| Hotline: 0983.970.780

Đồng Tháp ưu tiên đầu tư thủy lợi

Thứ Năm 30/11/2023 , 09:14 (GMT+7)

Vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều dự án thủy lợi phòng chống hạn trong mùa khô, đồng thời áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng Tháp áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đông xuân nhằm rút ngắn thời gian gieo sạ, đồng thời triển khai các giải pháp công trình phòng chống hạn trong mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đông xuân nhằm rút ngắn thời gian gieo sạ, đồng thời triển khai các giải pháp công trình phòng chống hạn trong mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuống giống sớm vụ lúa đông xuân

Đầu tháng 11, nhiều nơi ở ĐBSCL vẫn có mưa song theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thì mùa mưa sẽ kết thúc sớm kèm theo đó là hạn, mặn xuất hiện vào tháng 12, sớm hơn trung bình nhiều năm 1 tháng. Hiện các địa phương đang khẩn trương ứng phó không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn…

Mấy ngày nay, vợ chồng ông Lê Văn Liền, ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã vệ sinh xong 2,5ha ruộng và sẵn sàng gieo sạ lúa đông xuân 2023-2024 khi nước lũ bắt đầu rút. Ông Liền nói, năm nay lúa được giá cao, trong đó vụ thu đông vừa rồi bà con bán lúa từ 8.200 – 8.500 đồng/kg, cao kỷ lục nên nhà nào cũng phấn khởi, đời sống người nông dân được cải thiện khiến bộ mặt làng quê cũng khởi sắc hòa chung vào khí thế hừng hực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Lúa được giá và dễ tiêu thụ do đó nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười ai nấy đều quan tâm ở khâu đầu tư cho vụ lúa đông xuân quan trọng nhất trong năm, như giống, phân bón, thuốc BVTV và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong canh tác nhằm giảm chi phí mà giúp nông dân gia tăng lợi nhuận. Vì vậy, khi nghe chính quyền địa phương thông báo vụ đông xuân 2023-2024 sẽ xuống giống sớm vào giữa tháng 11 nhằm né rầy, hạn và đồng thời ngành chức năng cho tiến hành xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng mới và song song đó còn gia cố nạo vét các kênh, mương giúp nông dân lấy nước ra vào đồng ruộng thuận lợi hơn.

“Còn những tháng sau Tết (mùa nắng hạn), các cống đập thủy lợi lại phát huy thế mạnh của nó là trữ nước phục vụ sản xuất nên bà con nông dân ở địa phương đều rất phấn khởi", ông Liền bộc bạch.

Vụ lúa thu đông năm 2023 vừa thu hoạch xong, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo bà con ứng dụng chế phẩm vi sinh Trichoderma phun trên rơm rạ sau thu hoạch nhằm đẩy nhanh quá trình phân hủy, hạn chế ngộ độc hữu cơ và trả lại dinh dưỡng cho đất để phục vụ cho vụ lúa đông xuân. 

Năm nay lũ về ĐBSCL tuy không nhiều so với các năm trước, nên rất thuận lợi cho nhiều nông dân xuống giống sớm vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 từ nửa tháng đến 1 tháng, đa số là những cánh đồng có đê bao thủy lợi vững chắc, tại một số cánh đồng đã xả lũ từ sớm và tranh thủ bơm nước ra để xuống giống. Hầu hết những diện tích lúa sạ sớm đều được bà con nông dân sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, giống có thời gian sinh tưởng từ 90 - 105 ngày, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ. Đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười, bà con sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình khá, còn đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu bà con sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí gần 1.200 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí gần 1.200 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Vụ đông xuân 2023-2024 toàn tỉnh sẽ sản xuất 190.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 1,4 triệu tấn. Do địa hình của Đồng Tháp có nhiều tiểu vùng khác nhau (như ngập lũ không sâu, ngập lũ sâu hay nước rút chậm…) nên việc sản xuất được tính toán hợp lý vừa để né hạn đầu năm, vừa né rầy nâu nhưng phải mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Cụ thể, tỉnh sẽ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất nhằm rút ngắn thời gian gieo sạ, đồng thời triển khai các giải pháp công trình thủy lợi phòng chống hạn trong mùa khô, phục vụ đồng thời cả sản xuất nông nghiệp lẫn dân sinh trong mùa khô cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Năm nay lũ về ĐBSCL không nhiều so với các năm trước nên rất thuận lợi cho nông dân xuống giống sớm vụ lúa đông xuân 2023 – 2024. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm nay lũ về ĐBSCL không nhiều so với các năm trước nên rất thuận lợi cho nông dân xuống giống sớm vụ lúa đông xuân 2023 – 2024. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đưa chúng tôi ra cánh đồng lúa khoảng 1.000 ha, ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò cho hay, những năm qua HTX tích cực đầu tư máy móc, trạm bơm thủy lợi nội đồng trong khu vực HTX quản lý…

Do đó, giữa tháng 11/2023, HTX bơm nước toàn bộ cánh đồng và tiến hành xuống giống đồng loạt trong vòng 3-4 ngày là xong hết. Ngoài việc, chủ động sản xuất sớm để tránh hạn hán cuối năm và đầu năm sau có thể ảnh hưởng đến việc canh tác lúa. Chính vì vậy hầu hết bà con nông dân xã viên đều chọn giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra thuận lợi vào cuối vụ. Bên cạnh đó HTX cũng chủ động thích ứng với diễn biến bất thường của thời tiết để có thể đảm bảo cho nông dân trúng mùa, trúng giá. 

Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Nhằm đảm bảo các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn đảm bảo cho người làm lúa "chắc ăn", UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí gần 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Chương trình nhằm từng bước ứng dụng khoa học- công nghệ vào hệ thống thủy lợi đúng theo định hướng của Chính phủ, kết hợp các biện pháp canh tác tiên tiến để chuyển đổi, phát triển nông nghiệp địa phương từng bước hiện đại, bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Bên cạnh đó còn đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tập trung định hình mô hình phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống tưới tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện tưới và hiện trạng thủy lợi của địa phương nhằm giảm thiểu tổn thất nước, giảm diện tích đất, phải có yếu tố kết nối, đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời đầu tư đồng bộ từ công trình đầu mối đến công trình nội đồng, khép kín hệ thống thủy lợi và kết nối với các dự án đang triển khai để phát huy hiệu quả tối đa từng dự án, công trình.

Với diện tích canh tác 1.000 ha lúa,  HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tích cực đầu tư máy móc, trạm bơm thủy lợi nội đồng đảm bảo lúa luôn đạt năng suất cao. Ảnh: L.H.Vũ.

Với diện tích canh tác 1.000 ha lúa,  HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tích cực đầu tư máy móc, trạm bơm thủy lợi nội đồng đảm bảo lúa luôn đạt năng suất cao. Ảnh: L.H.Vũ.

Hiện danh mục các dự án được tỉnh Đồng Tháp ưu tiên đầu tư trước là 13 công trình mô hình thủy lợi điểm đang thực hiện, chuyển tiếp và hoàn thành trong giai đoạn năm 2022.

Thứ hai là công trình trạm bơm nội đồng của Dự án ICRSL (WB9) và 12 trạm bơm nội đồng Dự án VnSAT đang thực hiện năm 2020 chuyển tiếp sang các năm tiếp theo và hệ thống nội đồng phía sau các trạm bơm sẽ hoàn thành trong cuối năm 2023 đưa vào sử dụng. 

Thứ ba là toàn bộ hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng còn lại do các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT lựa chọn danh mục, lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định Luật Đầu tư công. Sau khi dự án đầu tư xây dựng và hồ sơ, thủ tục triển khai thi công được cấp thẩm quyền phê duyệt, các địa phương chủ động tổ chức triển khai thi công, thanh quyết toán trong phạm vi nguồn vốn bố trí cho từng địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

“Trong giai đoạn 2021 - 2025 Đồng Tháp phải có từ 15 - 20% diện tích canh tác lúa, cây ăn trái, rau màu, cây trồng cạn được đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại, thông minh theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” có kết hợp biện pháp canh tác tiên tiến. Hoàn thành 100% các nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Trung ương, gồm: Tuyên truyền hiệu quả trong hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, nông dân về an ninh nguồn nước, tiết kiệm nước và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và phải trả tiền theo quy định pháp luật. Đồng thời củng cố, tăng cường năng lực cho HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp thủy nông và bộ máy quản lý khai thác công trình thủy lợi ngày càng hiệu quả hơn”, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.