| Hotline: 0983.970.780

Gã nông dân lang bạt ở xứ Bạc Liêu

Thứ Bảy 05/02/2022 , 11:00 (GMT+7)

Nhìn Hai Bình tôi nhận ra chiều sâu thăm thẳm của làng Vĩnh Trạch, nhận ra sức mạnh văn hóa truyền thống vẫn còn hiện diện một cách vạm vỡ...

Gã nông dân Hai Bình.

Gã nông dân Hai Bình.

Nhìn tướng mạo của Hai Bình cứ tưởng gã vừa ngoi lên từ một đống bụi trần ai. Đầu tóc cháy xém, tay chân nổi gân xanh và nhiều cục chai sần, tướng đi lum khum, mặt ngó xuống đất như “lụm bạc cắc”.

Tướng tá này thì “phong sương mấy độ” và dông gió cuộc đời đã quật cho tơi bời. Vậy mà cũng thật lạ, khi ngồi đối diện ta thấy Hai Bình có cái nhìn rất thẳng và nụ cười thì hiền lại hồn nhiên như con trẻ, nhìn kỹ mới thấy phảng phất nét buồn.

Nói thế là nói theo cái nhìn của người lạ, chứ còn tôi, tôi biết “tỏng tòng tong” Hai Bình. Vẻ ngoài ra sao thì đời nó “trần ai khoai củ” như vậy. Bình tuổi tý, năm nay là 62 tuổi, lớn hơn tôi một tuổi. Bình có bà con xa với tôi. Nếu tôi chôn nhau cắt rốn ở làng Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, thì Hai Bình cả đời quanh quẩn ở đó mà tìm miếng cơm manh áo.

Cha Bình chết vì pháo binh của Mỹ khi nó còn nhỏ xíu. Má nó gá nghĩa với một người đàn ông khác, thế nên mới 6 - 7 tuổi Bình đã rời bỏ gia đình để đi giang hồ vặt, trên lưng là cái thùng cà rem làm phương sinh kế. Bình lấy cà rem từ chợ Bạc Liêu rồi lội bộ mỗi ngày hàng chục cây số vào làng Vĩnh Trạch để bán dạo. Đụng đâu ngủ đó, ăn đó.

Lớn lên một chút, Bình bỏ nghề bán cà rem dạo vì mắc cỡ, nó sống bằng chính sức lực của mình theo kiểu ai kêu gì làm nấy, miễn là có miếng ăn.

Sau giải phóng năm 1975, không biết duyên cớ gì Bình xuất hiện ở nhà tôi và ở lại rất thường, có khi mười ngày, nửa tháng. Bình đến không phải làm mướn mà đến tá túc theo kiểu đến ở nhà người thân quen, thấy ăn thì ăn, thấy làm thì làm. Gia đình tôi khi ấy nghèo lắm.

Chúng tôi dọn rừng khẩn hoang để trồng rẫy, công việc vất vả lắm. Bình đến ở và giúp gia đình tôi trong thời gian này. Bình làm rất giỏi. Đất được dọn rồi chúng tôi cuốc dòng trồng khoai mì, khoai lang, mía, rau cải để má tôi hàng ngày gánh qua sớm Cả Vĩnh bán. Chỗ đất trũng thì ba tôi sạ lúa.

Vụ lúa đầu tiên của mùa khẩn hoang đất rẫy, nhà tôi thu hơn mười dạ lúa. Tôi và Bình dùng cối giã, bữa cơm đầu mùa dọn ra, mùi cơm mới lan tỏa khắp nhà. Và miếng cơm vào ta cảm nhận đầy đủ vị béo ngọt đến tận xương tủy. Tôi và Bình ăn đến 4 – 5 chén cơm, nhưng đó là bữa ăn cơm đầu tiên cũng là bữa ăn cơm cuối cùng của năm đó. Vì sau đó má tôi chặt khoai lang cho vào nồi cơm để ăn độn.

Hai ba ngày đầu thì ăn ngon, nhưng sao đó, những công dân của một đất nước có truyền thống ăn cơm hàng ngàn năm lịch sử thấy khoai là phát sợ, chúng tôi bới cơm chỉ chọn chỗ cơm nhiều khoai ít. Cuối bữa, cái nồi chỉ còn lại khoai. Má tôi thường ăn sau cùng, bà ngồi chậm rãi ăn những bữa cơm toàn khoai. Những năm lớn lên đi xa, tôi nhớ về gia đình cũ là bắt gặp hình ảnh đó vẹn nguyên trong ký ức với niềm day dứt khôn nguôi.

Hai Bình sống hui hút cùng tôi. Khi tôi và Bình cãi vã thì má tôi rầy tôi và bà kết thúc bằng câu: “Nó mồ côi mồ cút đó con ơi!”. Lâu lâu bán được mía, khoai, má tôi dúi cho hai thằng một ít tiền, bằng nhau. Bà âm thầm vá cái áo cái quần cụt nhàu nát, rách rưới của Bình mà ứa nước mắt.

Mỗi lần có tiền là hai thằng cuốc bộ từ nhà tôi ra thị xã Bạc Liêu 7 cây số để xem phim rồi khuya 1 - 2 giờ mới băng đồng lội về đến nhà. Hai thằng biết yêu đầu tiên cùng một lúc. Nếu tôi và Bình là cậu cháu thì phía đối tác là hai cô cháu. Chúng tôi yêu say đắm và đầy mộng mơ. Có thề non hẹn biển. Thế rồi hai con sáo kia bay qua sông, lần lượt đi lấy chồng. Bỏ lại tôi và Bình đứng bên này sông ngẩn ngơ đau đớn bởi phận mình nghèo.

Thất tình rồi, chiều tôi ra ngồi trên bến sông nhìn ráng chiều nhuộm tím mặt sông mà buồn đến muốn nhảy xuống sông tự vẫn. Thế nhưng tôi biết nhảy xuống tôi sẽ không chết vì tôi lội giỏi như rái. Còn Bình thì bỏ đi học đàn với mộng làm nhạc sỹ cho quên sầu đời.

Hơn tháng sau, nó về nhà tôi với cây đàn. Chiều chiều nó ôm đàn ra bến sông ngồi gảy, bộ dạng rất giống nhạc sỹ, mặt thì buồn cứ như còn chút nữa là trời sẽ sập. Tôi biết nó gảy đàn để giãi bày tâm sự, để khóc cho một mối tình vừa chết tức chết tưởi. Thế nhưng nghe tiếng đàn cà tụp cà tum của Bình tôi không thấy sự nức nở nghẹn ngào, chỉ thấy buồn cười mà thôi.

Mộng làm nhạc sỹ không xong, tâm hồn tan tác vì yêu cộng với thân phận trôi nổi lạc loài khiến Bình trở nên lầm lì ít nói, sống rất nội tâm. Đặc biệt nó thích đi bộ một mình để mà vừa đi vừa suy nghĩ. Có khi nó đi bộ từ Vĩnh Trạch ra chợ Bạc Liêu chỉ để dòm xem cái chợ Bạc Liêu còn hay mất rồi nửa đêm cuốc bộ trở về.

Trời sinh ra Bình rồi định cho nó một cuộc đời nổi trôi. Nó vắng mặt ở nhà này rồi xuất hiện ở nhà kia một cách vô cớ, khiến chủ nhà ngạc nhiên, nhưng rồi ai cũng mừng. Từ nhà tôi nó qua nhà cô ruột của tôi để giúp bà cày ruộng bằng trâu. Làm được vài tháng Bình lội về thăm ba má tôi rồi rủ tôi đi làm cùng nó. Tôi lẩm bẩm, đi thì đi, đi để quên nỗi buồn làm nát vụn trái tim của mối tình đầu.

Đó là một mùa mưa hằn thật sâu trong tâm khảm của đời tôi. Tôi và Bình gói cơm vắt mắm đồng đi cày trên đồng xa. Mưa cứ rả rích, lâm thâm, mặt đồng đầy những bông đồng tiền, chiều xuống ráng chiều làm tím sẫm một nỗi buồn u uất trên cánh đồng xa. Rồi tiếng chim vịt kêu chiều trồi lên khúc nhạc lạc loài, khiến đồng chiều thổn thức và ta thì rưng rưng nước mắt.

Hồi đó tôi mới 18 tuổi, Hai Bình 19 tuổi, nhưng do ăn uống không đủ chất nên chúng tôi rất ốm yếu. Vậy mà hai thằng khiêng cây cày, cây trục nặng hơn 50kg trong sình bùn để xuống xuồng chuyển đi đồng khác. Có bữa, làm không nổi, tôi nằm dài ra ruộng ứa nước mắt, cảm thấy đời mình tuổi cực như con dòi. Bình thì vô tư, gánh vác cho tôi bởi đối với nó chuyện cực thế này là chuyện nhỏ, bởi nó là dân “giang hồ”.

Làm chưa hết mùa cày, tôi được giấy gọi đi học trường Công Nông vì là gia đình liệt sỹ. Kể từ đó tôi xa Bình, rời khỏi làng Vĩnh Trạch để đi mải miết đến tận khi bạc trắng mái đầu. Còn Bình thì ở lại nhà cô tôi đến hai mùa cày ruộng. Mùa thứ ba, thấy thương và tội cho đời nó quá cô, dượng tôi vốn là cao niên trong đảng, lại có công lớn với xã Vĩnh Trạch nên họ gởi Bình vào làm việc trong xã để nó thoát đời làm thuê làm mướn.

Mấy năm thất tình, dùi đầu đọc sách vậy mà hóa ra rất hay nó giúp cho Bình có kiến thức để cáng đáng việc chữ nghĩa. Mới vào xã làm được vài tháng là đã được phân công làm trưởng trạm truyền thanh xã, rồi Bình được đưa đi học lớp phóng viên do tỉnh mở. Hay tin, tôi mừng quá, ngỡ là nó đã thật sự thoát đời trôi nổi.

Ngày thì Bình làm việc ở xã tối thì về nhà ba má tôi, cô tôi hoặc ai đó ngủ và ăn cơm. Nó thường về nhà chị Tư Sức, con cô ruột tôi. Vì bà chị và anh rể tôi rất thương nó, bởi cái tính làm giỏi, tính toán hay, xem việc người khác như việc của mình. Mùa vụ, vịt đẻ, tát đìa… anh rể tôi đều giao cho Bình quản lý.

Anh, chị tôi có một đứa con gái lớn tên Nguyệt, nhỏ hơn Bình 3 tuổi, rảnh việc, hai đứa thường đi ra chợ Bạc Liêu chơi. Bình làm mai Nguyệt cho một thằng bạn nó, Nguyệt làm mai Bình cho một con bạn Nguyệt. Bốn đứa hay đi chơi chung. Chuyện tưởng vậy là xong, là không còn gì để bàn, vậy mà rồi một chuyện động trời động đất xảy ra, Nguyệt có thai, bụng vượt mặt, nhìn ai cũng biết mà thủ phạm làm ai cũng ngạc nhiên chính là Hai Bình. Chị tư tôi đắng cay bởi cái tình cảnh “nuôi ong tay áo”.

Dòng họ tôi nghe tin ai cũng giận. Bình phạm vào hai trọng tội, tội thứ nhất là dám ăn ở với cô nó mặc dù bà con xa đã 4 – 5 đời; tội thứ hai là thằng ở đậu lại dám trèo leo cô chủ, đỉa mà đeo chân hạt. Anh tư tôi đuổi Bình đi, nó ôm một bọc đồ nhỏ xíu băng đường đồng lầm lũi đi theo kiểu cò mổ mà giọt ngắn giọt dài.

Công việc mỗi ngày của Hai Bình.

Công việc mỗi ngày của Hai Bình.

Giận rồi cũng nguôi rồi cũng phải lo cái hậu quả không thể để lâu ngày do Bình gây ra. Người đầu tiên lên tiếng là ba tôi. Trước tiên ông đến nói chuyện với anh rể và chị ruột của mình, tức cha mẹ ruột chị Tư Sức. Ông bảo: “Dù sao thằng Bình cũng là người của dòng họ, hơn nữa nó dù nghèo, cù bơ cù bất nhưng lại hiền lành, giỏi dắn… tụi nó lỡ thương, lỡ có con với nhau rồi, không khéo thì tội chết”.

Nghe được, cô dượng theo ba tôi qua thuyết phục anh, chị Tư Sức. Anh chị Tư lâm vào cảnh “chẳng đặng đừng” họ bỏ liều, ai muốn làm sao thì làm.

Thế là ba tôi sắp đặt việc cưới hỏi cho Bình. Má tôi gọi Bình qua, bà cho nó mượn đôi bông tai để dành cưới vợ cho tôi để nó làm sính lễ.

Cưới vợ rồi, khó khăn nhân đôi, anh chị Tư Sức gọi Bình về, cất cho một cái chòi lá nằm kế mé kinh. Hồi đó tôi có về thăm một lần, thấy đôi vợ chồng trẻ nuôi lũ heo, gà, vịt. Bình làm một con vịt mập luộc chấm mắm gừng đãi cậu vợ. Bữa đó tôi ăn cơm thật ngon vì mừng cho cái hạnh phúc đơn sơ của Bình.

Thế nhưng hạnh phúc ấy không được lâu bền bởi 7 đứa con của Bình lần lượt ra đời. 7 miệng ăn trong thời kỳ bao cấp, cả nước cùng nghèo, đã xô đẩy Bình vào cuộc sống khốn nạn. Nó bỏ nhiệm sở ở xã, nai lưng đi làm thuê làm mướn quanh năm để nuôi con. Ai thuê gì thì Bình làm nấy, từ cuốc rẫy, đào kênh đến vác lúa, kéo tôm… toàn là những việc nặng nhọc, thậm chí đi nhà người khác làm theo kiểu ở đợ Hai Bình cũng làm.

Không ai làm thuê, ở đợ mai đầu này, mốt đầu nọ dai dẳng xót xa như Bình. Khi tôi đặt bút viết bài ký này, đã 61 tuổi rồi, Hai Bình vẫn còn đi ở đợ, làm thuê. Vậy mà số phận vẫn không buông tha cho cái đời nhọc nhằn tủi cực của nó. Hơn 30 năm trước, vợ chồng nó đi làm, đứa con gái thứ ba té xuống ao, tuy cứu sống được, nhưng nó khùng khịu đến tận bây giờ. Nhìn con gái Hai Bình ứa nước mắt, một mai vợ chồng Hai Bình qua đời thì lấy ai lo cho nó?

Hai Bình tập trung lo cho thằng con trai thứ hai đi học với một khát vọng cháy bỏng đời con hơn đời cha. Con nó tốt nghiệp cử nhân luật, về làm thư ký tòa án thành phố Bạc Liêu, tương lai mở ra sáng lạng.

Đùng một cái, thằng Yên (con trai Bình) té xe, chấn thương sọ não, may mà cứu sống nhưng nằm một chỗ, nhận thức lờ mờ đã 7-8 năm nay. Hồi thằng Yên nằm ở bệnh viện đa khoa Cần Thơ tôi có lên thăm, lại vào hồi thằng Yên nguy kịch. Bác sỹ giám đốc bệnh viện có biết tôi, ông gọi tôi vào phòng nói riêng rằng: “khả năng cứu sống không còn, thôi anh về nói với gia đình lo hậu sự cho cháu đi”.

Tôi gọi Hai Bình ra nói nhỏ. Bình buông người đổ bẹp xuống sàn gạch ngồi lặng lẽ khóc. Nước mắt Bình rất ít nhưng tôi cảm thấy đó là những dòng lệ đặc quánh. Phải chăng những cuộc đời quá nhiều đau khổ mới có thứ nước mắt như thế? Tôi nhìn vào mắt Hai Bình thấy cả một trời tang thương, một nỗi đau, một niềm tuyệt vọng đến tột cùng, rồi tôi cũng khóc.

Cứu sống được thằng Yên là chuyện lạ, người ta bảo nó nhờ đức ông bà, nhưng gia đình Bình thì đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vợ chồng Bình phải vừa làm, vừa nuôi hai đứa con gái nhỏ đi học, cộng với nuôi nấng chăm sóc đứa con gái khùng khịu và thằng con trai nằm bất động, phải ẵm bồng, rửa ráy mỗi ngày. Thế nên Hai Bình buồn, một nỗi buồn âm thầm mà sâu cay.

Mắt Bình trở nên mông lung, xa vắng, nụ cười Bình phảng phất sự xót xa cay đắng. Bình hận cho số kiếp của mình rồi tìm vui bên ly rượu. Bạn bè rủ đi nhậu thì Bình đi, có khi bỏ công ăn việc làm. Vợ trách thì Bình mua rượu về nhà nhậu. Nhậu vào buổi chiều cùng với bữa cơm gia đình. Vợ con ăn cơm xong rồi Bình vẫn ngồi nhậu, nhậu một mình đến đêm khuya. Nhậu xong thì Bình nói chuyện một mình, Bình nhắc chuyện “đời cố hỷ” rồi rủa sả cái số kiếp thằng Hai Bình sau nó oái oăm, khốn nạn đến thế.

Dân Xóm Lá thì bảo Hai Bình bây giờ là hiện thân của anh Chí Phèo của làng Vũ Đại. Thế nhưng tôi thấy Hai Bình có điểm dừng, Hai Bình chỉ chửi rủa thân phận mình chứ không chửi bới thiên hạ như Chí Phèo. Và khi tỉnh rượu vẫn hiện diện một anh Hai Bình hiền lành, sống có tình.

Nhìn Hai Bình tôi nhận ra chiều sâu thăm thẳm của làng Vĩnh Trạch, nhận ra sức mạnh văn hóa truyền thống vẫn còn hiện diện một cách vạm vỡ trong nông dân, nông thôn chúng ta hôm nay. Và tôi cũng nhận ra thêm một lý do để mình quý mình yêu cái mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình đến rưng rưng nước mắt.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.