt qua muôn vàn khó khăn, không ngừng đoàn kết, sáng tạo tham mưu cho Chính phủ kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp và phát động các phong trào thi đua tăng gia sản xuất phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc giành thắng lợi.