Chiều 11/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết việc những người mặc áo blue trắng xưng danh bác sĩ bệnh viện thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng có phù hợp theo quy định hay không? Và nếu sai sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay, quảng cáo liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm đã có đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan tới nội dung này.
Và trong Luật Quảng cáo hiện nay đang sửa đổi cũng như các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện đã quy định rất rõ việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, của các cơ sở y tế để quảng cáo là không được phép. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rất rõ các mức độ liên quan tới xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Do đó, Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng này các hình ảnh này là sai quy định. Bộ Y tế đã có văn bản gửi tới tất cả các Sở Y tế cũng như các cơ sở y tế trên toàn quốc để nhắc nhở và đề nghị mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định.
Trong khi đó, đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ về thực trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng được quảng cáo, bày bán tràn lan trên thị trường.
"Bộ Y tế đã có những kế hoạch gì để phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng hệ thống giám sát toàn diện từ khâu sản xuất đến khâu phân phối nhằm đảm bảo chất lượng và ngăn chặn các vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?", đại biểu Quân nêu chất vấn.
Chung vấn đề, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, thực trạng về thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên thị trường với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí có chứa chất cấm khiến cử tri vô cùng lo lắng, bức xúc. Với thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan chỉ rõ lỗ hổng và có các giải pháp căn cơ như thế nào.
Trả lời đại biểu, người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, vấn đề quản lý thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm trên thị trường đã được quy định trong Luật Dược. Các quy định của pháp luật tương đối đầy đủ để tăng cường quản lý vấn đề này.
"Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng đến nay cơ bản đáp ứng. Chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến thực phẩm chức năng", Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.
Bộ trưởng nêu rõ, nếu sản xuất thực phẩm chức năng tốt thì đây là lợi thế để chúng ta xuất khẩu, trong đó có các loại vitamin. Hiện nay, thực phẩm chức năng của nước ta đã xuất khẩu ở trên 30 nước trên thế giới. Đây sẽ là thế mạnh nếu nước ta quan tâm và đầu tư tốt vào lĩnh vực này.
Về quy định liên quan tới sản xuất thực hành tốt (GMP) đối với thực phẩm chức năng từ năm 2019, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, nếu các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng ở nước ta đáp ứng được thì phải đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về GMP và Việt Nam là nước đầu tiên của ASEAN áp dụng quy chuẩn này.
Trước đây có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thì đến nay, có 201 cơ sở thực hiện đúng theo quy định về sản xuất và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các quy định về xử phạt về sản xuất, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng đã quy định rõ trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có vi phạm liên quan đến lĩnh vực này do sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao và giá trị của mặt hàng sản xuất ra bị lợi dụng, thổi phồng để thu lợi…
Để giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện Bộ Y tế đã có trang web của Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu các mặt hàng sản xuất đúng theo quy định. Còn đối với những người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo như gửi công văn đến đến các bộ, ngành liên quan, từ đó kịp thời xử lý.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, quảng cáo trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong khâu xử lý. Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các doanh nghiệp vi phạm cần bị xử lý nghiêm khắc để làm gương, ví dụ như biện pháp cấm xuất cảnh.