Nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Trung tâm Nghiên cứu CGIAR đã tìm ra các gen giúp làm tối thiểu chỉ số đường huyết (CSĐH) của lúa gạo. Phát hiện khoa học này mang tính đột phá, giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có CSĐH thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo.
IRRI phân loại mức CSĐH dưới 45 là cực thấp, 46-55 là thấp, 56-69 là trung bình và cao là 70 trở lên. Dòng lúa cực thấp được phát hiện mới nhất có CSĐH 44.
Bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, có 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng 47% vào năm 2047. Nhiều giống lúa trồng hiện nay tuy có chất lượng tốt, nhưng chỉ số CSĐH dao động từ 70 - 92, không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.
Năm 2019, IRRI đã tìm thấy các dấu hiệu đặc chủng giống lúa, có ý nghĩa rất lớn để phân biệt CSĐH trung bình và CSĐH cao. Đây chính là bước đột phá trong khoa học nhằm phát triển các giống lúa năng suất cao, CSĐH thấp.
“Với nghiên cứu này, chúng tôi nỗ lực đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các quốc gia để đẩy nhanh việc khai thác các giống lúa CSĐH thấp và cực thấp”, Tổng giám đốc IRRI Ajay Kohli nói.
Tiến sĩ Nese Sreenivasulu, Trưởng bộ phận Người tiêu dùng của IRRI cho biết: “Phát hiện mới nhất của IRRI mở ra cơ hội phát triển các giống lúa có CSĐH cực thấp, đáp ứng nhu cầu sức khỏe và sở thích ăn uống của người tiêu dùng”.
Là người đứng đầu dự án nghiên cứu, ông kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức quốc tế. Phương pháp nghiên cứu cũng có thể chuyển đổi các giống lúa có CSĐH thấp và cực thấp thành các giống lúa thông thường.
Lô mẫu gạo đầu tiên có CSĐH cực thấp, được phát triển từ giống Samba Mahsuri x IR36ae, đã chính thức được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế lần thứ 6 - IRC 2023.
"Nghiên cứu này đặt nền móng cho những bước tiến lớn, vững chắc hơn của ngành lúa gạo Philippines nói riêng và thế giới nói chung. Tôi tin rằng, những thành tựu khoa học được trình bày tại IRC 2023 sẽ sớm trở thành hiện thực", ông Ferdinand nói.
Chia sẻ ngắn gọn về tình hình ngành lúa gạo Philippines, Tổng thống cho biết, quốc gia này đang phải đối mặt với vấn đề về thị trường gạo toàn cầu biến động, thiên tai, lũ lụt. Bên cạnh đó, các hoạt động tội phạm như buôn lậu, tích trữ, nhập khẩu trái phép cũng tác động xấu đến thị trường trong nước.
Để vượt qua những thách thức trên, ngoài tập trung đầu tư vào nghiên cứu khoa học, máy móc, Philippines còn hỗ trợ tài chính cho nông dân thông qua Chương trình Lúa gạo Quốc gia và Quỹ Tăng cường Cạnh tranh Lúa gạo. Bên cạnh đó, hợp tác với các tổ chức quốc tế như IRRI và nước khác không chỉ đảm bảo nguồn cung gạo ổn định, mà còn tăng cường nghiên cứu công nghệ, hoạch định chiến lược quốc gia.
Ngoài ra, Philippines đang chuẩn bị kế hoạch để ngành lúa gạo có thể ứng phó với El Nino. Cơ quan an ninh trong nước cũng chú trọng truy lùng tội phạm có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp nói trên.
"Chúng tôi sẽ kiên định trước những biến động toàn cầu, tiếp tục nỗ lực đổi mới ngành nông nghiệp thông qua đối thoại cởi mở với nông dân, chuyên gia nông nghiệp. Tôi mong rằng, các ý kiến tham vấn tại IRC 2023 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu”, Tổng thống nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp Philippines đang tiếp tục nghiên cứu nhằm nhân rộng, hiện thực hóa bước đột phá khoa học này. Trong tương lai gần, Bộ mong muốn có thể sản xuất các giống lúa Philippines có CSĐH thấp với kỳ vọng được thị trường ưa chuộng.