| Hotline: 0983.970.780

Dự báo tình hình rầy nâu vụ hè thu 2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy 24/02/2024 , 08:11 (GMT+7)

Với tình hình dịch hại trên lúa trong nhiều năm qua, rầy nâu được các chuyên gia IRRI liệt vào danh mục là dịch hại thứ yếu, gây mất mùa trên diện rộng...

Rầy nâu, ngoài việc gây hại trực tiếp cho cây lúa (gây cháy rầy), chúng còn là môi giới truyền các bệnh siêu vi khuẩn như bệnh lùn xoắn lá (Rice Ragged Stunt Virus), bệnh lùn lúa cỏ (Rice Grassy Stunt Virus) và bệnh vàng lùn (Rice Yellowing Syndrome Virus).

Khi rầy nâu chích hút để lấy sáp nhựa trên lúa thường chất nầy chiếm khoảng 10-12% trọng lượng chất khô, với áp lực thẩm thấu khoảng 1,2-1,8 Mpa, chất sáp nhựa này có tính kiềm (pH 8,0-8,5). Những chất hòa tan hữu cơ chính là chất đường không khử, các amine và acid hữu cơ.

Chất đường không khử thường ở mức cao nhất (300-900 mM) trong chất hòa tan này. Đạm vận chuyển thông qua mạch “libe” như là amine và amino acids, đạm nitrate không có xuất hiện còn đạm ammonium chỉ xuất hiện các dấu vết.

Calcium, lưu formanhuỳnh (sulfur) và sắt (iron) thì cũng xuất hiện rãi rác, trong khi dinh dưỡng vô cơ khác như kali (potassium) ở mức 60-120 mM ở trong nhựa sáp.

Chính vì đạm dưới dạng là các amine và amino acid dễ tiêu, rầy nâu sống trong ruộng lúa bón nhiều đạm sẽ mập và tăng sức chống chịu thuốc thông qua chu trình “Kreb” tạo năng lượng “38ATP” nhưng quần thể rầy nâu nầy không mang tính di truyền về sức chống chịu với thuốc.

Sự chích hút của rầy nâu lên bẹ của lá lúa.

Sự chích hút của rầy nâu lên bẹ của lá lúa.

Ghi chú: ST là stylet = vòi chích hút; SCL là sclerenchyma = cương mô; P là phloem = libe' X là xylem = mạch gỗ, giọt phân “honeydew” đang thải phía dưới.

Sự liên quan giữa việc chích hút của Rầy nâu và các tiến trình hoạt động của cây lúa đến hiện tượng 'cháy rầy'.

Sự liên quan giữa việc chích hút của Rầy nâu và các tiến trình hoạt động của cây lúa đến hiện tượng "cháy rầy".

Nguyên nhân bộc phát rầy nâu có nhiều yếu tố như “dịch vụ sinh thái” bị phá hoại, chúng bộc phát thường xuyên là do thực tiễn canh tác không bền vững.

Do vậy, cần phải có một chiến lược quản lý phát triển bền vững qua việc nắm chắc được những “diễn biến của sinh thái”.

Vai trò và chức năng của từng thành phần thiên địch trong hệ sinh thái vào một thời điểm nhất định rất quan trọng, khi cần thiết phải điều chỉnh hệ sinh thái theo hướng có lợi nhằm hạn chế mật số rầy nâu không gây ra hiện tượng cháy rầy.

Qua dữ liệu thu thập từ hơn 300 bẫy đèn của các tỉnh ở phía Nam cho thấy rằng, sự di trú của rầy nâu dựa theo hướng gió/tốc độ gió, phân bố giai đoạn sinh trưởng cây trồng của mùa vụ.

Mật số rầy nâu trong bẫy đèn và mật số rầy nâu trong đồng ruộng có lúc tương quan rất chặt chẽ (ở những vùng gieo sạ sớm, gối vụ, hứng rầy) khi có nhiều thời vụ trong cùng một cánh đồng/khu vực rầy nâu tại chỗ hoặc nơi khác di trú đến và thời điểm gieo sạ hứng rầy.

Trường hợp tương quan không chặt khi thu hoạch đồng loạt rầy nâu vào đèn là rầy tại chỗ, đồng ruộng đã thu hoạch hết không còn rầy hoặc rầy nâu di trú từ nơi khác đến nhưng đồng ruộng chưa xuống giống né rầy hoặc lúa đang ở vào giai đoạn đòng - trỗ - chín, rầy không đến.

Trong quá trình di trú phần lớn rầy nâu bị chết vì chúng rất thích ánh sáng đèn. Những con rầy nâu cái còn sống sót ở bẫy đèn có khả năng đẻ với số lượng trứng rất thấp (trên dưới 20 trứng).

Nếu chúng xuống ruộng gieo sạ mới thì sau 24 giờ có khả năng bắt cặp và đẻ lại một cách bình thường. Tuy nhiên, rầy nâu trưởng thành khi di trú đến ruộng lúa mới chỉ có khả năng sống khoảng 8-12 ngày.

Theo dõi các đỉnh cao nhất của từng đợt rầy di trú mỗi tháng, liên tục từ tháng 01/2008 đến tháng 4/2011, ở các tỉnh phía Nam cho thấy: Thời điểm gieo sạ của vụ lúa này chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt rầy di trú lúc thu hoạch lúa vụ trước.

Việc tăng cường các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường và lợi dụng cân bằng tự nhiên của quần thể thiên địch - IPM, hạn chế phun thuốc trừ sâu phổ rộng (lân hữu cơ, cúc tổng hợp..) trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, để quản lý không để gia tăng mật số rầy nâu cao lúc cuối vụ của vụ trước đóng vai trò quan trọng.

Kết hợp với theo dõi bẫy đèn để gieo sạ né tránh các đỉnh rầy di trú sẽ làm giảm mức độ nhiễm, thiệt hại do rầy và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây ra ngay từ đầu vụ lúa.

Mức độ chính xác của thông tin dự báo ngắn hạn các đợt rầy di trú rộ hàng tháng trước mỗi vụ lúa trong vùng chỉ biến động ở mức sai số ± 3-5 ngày.

Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (có 3 triệu chứng khác nhau) môi giới truyền bệnh là ấu trùng lẫn thành trùng rầy nâu, còn có tác nhân gây bệnh là siêu vi khuẩn.

Các loại bệnh này thường phát sinh mạnh sau những đợt bộc phát của rầy và xuất hiện nhiều, gây hại nặng trên những giống nhiễm. Những vùng có nguồn siêu vi khuẩn gây ra bệnh thì có khoảng 40% - 70% rầy nâu là có thể mang mầm bệnh.

Sau khi rầy nâu chích hút mầm bệnh chúng có khả năng duy trì siêu vi khuẩn trong thời gian từ 3-30 ngày, trung bình là 2 tuần lễ.

Đối với cây lúa bị bệnh, sau khi rầy nâu chích hút từ 8-10 phút sẽ trở thành đối tượng mang mầm bệnh. Các loại bệnh siêu vi khuẩn này không truyền qua hạt lúa, đất, nước và không khí cũng như qua trứng cho các thế hệ về sau.

Con đường truyền bệnh siêu vi khuẩn của rầy nâu.

Con đường truyền bệnh siêu vi khuẩn của rầy nâu.

Muốn quản lý rầy nâu thì phải “Quản lý mật số” vì khi mật số càng cao khả năng mang bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá càng cao, khả năng cá thể rầy nâu miễn nhiễm và kháng thuốc càng cao.

Về quản lý tính kháng thuốc của rầy nâu các nhà khoa học thường khuyên “Đổi cơ chế tác động” nhưng nông dân chưa hiểu hết về khái niệm này. Ngay cả phun thuốc “4 Đúng” mà đối với rầy nâu thời điểm phun là lúc rầy nâu nở rộ.

Còn “Đúng cách” là phun ngay nơi rầy nâu cư ngụ và tấn công cây lúa “gốc và bẹ lúa” nhưng hiện nay khoảng 75% nông dân ĐBSCL phun bằng “Drone” khoảng cách khá xa nơi cư trú của rầy, chưa tính được hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế.

Trong vụ đông xuân 2023-2024 có khoảng 1.000ha có rầy nâu bộc phát ở một số tỉnh, đối với cả khu vực ĐBSCL có hơn 1,2 triệu ha trồng lúa có 10.000ha có rầy là ít quan trọng nhưng nếu những hộ có rầy với một số cao, phun nhiều lần thuốc rất tốn kém, còn nguy cơ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có thể lan rộng và rầy nâu di trú xa theo hướng gió Tây Nam trong vụ hè thu này.

Bà con nông dân cần hết sức thận trọng, đừng để dịch rầy và vàng lùn, lùn xoắn lá lập lại.

Xem thêm
Những cánh đồng không virus ở xứ sở ngàn hoa

Nỗi ám ảnh về các loại bệnh do virus gây ra trên các vườn hoa, cây ăn trái đã được giải quyết, mang lại những mùa vụ thắng lợi cho nông dân.

Các mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi cần được hưởng mức thuế chung 1%

Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan, đề xuất, kiến nghị áp dụng thuế suất chung 1% với mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bình luận mới nhất