| Hotline: 0983.970.780

Đội câu Kiều đi suốt Trường Sơn tìm chồng

Chủ Nhật 28/01/2018 , 15:30 (GMT+7)

Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh được công chúng biết đến với những câu thơ mềm mại và xao xuyến. Thế nhưng, trong giới cầm bút, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh thường được truyền tụng bằng giai thoại một cô giáo tuổi đôi mươi từ Nam Định vượt Trường Sơn vào Nam tìm chồng.

Và họ không chỉ gặp lại nhau giữa mưa bom lửa đạn và còn hạnh phúc đến hôm nay với một đám cưới vàng đầu năm 2018.

12-15-14_vc-dng-nguyet-nh-1973
Vợ chồng Đặng Nguyệt Anh ở chiến khu R năm 1973

Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh sinh ra và lớn lên ở Ninh Trực - Nam Định. Học xong trường huyện, cô gái mới lớn Đặng Nguyệt Anh mỗi ngày qua đò theo khoá 7+2 của Trường Sư phạm Nam Định. Người thầy chủ nhiệm của chị cũng là một giáo viên Toán cự phách - Phạm Thanh Liêm. Những giờ học giữa phập phồng tiếng kẻng báo động máy bay địch, thầy giáo Phạm Thanh Liêm vẽ hình tròn không cần compa và vẽ đường thẳng không cần thước kẽ, khiến bao nữ sinh muôn phần ngưỡng mộ. Cô học trò Đặng Nguyệt Anh cũng để ý thầy giáo Phạm Thanh Liêm lớn hơn mình 8 tuổi, nhưng chỉ âm thầm gửi gắm vào thơ: “Em như trái đậu trên cành/ Ướp hương trời đất... chín... thành tương tư/ Giữa đời thường, thực và mơ/ Anh như ngọn gió... bất ngờ thoảng qua”.

Hết khoá học, thầy giáo Phạm Thanh Liêm bắt đầu theo đuổi cô học trò Đặng Nguyệt Anh. Quê chàng - Xuân Trường và quê nàng - Trực Ninh ngày càng gần gũi hơn, cho đến ngày nàng viết “Câu hát trao duyên vương vào khóm trúc/ Để một đời thương nhớ gỡ không ra”.

Cưới nhau vừa được mấy tháng, thì thầy giáo Phạm Thanh Liêm được lệnh chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau 4 năm chồng vào Căn cứ trung ương Cục miền Nam, người vợ trẻ Đặng Nguyệt Anh được một người quen báo tin: “Chồng của chị bị sốt rét, nằm ở Lộc Ninh. Bây giờ tổ chức có cho anh ra Bắc, thì anh cũng không tự đi được”.

Dẫu biết sự chia ly vì lý tưởng giải phóng dân tộc nhưng trái tim người vợ trẻ Đặng Nguyệt Anh vẫn nghẹn ngào, nửa thương chồng nửa xót mình. Chị tự nhủ: “Người đàn bà sinh ra mọi nỗi cô đơn/ Và chính họ đã nhận về tất cả”, nhưng chị không thể tiếp tục đứng ngồi không yên, vào ra một bóng với những giấc mộng hoang mang. Nhiều đêm thao thức, chị có một quyết định táo bạo: xung phong vào chiến trường miền Nam: “Biết rằng bom đạn gian nan/ Xin cha mẹ, con vào Nam tìm chồng/ Mưa chiều giăng trắng dòng sông/ Trũng sâu mắt mẹ lưng tròng lệ xa”.

Cả cha mẹ ruột và cha mẹ chồng đều thương cảm ngập tràn, nhưng họ không thể không đồng tình với ý chí của Đặng Nguyệt Anh.

Cuối năm 1968, Đặng Nguyệt Anh từ giã con sông Ninh ôm ấp bao nhiêu êm đềm tuổi thơ để lên đường. Không ai tin một cô giáo trẻ nhỏ nhắn và mỏng manh như Đặng Nguyệt Anh lại có thể vượt Trường Sơn bom đạn để tìm chồng. Vậy mà sự thật ấy đã xảy ra, như một câu chuyện cổ tích. Và chính sự hiện diện của người vợ yếu đuối nhưng kiên cường, đã trở thành liều thuốc bổ để nhà giáo Phạm Thanh Liêm nhanh chóng bình phục. Hai vợ chồng cùng được bố trí công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Sau chuỗi ngày dằng dặc cách ngăn, họ lại ở bên nhau san sẻ đắng cay ngọt bùi, mà nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh ghi lại thành những dòng lục bát rưng rưng: “Mẹ ru anh ngủ ngày xưa/ Em ru anh thức nắng mưa trọn đời/ Mẹ ru yên ấm biển trời/ Ru anh em biết chọn lời nào đâu/ Ru cùng biển rộng sông sâu/ Con chim về tổ, con tàu về ga/ Ru cùng trời đất bao la/ Hồn mê lộ biết lối mà tìm không”.

Sang năm 1974, hạnh phúc của họ được nhân lên khi con gái đầu lòng Ngọc Anh ra đời dưới tán lá trung quân rợp bóng chở che những người kháng chiến. Nữ sĩ Đặng Nguyệt Ánh viết về phút giây diệu kỳ và nhân ái ấy: “Chọn một bình minh mùa hạ, con ra đời/ Sáng nay tiếng chim rừng ríu rít/ Nắng chan hoà mặt đất/ Trời xanh hơn mọi ngày/ Bố con mừng cuống quít/ Mọi người trong cứ đều vui/ Từ nay lại được nghe tiếng trẻ khóc cười…/ Các bác thương con dặm lại mái nhà dột/ Các bác thương con dành dụm từng viên thuốc/ Mấy cô thương con cho nắm rau rừng/ Mấy chú thương con xách từng xô nước/ Mọi người thương con chia nhau bế bồng…”.

Đất nước thống nhất, vợ chồng họ cùng ở lại TPHCM. Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh dạy Văn tại Trường trung học Lê Quý Đôn, còn nhà giáo Phạm Thanh Liêm gắn bó với Trường quản lý cán bộ giáo dục. Thêm hai đứa con nữa sinh ra giữa hoà bình vun đắp ngọn lửa yêu thương cho gia đình họ.

12-15-14_vc-dng-nguyet-n-ky-niem-50-nm
Chụp lại ảnh cưới sau 50 năm chồng vợ!

Nhà giáo Phạm Thanh Liêm với đặc thù nghề nghiệp, luôn đứng khiêm tốn phía sau một người vợ làm thơ nổi tiếng.

Nửa thế kỷ có nhau, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh và nhà giáo Phạm Thanh Liêm có được một đám cưới vàng giữa vòng tay con cháu và bạn bè. Mối tình của họ còn được làm chứng bởi những câu thơ đắm đuối của nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh: “Anh và em lẫn vào nhau/ Lẫn vào nhau tự lúc nào không hay/ Như trời xanh lẫn trong mây/ Như nước trong đất, như cây trong rừng/ Như sông hoà biển mênh mông/ Như ngàn gió lẫn vào trong đất trời/ Như lời ru quyện vành môi/ Như bao la sóng suốt đời biển xanh/ Lẫn vào nhau nữa đi anh/ Cái tên riêng đã hoá thành tên chung”.

(Kiến thức gia đình số 4)

Xem thêm
Mãn nhãn với ‘Huyền sử Yết Kiêu’ phục vụ Tết Nguyên đán

TP.HCM Vở múa rối nước ‘Huyền sử Yết Kiêu’ vừa được Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tổ chức phúc khảo tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nhằm chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.