Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, nói tới Tây Ninh, ai cũng biết tới hồ Dầu Tiếng, hồ thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á với 27.000ha mặt nước, dung tích trữ 1,6 tỉ mét khối nước. Hồ Dầu Tiếng không chỉ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt ở Tây Ninh mà còn cung cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt cho nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM.
Bên cạnh hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh còn có các hồ thủy lợi lớn như: Tha La, Nước Trong 1 và Nước Trong 2. Với những hệ thống thủy lợi này, Tây Ninh đã giải quyết cơ bản về nhu cầu tưới cho sản xuất nông nghiệp ở các huyện Tân Biên, Tân Châu hay cánh phía Đông của huyện Châu Thành và xuống tới Trảng Bàng.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, hiện vẫn còn khoảng 30% diện tích đất nông nghiệp mà các hệ thống thủy lợi chưa thể tiếp cận được. Nguyên nhân là do sự chênh lệch về độ cao nên chưa thể xây dựng các hệ thống thủy lợi tự chảy, hay bị ngăn cách bởi các sông, suối tự nhiên như sông Vàm Cỏ Đông.
Một trong những khu vực chưa tiếp cận được các hệ thống thủy lợi do bị ngăn cách bởi sông, suối tự nhiên là khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc các huyện Châu Thành và Bến Cầu. Khu vực này bị sông Vàm Cỏ Đông ngăn cách với các hệ thống kênh thủy lợi dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng.
Để cung cấp nước sản xuất cho phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, phải có công trình đưa nước từ hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông. Trước đây, việc thực hiện một công trình như vậy gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nên tỉnh Tây Ninh chưa thể làm được.
Đến năm 2018, với những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật cùng sự đầu tư mạnh mẽ từ Bộ NN-PTNT, tỉnh Tây Ninh đã khởi công Dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, tổng kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng. Đây là một khoản đầu tư rất lớn cho một công trình thủy lợi.
Từ nguồn vốn trung ương và vốn đối ứng của địa phương, đến nay, Tây Ninh đã xây dựng được hơn 110km kênh chính nối từ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng sang bên kia sông Vàm Cỏ Đông, đi xuống tới Trảng Bàng. Với hệ thống kênh này, sẽ có thêm 17.000ha đất nông nghiệp ở tỉnh Tây Ninh được tưới bằng nước hồ Dầu Tiếng.
Ông Xuân cho biết, hệ thống kênh chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông, ngoài đáp ứng nguồn nước tưới cho 17.000ha đất nông nghiệp ở các huyện Châu Thành và Bến Cầu, còn tạo tiền đề chuẩn bị cho giai đoạn 3 của Dự án là đưa nước đến khu kinh tế Mộc Bài. Địa điểm này dự kiến sẽ trở thành một khu kinh tế, công nghiệp, đô thị rất lớn của tỉnh Tây Ninh trong tương lai. Khi hình thành khu kinh tế này, nhu cầu nước cho đô thị, công nghiệp… là rất lớn. Và khi ấy, hệ thống kênh của Dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông sẽ phải nối dài để chia sẻ nguồn nước cho việc phát triển đô thị, công nghiệp.
Như vậy, có thể nói rằng, Dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh sẽ giải quyết được nhiều yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, từ phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, cấp nước sinh hoạt cho người dân, cung cấp nước cho đô thị, cho các hoạt động kinh doanh và kể cả cho khu công nghiệp. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công trình thủy lợi đa mục tiêu này.