Dự án đường Vành đai 4 chính thức khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 6 năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Chi phí dự kiến cho Dự án là 65 nghìn tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), trong đó riêng tại Hà Nội có chiều dài khoảng 57km, đi qua các địa phương gồm huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và Thường Tín.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, tính đến cuối tháng 10/2024, Dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành Dự án đường Vành đai 4 Hà Nội đã đạt sản lượng khoảng 36,86%.
Ghi nhận của phóng viên, tại gói thầu số 8 đoạn qua huyện Mê Linh, nhà thầu hiện huy động nhiều công nhân, máy móc thi công các hạng mục gia cố nền đường, một phần cầu vượt đường sắt tại địa phận xã Kim Hoa đã thi công xong phần trụ. Nhiều đoạn tuyến qua địa phận huyện Mê Linh đã được thảm nhựa tạo nên diện mạo "mới" cho khu vực. Trên công trường, nhiều máy móc, công nhân, kỹ sư được huy động thi công các hạng mục của dự án, công trường gần như không có thời điểm im tiếng máy.
Gói thầu số 9 (Dự án thành phần 2.1, xây dựng đường song hành Vành đai 4 Hà Nội) do nhà thầu Vinaconex thi công. Tổng chiều dài tuyến khoảng 21km, qua 2 huyện Hoài Đức và Đan Phượng. Sau 15 tháng thi công, đã cơ bản hoàn thành hạng mục nền đường ở những khu vực đã có mặt bằng. Trong đó, nhiều đoạn tuyến đã rõ hình hài và đang được thảm nhựa mặt đường.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng gói thầu số 9 cho biết, sau 15 tháng từ ngày khởi công, đoạn tuyến do nhà thầu đảm nhiệm đã đạt gần 40% sản lượng. Trên công trường, khoảng 200 đầu máy móc, 300 công nhân đang làm việc với tổng số 18 mũi thi công ngày đêm, đẩy nhanh tiến độ dự án.
"Đến nay, tiến độ thi công vẫn đảm bảo theo kế hoạch. Nhà thầu phấn đấu hoàn thành những đoạn tuyến đã có mặt bằng trong năm 2025", ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, tại dự án hiện còn nhiều điểm ngắt quãng, chưa được bàn giao mặt bằng với chiều dài khoảng 4,38km. Đơn cử, tại gói thầu số 9, trên địa bàn Hoài Đức còn 10 điểm và 2 điểm tại Đan Phượng bị vướng mắc khâu mặt bằng. Các công trình tồn tại thuộc diện giải phóng mặt bằng chủ yếu là khu dân cư, nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi.
Tương tự tại các gói thầu thi công qua các địa phận Mê Linh, Thanh Oai, Hà Đông, Thường Tín cũng đang gặp khó khăn trong khâu mặt bằng tại một số khu vực. Điều này tới từ các nguyên nhân khách quan như vướng mắc khi áp dụng Luật Đất đai năm 2024, xác định nguồn gốc đất hay sự đồng thuận của người dân,...
Về tiến độ dự án đường song hành Vành đai 4 qua Hà Nội dài 57km, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, 4 gói thầu xây lắp đã được các nhà thầu đồng loạt triển khai trên phần diện tích mặt bằng đã bàn giao với 32 mũi thi công (23 mũi đường, 9 mũi cầu).
Để có thể hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 trong năm 2025, Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, công tác giải phóng mặt bằng phải được các địa phương hoàn thành toàn bộ trong năm 2024.
Hiện nay, những khu vực đã được bàn giao mặt bằng, 4 gói thầu xây lắp đang được các nhà thầu đồng loạt triển khai với 32 mũi thi công. Nhiều máy móc, công nhân, kỹ sư được huy động thi công liên tục để đảm bảo tiến độ bám sát theo kế hoạch. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, đang tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc, phấn đấu hoàn thành di chuyển hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi trong quý IV/2024, hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng đoạn qua Hà Nội trong năm 2024.