| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi đổi thay diện mạo nông thôn Tây Ninh: Phước Ninh chuyển mình

Thứ Bảy 09/12/2023 , 08:50 (GMT+7)

Tây Ninh Nằm sát bên hồ Dầu Tiếng, theo dòng chảy kênh chính Đông, Phước Ninh là xã hưởng lợi nhiều nhất từ công trình này. Nhờ có nước, đời sống bà con ngày càng khấm khá.

Từ đỉnh núi Bà Đen nhìn xuống xã Phước Ninh là những cánh đồng lúa tốt tươi, cánh đồng sắn (mì) bao la, lô cao su thẳng tắp xen kẽ những ao nuôi trồng thủy sản dày đặc tô điểm thêm bức tranh nông nghiệp trù phú của một địa phương trong quá khứ từng bị tàn phá bởi chiến tranh và được phong tặng xã anh hùng.

Cánh đồng lúa ấp Phước Lễ cạnh dòng kênh thủy lợi nội đồng. Ảnh: Trần Trung.

Cánh đồng lúa ấp Phước Lễ cạnh dòng kênh thủy lợi nội đồng. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lê Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, đặc thù thổ nhưỡng của xã chủ yếu là đất cát pha lẫn đất đen, nhiều khu vực trũng thấp ngập trong phèn đỏ. Trước khi có công trình thủy lợi, nhiều diện tích đất cằn cỗi, hoang hóa, chỉ một số ít khu vực độc canh được lúa, chỉ trồng duy nhất một vụ lúa vào mùa nước nổi. Nhưng ngày nay, cuộc sống và diện mạo nơi đây đã khác xưa.

Đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư các công trình kênh thủy lợi, đảm bảo tưới, tiêu nước cho gần 5.000 ha đất phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định cho việc rửa phèn, tạo nên những ruộng mì, lúa, vườn cây trái tốt tươi; ao nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, phục vụ dân sinh ổn định cuộc sống.

Người dân Phước Ninh chuyển mình nhờ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Người dân Phước Ninh chuyển mình nhờ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi thủy sản của ông Nguyễn Văn Tưng ở ấp Phước An. Gia đình ông từng là một trong những hộ nghèo của địa phương, nhờ vào nguồn nước sạch từ thủy lợi, ông mạnh dạn đầu tư nuôi ba ba và cá lóc. Hiện kinh tế của gia đình ông đã khá giả và không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, con giống cho người dân trong khu vực.

Cách đó không xa là cánh đồng lúa rộng hàng trăm ha tại ấp Phước Lễ, chỉ cách vùng dự án kênh tiêu Phước Ninh - Phước Minh mà tỉnh Tây Ninh vừa đầu tư để chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 400m. Nhờ có tuyến kênh tiêu, toàn bộ diện tích lúa tránh được việc ngập úng, nông dân rất phấn khởi. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hệ thống kênh tiêu trong canh tác nông nghiệp.

Chị Lan phấn khởi bên cánh đồng ngô sau vụ lúa bội thu. Ảnh: Trần Trung.

Chị Lan phấn khởi bên cánh đồng ngô sau vụ lúa bội thu. Ảnh: Trần Trung.

Chị Nguyễn Thị Lan ngụ ấp Phước Lễ cho biết, gia đình chị đến lập nghiệp tại vùng đất này được hơn 20 năm, trước đây, việc sản xuất lúa nước gặp khá nhiều khó khăn. Do địa hình phức tạp nên rất khó dẫn nước vào từng thửa ruộng để làm đất trước khi gieo sạ hoặc tiêu thoát nước khi có mưa lũ dài ngày. Nhiều người phải thức đêm hôm, luân phiên chờ chực, mất nhiều thời gian, công sức mới dẫn nước về ruộng để cày bừa.

Hiện kênh được nâng cấp, nhờ có nước, ngoài trồng lúa chị còn luân canh ngô và sắn, như vụ này chị đang xuống 1 ha ngô, dự kiến năng suất đạt hơn 50 tấn, đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình.

Chủ tịch UBND xã Phước Minh Lê Minh Phương cho biết thêm, theo thiết kế ban đầu của hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, hệ thống kênh tiêu với nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực trồng lúa. Những năm gần đây, cây lúa không còn phù hợp, địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao hơn, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản.

Diện mạo nông thôn xã Phước Ninh đổi thay từng ngày. Ảnh: Trần Trung.

Diện mạo nông thôn xã Phước Ninh đổi thay từng ngày. Ảnh: Trần Trung.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa phê duyệt Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc Công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là phát triển ngành thủy sản tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh, tập trung nhằm tận dụng nguồn nước có chất lượng tốt. Sử dụng đầy đủ các mục tiêu của hồ Dầu Tiếng, tận dụng các khu vực dọc theo hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa để phát triển nuôi trồng thuỷ sản có sự đầu tư về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật. Xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm tạo thị trường ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Theo kế hoạch, huyện Dương Minh Châu sẽ phát triển một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung dọc theo tuyến kênh Đông, kênh Tây, kênh cấp 1, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đến năm 2025 là 528,4 ha. Tập trung thực hiện tại các xã Phước Minh, Phước Ninh, Lộc Ninh, Chà Là; các xã còn lại và thị trấn Dương Minh Châu giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2025.

Song song đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, cấp thoát nước phục vụ vùng nuôi ba ba, cá lóc tại các xã Phước Minh, Phước Ninh; vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại xã Lộc Ninh, Chà Là. Phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng được khoảng 70% - 80% nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn huyện.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.