Bởi lẽ việc xây dựng trạm bơm trong đó có móng để lắp đặt máy bơm bắt buộc phải thống nhất với thiết bị bơm. Và nếu việc chỉ định gói thầu này thành công thì ngân sách nhà nước có nguy cơ thất thoát cả trăm tỉ đồng vì dự toán hai gói thầu bị đẩy lên tới 180 tỉ đồng...
Chia thầu để cài thầu?
Như Báo NNVN đã thông tin, sau khi nâng đường Kinh Dương Vương cao hơn nhà dân tới 0,5m làm ảnh hưởng tới cuộc sống của 500 hộ dân trong khu vực, Sở GT-VT TP.HCM đã phải triển khai thêm Dự án xây dựng trạm bơm chống ngập tại rạch Bà Tiếng. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án này, Sở GT-VT đã tách gói thầu xây trạm bơm thành hai gồm: gói thầu xây lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng và Cải tạo nút giao vòng xoay An Lạc (gói thầu xây lắp 4) và gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị trạm bơm.
Khi còn chưa biết sẽ sử dụng thiết bị máy bơm của hãng nào, Sở GT-VT đã cho triển khai thi công xây trạm bơm |
Có thể khẳng định việc chia tách hai gói thầu nói trên là không phù hợp với tính chất kĩ thuật, tính đồng bộ và hợp lý của dự án. Bởi lẽ, khi triển khai thi công phần móng làm trước, sau đó mới mua sắm thiết bị máy bơm thì có nguy cơ xảy ra hệ thống móng và thiết bị không đồng bộ. Còn nếu bên mời thầu đã quyết định sử dụng thiết kế xây dựng trạm bơm để lắp đặt bơm do một hãng sản xuất nào thì tức là đã hạn chế sự tham gia của các hãng máy bơm khác, tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó.
Trên thực tế, gói thầu xây lắp 4 được ông Nguyễn Văn Tám, Phó GĐ Sở GT-VT kí phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng từ 8/6/2018. Hiện đã có đơn vị trúng thầu là Cty CP Công trình giao thông Sài Gòn, giá trúng thầu là 111,7 tỉ đồng, nhà thầu đã và đang trong quá trình thi công. Nhưng gói thầu thiết bị lại vẫn chưa tổ chức đấu thầu xong, chưa biết nhà thầu nào sẽ trúng thầu và sử dụng máy bơm của hãng nào, liệu có phù hợp hay không? Quy trình ngược này khiến các nhà thầu tham gia không khỏi nghi ngờ đã có sự bàn bạc với nhau về chủng loại, thiết bị, kích thước thiết bị bơm… Vì với cách phân chia gói thầu như QĐ175/ SGTVT thì khó có thể có nhà thầu nào trúng thầu ngoại trừ nhà thầu do Trung tâm điều hành chống ngập và Sở GT-VT đã ngầm chọn từ trước?!
Nâng giá dự toán?
Đánh giá dự án xây dựng trạm bơm rạch Bà Tiếng, các nhà thầu nhận định có hai điểm nổi bật là: Công nghệ lạc hậu và dự toán quá cao. Loại bơm chủ đầu tư phê duyệt là loại bơm tưới tiêu cho nông nghiệp không phù hợp dùng trong chống ngập ở các đô thị vì bơm phải làm việc ở môi trường có độ nhớt cao, tỉ lệ tạp chất nhiều. Loại bơm này tiêu tốn nhiều điện năng, hiệu suất kém và phải có bơm mồi liên tục, lại hay bị e bơm. Nhất là khi bị ngập, cần bơm thật nhanh mà bơm lại bị e thì không thể đạt yêu cầu. Nhưng với loại bơm công nghệ lạc hậu này mà Sở GT-VT TP.HCM vẫn phê duyệt dự toán thiết bị lên tới 66 tỉ đồng. Thực tế báo giá bơm này trên thị trường tính cộng cả thuế, chi phí vận chuyển, lắp đặt chưa tới 2 tỉ đồng/bơm. Nếu đấu thầu cạnh tranh các doanh nghiệp có thể bỏ thầu ở mức chỉ nhỉnh hơn 20 tỉ đồng.
Đặc biệt, việc lựa chọn bơm trục ngang còn đi kèm với chi phí xây dựng tốn kém gấp 3 lần so với các chủng loại bơm trục đứng, bơm lùa… Ví dụ, chủ đầu tư đã phê duyệt 112 tỉ phần xây lắp trong gói thầu 4. Nếu sử dụng loại bơm khác chi phí phần xây lắp chỉ mất tối đa 35 tỉ đồng. Tính tổng dự toán cả xây lắp và thiết bị cho chủng loại bơm khác cùng công suất 48.000 m3/h, cột áp 2,7 đến 5,5m và tính năng nổi trội hơn cũng chỉ chi phí hết 55 tỉ, khi đó có thể tiết kiệm cho thành phố trên 100 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhìn vào gói thầu xây lắp 4 có thể thấy giá dự toán gói thầu này do ông Tám, PGĐ Sở GT-VT phê duyệt là 112 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu là 111,7 tỉ đồng. Chênh lệch chỉ 300 triệu đồng. Như vậy, khả năng đơn vị trúng thầu gói thầu thiết bị sát giá dự toán là rất có thể xảy ra vì Sở GTVT và Trung tâm điều hành chống ngập đang bị tố có dấu hiệu chia thầu để “cài” thầu.
Rõ ràng việc Sở GT-VT xây dựng dự toán quá cao so với thực tế mà các doanh nghiệp trúng thầu sát với giá dự toán sẽ gây thất thoát ngân sách. Ở đây chúng ta tạm chưa bàn đến dòng tiền thất thoát sẽ chảy đi đâu vì đó là phần việc của cơ quan điều tra.
Trung tâm chống ngập đề xuất UBND TP.HCM cho phép bổ sung thêm một trạm bơm công suất 42.000m3 và đã được thành phố chấp thuận tại Thông báo số 565/TB-VP ngày 9/9/2016. Vậy nhưng khi thực hiện, Sở GT-VT không chỉ chia gói thầu, mà còn điều chỉnh công suất trạm bơm lên 48.000m3, từ đó tăng giá gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị từ 55 tỉ đồng lên trên 66 tỉ đồng. |