| Hotline: 0983.970.780

Đưa nghề mây tre đan lên vùng cao biên giới

Thứ Tư 01/11/2023 , 22:23 (GMT+7)

Thanh Hóa Sau hơn 3 tháng được đào tạo, những người cao tuổi tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân đã có thể tự nhận hàng về nhà làm, giúp trang trải thêm cuộc sống.

Cuộc sống của gia đình bà Thắm bớt khó khăn từ khi bà được đào tạo nghề đan lát lúc nông nhàn. Ảnh: Phạm Huy.

Cuộc sống của gia đình bà Thắm bớt khó khăn từ khi bà được đào tạo nghề đan lát lúc nông nhàn. Ảnh: Phạm Huy.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa đã đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng thêm 10%, từ 39 triệu đồng năm 2021 lên dự kiến 43 triệu đồng vào năm nay.

Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều và chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục giảm. Thống kê năm 2021 là 25,35%; đến năm 2022 còn 21,36%. Một số đề án được triển khai, cho kết quả khả quan như tái định cư tập trung khu vực Băng Lươm, xã Yên Nhân.

Hòa niềm vui chung, bà Đinh Thị Thắm, trú tại xã Yên Nhân cho biết, cuộc sống gia đình hiện ổn định. Không những vậy, bà còn được UBND xã tạo điều kiện, cho theo học lớp mây tre đan theo chương trình đào tạo nghề của huyện Thường Xuân.

Bắt đầu từ khoảng tháng 6/2023, hơn 30 người cao tuổi như bà Thắm được chỉ dạy từng kỹ thuật trong quy trình làm thủ công mỹ nghệ. Nhờ được UBND huyện Thường Xuân tạo điều kiện, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, bà Thắm cùng các học viên hầu hết đều đã vững tay nghề sau hơn 3 tháng. Hiện bà đã có thể nhận các đơn đặt hàng từ huyện chuyển về.

Phấn khởi khoe chiếc giỏ lớn, có thể dùng để đựng quần áo, bà Thắm bảo: "Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của tôi". Việc đan lát còn đặc biệt phù hợp, vì bà có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi, hoặc lúc nông nhàn để gia tăng thu nhập.

Tính trung bình, mỗi ngày bà kiếm thêm khoảng 30.000 - 40.000 đồng. Số tiền không lớn với người dân sinh sống ở các đô thị, nhưng với người dân tại huyện miền núi phía tây của tỉnh Thanh Hóa, như thế đã là quý lắm. Với số tiền kiếm thêm, bữa cơm hàng ngày của nhà bà Thắm đã có thêm một món mặn. Nếu tiết kiệm, bà có thể sắm cho đứa cháu đích tôn một tấm áo mới vào cuối tháng. 

Sau 3 tháng theo học, các học viên đã có thể nhận đơn hàng về nhà và kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Phạm Huy.

Sau 3 tháng theo học, các học viên đã có thể nhận đơn hàng về nhà và kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Phạm Huy.

Niềm vui của người phụ nữ dân tộc Thái cũng là ao ước của đông đảo bà con miền núi, vùng sâu vùng xa. Họ ao ước có một cái nghề, vừa phụ giúp gia đình, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống và có thể tiết kiệm lúc về già.

Tuy nhiên, với tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa bắt kịp được với thị hiếu nói chung, nên các sản phẩm của bà con hầu như đều trông chờ vào chính quyền bao tiêu đầu ra. 

"Do chưa biết cách khai thác và gìn giữ nên có tình trạng nhiều sản phẩm của bà con có dấu hiệu chìm xuống. Qua thống kê, nhiều sản phẩm còn chưa có thương hiệu riêng, chỉ gắn với vùng miền. Nguồn lực chưa đủ để phát triển toàn diện, bao trùm", TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh nhìn nhận.

Dù vậy, sản phẩm từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn chứa đựng hai giá trị rất lớn, theo ông Thành. Đó là xu hướng sống xanh, sản xuất xanh và mang tính vùng miền rất rõ rệt.

Làm thế nào để sản phẩm của bà con, sau khi được đào tạo nghề và thành thạo, được tiêu thụ trên thị trường nhiều hơn cũng là nỗi trăn trở của ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Ông đánh giá, nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ bà con phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, nghề đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được xây dựng trong những năm qua.

Hầu hết, chúng đều nhận sự quan tâm rất lớn của cộng đồng người sản xuất, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như cộng đồng các doanh nghiệp.

Ông Lê Bá Ngọc nêu một số giải pháp trong việc hỗ trợ bà con quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Bá Ngọc nêu một số giải pháp trong việc hỗ trợ bà con quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Bảo Thắng.

Để định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời định vị thương hiệu cho vùng miền, cho doanh nghiệp, ông Ngọc nhấn mạnh tới việc xác định đúng nhu cầu của thị trường và có các sản phẩm phù hợp với các phân khúc trung cấp và cao cấp.

"Phải gắn truyền thống văn hóa của bà con với phát triển thương hiệu vùng miền và xây dựng thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần định vị được không gian của hàng thủ công vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", ông nhận định.

Ông Lê Bá Ngọc cũng đề xuất tăng cường hơn nữa công tác liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi sản xuất bền vững. Các cấp, các ngành, các tổ chức và chính quyền địa phương chung tay phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm một cách chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, là cần ban hành thêm những chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một cách quảng bá, theo ông Ngọc là có hiệu quả, đó là xây dựng các "tích truyện" gắn với sản phẩm. Thông qua già làng, nghệ nhân, họ có thể kể những câu chuyện, những hiểu biết để tạo nên "chiều sâu" cho sản phẩm, giúp chúng được phổ biến rộng rãi hơn trên không gian mạng.

Địa bàn rộng, sông suối chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thiên tai thường xảy ra... là những khó khăn được ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân nêu khi triển khai Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, số lượng các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg tương đối nhiều. Việc này gây ảnh hưởng tới chế độ, chính sách cho học sinh, bảo hiểm y tế, cán bộ, công chức, buộc UBND huyện Thường Xuân phải có những điều chỉnh kịp thời, theo sát thực tế.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất