| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp 'khát' cơ chế khuyến khích chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững

Thứ Năm 31/08/2023 , 10:42 (GMT+7)

Dù là xu thế tất yếu của thị trường thế giới, sản xuất xanh, bền vững đòi hỏi vốn, nguồn nhân lực và sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban, ngành, địa phương.

Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, Bộ Công thương.

Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, Bộ Công thương.

"Sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của chúng ta ngày càng cạn kiệt", ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững - Bộ Công thương chia sẻ.

Tại Tọa đàm "Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững", ông Quang đánh giá, doanh nghiệp trong nước bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất bền vững trong phân phối xanh, phân phối bền vững.

Về dài hạn, điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế tiêu dùng mới trên thế giới, đặc biệt là những khu vực có những tiêu chuẩn nâng cao, đảm bảo tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới.

Theo ông Quang, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi áp dụng những quá trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững, doanh nghiệp có những mặt tác động tích cực như định vị được thương hiệu Việt Nam, định vị thương hiệu của sản phẩm khi ra thế giới. Doanh nghiệp cũng có thể chiếm lĩnh được thị trường, chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng.

Ngược lại, doanh nghiệp cũng vấp phải một số khó khăn. Đầu tiên là lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp, hay nói cách khác là lựa chọn được công nghệ phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra là vốn đầu tư. Các doanh nghiệp, nhất là nhóm nhỏ và vừa, rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp. Cuối cùng là sự hạn chế của các chính sách hỗ trợ từ nhà nước.

Ở góc độ quản lý, ông Quang nhận định, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất xanh, chuyển đổi sang nền sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững.

"Nhà nước cần đồng bộ hóa trong những chính sách ưu tiên phát triển sản xuất xanh trong các ngành, các lĩnh vực, hoặc chọn ưu tiên cho một số lĩnh vực, ngành áp dụng công nghệ xanh, sạch cụ thể", ông khuyến nghị.

Với vai trò là tham mưu cho Bộ Công thương triển khai những hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Quang đề xuất 3 giải pháp chính. Một là, xây dựng những tiêu chuẩn về mô hình kinh tế tuần hoàn. Hai là, nâng cao năng lực quản lý cho địa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững. Ba là, chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông, góp phần nâng cao được tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE).

Ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE).

Ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) nhìn nhận, việc sản xuất xanh, sạch bây giờ không đơn giản là một công đoạn mà là một quá trình hình thành ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc triển khai và đến lúc kết thúc dự án. "Chuyển đổi xanh, sạch là một quá trình dài. Doanh nghiệp phải chủ động thay đổi nhận thức, tư duy", ông nói.

Đối với ngành than, ông Huân cho rằng quá trình sản xuất xanh, bền vững tập trung chủ yếu ở khâu kiểm soát ô nhiễm, thông qua tối ưu hiệu quả của việc sử dụng nguyên nhiên, tăng cường ứng dụng các mô hình tuần hoàn bằng cách ứng dụng công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại, từ đó đảm bảo tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

Là một đơn vị tư vấn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, VITE hướng đến những giải pháp đồng bộ cả trong dài hạn cũng như ngắn hạn.

Trong dài hạn, công ty đề xuất triển khai các dự án nghiên cứu và đánh giá môi trường tổng thể như đề án bảo vệ môi trường cho khai thác than trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh, các phương án xử lý bãi thải mỏ tại Quảng Ninh, các biện pháp bảo vệ môi trường tổng thể cho khu vực có mật độ dân số lớn như Hòn Gai, Cẩm Phả.

Trong ngắn hạn, hướng tới xử lý các sản phẩm sau quá trình khai thác như nước thải, đất, đá thải... Cụ thể, với nước thải, công ty đang phối hợp Tập đoàn để triển khai các dự án hướng tới tái sử dụng nguồn nước thải mỏ, tiến tới cung cấp lại cho các hộ dân sử dụng; Với đất đá thải, Tập đoàn hướng tới sử dụng cho mục đích xây dựng như san lấp, làm đường giao thông.

"Tập đoàn đang đẩy nhanh tốc độ phủ xanh trên các bãi thải, từ đó kết hợp phát triển kinh tế rừng trên các khu vực bãi thải sau khai thác. Chúng tôi cũng chuẩn bị một quỹ đất để nâng cao tốc độ sinh khối của các loại cây trồng trên đất, đá thải, nhằm chuẩn bị hạ tầng tốt cho thị trường kinh doanh khí các bon mở cửa", ông Huân chia sẻ.

Sản xuất xanh, bền vững là yêu cầu tất yếu của thị trường hiện nay.

Sản xuất xanh, bền vững là yêu cầu tất yếu của thị trường hiện nay.

Giống ông Quang, lãnh đạo VITE thừa nhận một số khó khăn khi chuyển đổi, trong đó có sự thiếu tương đồng, kết nối và đồng bộ với địa phương. Ông cũng cho rằng, quá trình sản xuất chuyển sang xanh, sạch hơn có sự liên quan đến rất nhiều bộ, ban, ngành. Sự chồng chéo này gây ảnh hưởng lớn cho quá trình triển khai.

Thông qua Tọa đàm do Tạp chí Công thương tổ chức, ông Huân kiến nghị cơ quan quản lý ban hành những cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. "Chi phí của việc chuyển đổi rất lớn, vì vậy nguồn vốn này vừa phải dễ tiếp cận, vừa phải trong thời gian dài", ông bộc bạch. 

Ngày 24/6/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, xác định mục tiêu thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, MM Mega Market Việt Nam cho biết, người tiêu dùng hiện nay rất chủ động trong việc tìm kiếm, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững.

Trong tầm nhìn chiến lược của MM Mega Market Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để kêu gọi nhận thức và thay đổi hành vi của khách hàng về tiêu dùng bền vững. "Xu hướng tiêu dùng xanh là động lực giúp cho doanh nghiệp thay đổi, cải thiện sản phẩm, dịch vụ theo hướng xanh, bền vững", bà Hưng nhấn mạnh.

Xem thêm
Siêu thị phủ kín hàng Tết, nhiều khuyến mãi khủng

Trước thềm năm mới 2025, sức mua tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM khá nhộn nhịp, nhất là hàng Tết.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.