| Hotline: 0983.970.780

Gà, vịt lậu đi ngang nhiên, Chủ tịch UBND các tỉnh không thể đứng ngoài cuộc

Thứ Tư 12/06/2024 , 07:10 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: 'Hình thức buôn lậu con giống gia cầm đã thay đổi, hoạt động rất ngang nhiên, chở với số lượng rất lớn lên các tỉnh biên giới'.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài điều tra “Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc”, kèm theo đó là loạt phóng sự truyền hình về vấn nạn này tại các địa phương phía Bắc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết “đã đọc và xem rất kỹ tư liệu của Báo”. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên nhận được thông tin về buôn lậu con giống (từ địa chỉ, số điện thoại của các đối tượng, clip vận chuyển hàng lậu) do bà con nông dân, các đơn vị cung cấp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam sau khi đọc/xem loạt phóng sự điều tra 'Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc'. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam sau khi đọc/xem loạt phóng sự điều tra "Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc". Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng đặc biệt quan tâm chỉ đạo

Thưa Thứ trưởng, từ thông tin phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam trong loạt bài điều tra “Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc”, ông đánh giá như thế nào về tình hình vận chuyển, mua bán con giống gia cầm nhập lậu trái phép tại Việt Nam hiện nay?

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống nhập lậu gia súc, gia cầm. Minh chứng là trong chưa đầy 2 tháng, Thủ tướng liên tiếp ban hành Chỉ thị số 29 (ngày 6/12/2023) và Công điện số 12 (ngày 31/1/2024) yêu cầu các Bộ, ban, ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi.

Công tác chống buôn lậu giống gia cầm tại các tỉnh phía Bắc đã được Báo Nông nghiệp Việt Nam vào cuộc hết sức quyết liệt. Đây là một trong những cơ sở để Bộ NN-PTNT thường xuyên tổ chức các hội nghị và họp bàn với các cơ quan, đơn vị để đôn đốc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng.

Đặc biệt, sau khi xem clip của Báo Nông nghiệp Việt Nam về thực trạng vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc bằng xe khách từ miền xuôi lên các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh miền Trung, miền Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng: hình thức buôn lậu con giống gia cầm đã thay đổi, hoạt động buôn lậu rất ngang nhiên, chở với số lượng rất lớn lên các tỉnh biên giới.

Vận chuyển giống gia cầm bằng xe khách từ miền xuôi lên các tỉnh biên giới phía Bắc - thủ đoạn mới. Ảnh: Hùng Khang.

Vận chuyển giống gia cầm bằng xe khách từ miền xuôi lên các tỉnh biên giới phía Bắc - thủ đoạn mới. Ảnh: Hùng Khang.

Theo ông, vì sao những chiếc xe giường nằm có thể ngang nhiên chở giống gia cầm không có giấy tờ kiểm dịch; không nguồn gốc xuất xứ, qua mặt lực lượng chức năng tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên cung đường từ Thái Bình lên Cao Bằng và các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu…?

Tôi nhớ như in cách đây gần một năm, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh về một trạm kiểm dịch động vật liên ngành của Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội để xe chở giống gia cầm lậu đi qua. Tôi đã trao đổi với đồng chí Chi cục trưởng không thể để tình trạng này tiếp diễn, phải có biện pháp hành chính để xử lý.

Chúng ta đều biết, con giống nhập lậu chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh như dịch cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi… từ nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn. Ví dụ, chỉ tính riêng thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi đã lên tới 30.000 tỷ đồng rồi. Do đó, một lần nữa tôi nhấn mạnh rằng, Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh không thể đứng ngoài cuộc.

Trước đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phải giải trình với Thủ tướng về việc tập trung chỉ đạo chống buôn lậu gia cầm từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam, và tôi cho rằng, một thời gian dài vừa qua Lạng Sơn đã làm rất tốt công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu.

Vừa rồi, tôi đã ký văn bản gửi một số tỉnh có dấu hiệu buôn lậu và đã có sản phẩm buôn lậu lưu hành, đề nghị các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm thực hiện.

Thủ đoạn buôn lậu rất tinh vi, thậm chí đưa cả trứng vào phía Nam ấp nở

Theo quy định của Luật Thú y thì một trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông phải có đầy đủ 3 lực lượng: thú y, cảnh sát giao thông và quản lý thị trường. Vậy từ câu chuyện ở Cao Bằng, cả hai trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ở Quốc lộ 4a và Quốc lộ 3 đều không có lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng quản lý thị trường, chỉ có lực lượng thú y đảm trách, dẫn tới tình trạng không thể dừng xe để kiểm tra. Vậy theo quan điểm của Thứ trưởng, đây có phải là một trong những “lỗ hổng” kiểm soát vận chuyển động vật ở địa phương?

Sau khi tiếp nhận các clip của Báo Nông nghiệp Việt Nam quay, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, đề nghị phải chỉ đạo các đơn vị, ví dụ như cảnh sát giao thông cùng phối hợp với lực lượng thú y để thực hiện nhiệm vụ. Bởi, có dừng xe được thì mới kiểm soát được. Quản lý thị trường cũng phải phối hợp với lực lượng thú y để kiểm tra chuyên ngành, không thể để tình trạng gà giống lậu, vịt giống lậu, vịt lai ngan giống lậu đi qua một cách ngang nhiên như thế.

Như ở Thái Bình, vòng xuyến giao thông trở thành một cái chợ gia cầm. Không thể để như thế được. Và chúng tôi sẽ đôn đốc thêm để các lực lượng phải phối hợp một cách hiệu quả, tránh tình trạng như ở cái Trạm kiểm dịch động vật Đại Xuyên của Hà Nội, mặc dù đủ lực lượng nhưng xe chở gà lậu vẫn đi qua bình thường.

Xe khách giường nằm đỗ tại ngã tư Đợi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình để bốc xếp gia cầm vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và phía Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Xe khách giường nằm đỗ tại ngã tư Đợi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình để bốc xếp gia cầm vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và phía Nam. Ảnh: Hùng Khang.

Các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm trái phép đều nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, công tác quản lý của các địa phương hiện nay còn lỏng lẻo, rõ ràng là cần phải có biện pháp để nêu cao tinh thần của người đứng đầu địa phương. Như câu chuyện của Lạng Sơn, khi Chủ tịch tỉnh vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì mọi con đường vận chuyển gà, vịt lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh gần như được ngăn chặn?

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, trong tất cả các văn bản, Bộ NN-PTNT đều gửi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Và, tôi đề nghị, đối với công tác truyền thông, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng phải nhắc những nội dung này trong các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cũng như trong ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Và qua đây, Bộ NN-PTNT một lần nữa đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm đến việc chống buôn lậu, chỉ khi làm tốt công tác này mới tạo tiền đề để phát triển sản xuất trong nước, đưa lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Từ câu chuyện của Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, theo Thứ trưởng, những con gà lậu, vịt lậu chỉ đi bằng đường biển vào địa phận tỉnh Thái Bình rồi được vận chuyển lên các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung, hay còn ở các tỉnh, thành phố ven biển khác mà chúng ta chưa phát hiện?

Các thông tin về buôn lậu con giống, từ địa chỉ, điện thoại, clip, bà con nông dân gửi cho tôi rất nhiều. Và phải nói rằng dải ven biển Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình chúng ta cần rà soát kỹ lưỡng, vì ở đây lực lượng mỏng trong khi các đối tượng có thể hoạt động cả ngày cả đêm được. Đây cũng chính là đường vận chuyển trứng lậu, gà lậu, ngan vịt lậu vào Việt Nam rất nhiều.

Vợ chồng bà T. (chủ cơ sở kinh doanh con giống ở xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đang chuyển các lồng gà giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch để gửi hàng cho khách. Ảnh: Hùng Khang.

Vợ chồng bà T. (chủ cơ sở kinh doanh con giống ở xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đang chuyển các lồng gà giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch để gửi hàng cho khách. Ảnh: Hùng Khang.

Mấy năm trước đã có 2-3 trường hợp chở giống gia cầm nhập lậu ở Quảng Ninh bị xử lý hình sự, mang lại hiệu quả răn đe rất cao. Nhiều năm chúng ta quản lý được, tuy nhiên thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, trứng cũng đưa vào, thậm chí chuyển vào phía Nam ấp. Trên cơ sở phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, của người dân và các nguồn thông tin khác, Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo cả trên bộ và cả ven biển để chúng ta kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển giống gia cầm nhập lậu.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ: “Người vận tải, người lái xe khách không chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách..”. Rõ ràng, các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông có thể kiểm tra, xử phạt khi có dấu hiệu vi phạm. Nhưng các lực lượng này lại bỏ qua lỗi của các nhà xe, phải chăng có dấu hiệu “lợi ích nhóm” ở đây, thưa Thứ trưởng?

Theo quy định, khi sử dụng xe khách để chở gia cầm, lực lượng chức năng cần phải dừng xe để xử phạt phương tiện vi phạm. Thứ nữa, nếu gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch thì phải xử lý nghiêm. Vậy nên tôi luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm của các đồng chí Chủ tịch tỉnh, cần chỉ đạo liên ngành phối hợp chặt chẽ, để các hành vi sai phạm đều được mổ xẻ theo các lát cắt khác nhau, xử lý nghiêm theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật. Ba lực lượng này phải thực hiện rất nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì mới ngăn chặn tốt việc vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Nuôi tôm cân bằng sinh học, tái tạo môi trường

Mô hình nuôi tôm cân bằng sinh học, tái tạo môi trường sống không thay nước, không sử dụng hóa chất Clorine, BKC và kháng sinh mang lại hiệu quả cao cho người nuôi tôm.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ vi phạm trong lĩnh vực đất đai

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, các đối tượng đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền trên 7 tỉ đồng.

Hai lần lên xứ đá biên cương

Con người, núi đồi và cả… hương rượu ngô miền biên viễn luôn nồng nàn, say đắm lạ kỳ như cách đây tròn một năm - thời điểm tôi cùng đồng nghiệp lên cao nguyên Hà Giang.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm