| Hotline: 0983.970.780

Đường nội dội chợ vì đường ngoại

Thứ Hai 06/08/2012 , 11:40 (GMT+7)

Bị ép mạnh bởi đường ngoại, đường nội đang gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ.

Đường lậu bị thu giữ
Bị ép mạnh bởi đường ngoại, đường nội đang gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ. Giá bán vì thế đang có xu hướng giảm mạnh và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới giá thu mua mía trong niên vụ 2012-2013.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tốc độ tiêu thụ đường do các nhà máy trong nước sản xuất ra đang chậm hẳn lại. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay: Trước đây, trung bình mỗi tháng các nhà máy tiêu thụ trên dưới 100 ngàn tấn đường. Nay chỉ còn 50.000-60.000 tấn. Giá đường do các nhà máy bán ra hiện đã giảm xuống dưới 16.000 đ/kg, nhưng việc tiêu thụ đường vẫn đang rất khó khăn. Đến ngày 31/7, lượng đường còn tồn là 226.376 tấn (trong đó tồn kho tại các nhà máy đường là 212.349 tấn, tồn kho tại các công ty thương mại là 14.027 tấn).

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do sức ép quá lớn của đường ngoại. Trước hết, đó là tình trạng đường ngoại nhập lậu qua biên giới Tây Nam và miền Trung vẫn đang ồ ạt tuồn vào nước ta. Giá của đường lậu hiện đang khá thấp. Ngày 30/7, giá đường trắng Thái Lan nhập lậu tại TP HCM từ 15.700 - 15.800 đ/kg, tại Lao Bảo 14.800 đ/kg, tại Đông Hà từ 15.700 – 15.800 đ/kg , tại Cầu Treo 15.800 đ/kg, tại Đồng Hới và Vinh là 16.100 đ/kg. Tới đầu tháng 8, giá đường lậu ở Châu Đốc chỉ từ 15.200-15.300 đ/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá đường lậu năm nay giảm khá mạnh, vì tháng 7/2011, giá đường lậu bán buôn là trên 18.000 đ/kg.

Đã mệt với đường lậu, đường nội địa lại còn đang bị tấn công bởi đường tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất mà âm thầm len lỏi tiêu thụ trong nội địa. Theo ông Nguyễn Thành Long, dạng đường này chủ yếu được nhập về để tái xuất sang Trung Quốc, nhưng do không xuất được, nên các DN NK đã "lột bỏ bào bì" rồi tìm cách tiêu thụ số đường đó khắp từ Bắc vào Nam.

Ông Long cho hay, Hiệp hội Mía đường không có số liệu chính xác về lượng đường tạm nhập tái xuất nhưng lại tiêu thụ nội địa. Nhưng, qua quan sát trên thị trường, có thể thấy rằng lượng đường này là khá lớn. Ông Long nói: “Nếu tính cả đường nhập lậu lẫn đường tạm nhập tái xuất nhưng lại tiêu thụ nội địa, có thể lên tới 400.000 tấn/năm”.

Điều đáng lo ngại là tình trạng trên hiện giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát được. Đây cũng là tình trạng chung đối với nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất khác. Cuối tháng 7 vừa rồi, Tổng cục Hải quan đã phải gửi văn bản số 3842/TCHQ-ĐTCBL ngày 26/7/2012 gửi Ban chỉ đạo 127 các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Quảng Trị về việc tăng cường quản lý đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố nêu trên chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các chính sách, quy định của pháp luật đối với loại hình hàng hóa tạm nhập, tái xuất. Trong đó, phải tổ chức lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm soát các khu vực, tuyến đường trọng điểm, không để xảy ra các tình trạng DN phá dỡ container, tẩu tán hàng hóa, đưa vào nội địa tiêu thụ ...

Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT vừa trình Chính phủ phê duyệt nhập khẩu 70.000 tấn đường theo thỏa thuận WTO, cũng đã gây thêm áp lực cho việc tiêu thụ đường và giá đường sản xuất trong nước. Mà theo một số nhà máy đường, nếu giá đường còn tiếp tục bị giảm xuống, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá mía của niên vụ 2012-2013.

Hiện tại, niên vụ mía đường 2012-2013 đã được khởi động với việc nhà máy đường Nước Trong ở Tây Ninh đã bước vào vụ ép mới từ ngày 22/7. Giá mua mía mà nhà máy đường Nước Trong đang áp dụng ngay tại ruộng là 1.100 đ/kg (10 CCS). Ở ĐBSCL, Nhà máy đường Long Mỹ Phát sẽ ép mía từ ngày 20/8 tới.

Theo ông Nguyễn Thành Long, trong niên vụ này, giá thành sản xuất mía của nông dân (bao gồm cả công thu hoạch) sẽ ở mức bình quân 800 đ/kg. Với giá mía 1.100 đ/kg, giá thành đường sẽ từ 14.000-16.000 đ/kg. Bởi thế, nếu giá đường tiếp tục giảm xuống nữa, sẽ gây khó cho cả nhà máy lẫn nông dân. Mà nhiều khả năng lợi nhuận của nông dân trong niên vụ mía 2012-2013 sẽ giảm so với niên vụ trước.

Xem thêm
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626 USD/tấn

Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục năm 2023.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.