| Hotline: 0983.970.780

Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc

[Bài 1] Gà Tàu lên núi!

Thứ Tư 29/05/2024 , 08:28 (GMT+7)

Dân buôn gia cầm giống tiết lộ: Gà, vịt Trung Quốc đi đường biển vào Việt Nam, rồi theo các tuyến xe khách từ miền xuôi ngược lên các tỉnh miền núi phía Bắc.

LTS: Từ thông tin của nhiều hộ chăn nuôi, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã dành nhiều ngày nhập vai, bóc trần đường dây vận chuyển con giống gia cầm Trung Quốc bằng xe khách từ Thái Bình đi các tỉnh vùng cao.

Đây là thủ đoạn mới trong kinh doanh, vận chuyển con giống gia cầm Trung Quốc, được cánh dân buôn gọi là "hành trình ngược", bởi lâu nay, gia cầm nhập lậu thường đi từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào nội địa. Kể từ khi biên giới Việt - Trung được kiểm soát chặt, gà, vịt, ngan phải đi đường biển, rồi từ miền xuôi ngược lên các tỉnh biên giới. Khách mua hàng chỉ cần gửi địa chỉ là các "trùm buôn" sẽ cho xe khách vận chuyển hàng đến tận nơi.

Nếu trước đây giống gia cầm Trung Quốc thường được đầu nậu thuê người gánh qua đường mòn, lối mở khu vực biên giới trên đất liền (các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh...), thì nay gà, vịt Trung Quốc đi đường biển vào Việt Nam, rồi theo các tuyến xe khách từ miền xuôi ngược lên các tỉnh miền núi phía Bắc.

Con giống Trung Quốc được bày bán công khai tại chợ Nà Giàng, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: HK.

Con giống Trung Quốc được bày bán công khai tại chợ Nà Giàng, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: HK.

Gà Tàu len lỏi chợ vùng biên

Bài liên quan

Mới sáng sớm, những tiếng kêu chíp chíp của những con gà, vịt, ngan giống đã râm ran khu chợ phiên Nà Giàng, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Các giống gia cầm như gà chíp mật, vịt pha ngan, gà K9… (đều là giống gà xuất xứ từ Trung Quốc) được bày bán công khai. Đi kèm với đó là những lời quảng cáo đầy hấp dẫn của những con buôn như: “Gà Tàu tuyệt vời lắm bà con ơi”, “Gà Tàu đẹp mã lớn nhanh như thổi đây”…

Phóng viên tiếp cận một tiểu thương. Miếng ‘bánh vẽ’ đã được đưa ra: “Mua đi cháu. Mua về làm quà cho bố mẹ chăn nuôi thì tuyệt lắm. Giá cô để rẻ cho, 25.000 đồng con chíp mật, 35.0000 đồng/con k9".

Thấy tôi còn băn khoăn, bà chủ thủ thỉ vào tai: “Cô bán hàng ở đây được mấy chục năm rồi, chuyên hàng Tàu nên cháu cứ yên tâm. Đây gà k9 to lắm đây, tuyệt vời luôn đây, xịn sò đây này. Hàng này nuôi là miễn chê rồi, vài tháng là to đẹp ngay. Nuôi là hốt bạc”.

Chính vì tin vào những chiêu trò quảng cáo theo kiểu “nổ tung trời” như vậy, nên nhiều người dân vùng cao, những người nhẹ dạ cả tin muốn đổi đời nhờ chăn nuôi gia cầm đua nhau tìm đến đây để mua con giống, dù chẳng biết chất lượng của chúng ra sao.  

Cứ tưởng những con giống gia cầm Trung Quốc ở chợ phiên Nà Giàng này là hàng "vượt biên" bằng cung đường vận chuyển truyền thống qua đường mòn biên giới vào Việt Nam. Bởi nơi đây chỉ cách cột mốc biên giới giáp với huyện Nà Po, thành phố Tịnh Tây, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chừng 25 km.

Thế nhưng, điều kỳ lạ là cánh buôn gà lại "mật báo" với chúng tôi rằng, hầu hết con giống gà xuất xứ từ Trung Quốc đều được vận chuyển từ miền xuôi lên miền ngược. Nghĩa là, chúng phải đi đường vòng bằng cả đường biển và đường bộ với hành trình 600 - 700km để có mặt tại các phiên chợ vùng cao, thay vì quãng đường chỉ vài chục km như thời kỳ biên giới đất liền chưa được kiểm soát chặt.

"Bà trùm" tiết lộ đường vòng của gia cầm Trung Quốc

Phải mất nhiều ngày lân la, tiếp cận, phóng viên mới được Hà Thị Diễm - “trùm" buôn con giống gia cầm ở đất Hà Quảng tin tưởng và tiết lộ về cách thức đưa gà, vịt Trung Quốc đi tiêu thụ.

Diễm không ngần ngại khoe với phóng viên rằng, gia đình mình chuyên buôn gà, vịt giống Trung Quốc gần 20 năm nay. “con giống nào cũng có”… nguồn hàng vô tận, sẵn sàng cung ứng khi khách hàng cần”. "Đa phần người dân ở Cao Bằng đều lấy hàng nhà chị”.

Nói rồi, Diễm dẫn phóng viên đi tham quan kho hàng của gia đình mình. Các giống gà K8, K9, gà chíp, gà choai, vịt pha ngan… đủ cả, mỗi loại hàng trăm con. Bà trùm chia sẻ, như này là ít, vì sáng đã bán vợi đi rồi.

Theo lời của Diễm, những con giống này chủ yếu là gà, vịt Tàu. Đầu mối ở Thái Bình sẽ chịu trách nhiệm gom hàng, rồi kết nối với một số nhà xe chuyên tuyến từ Thái Bình lên các tỉnh vùng cao để vận chuyển hàng.

“Mỗi sáng chị phải đi lấy 70 - 80 sọt hàng, phải mấy nghìn con giống đấy, vì mỗi sọt đã 50 con rồi”, Diễm chia sẻ.

Bà 'trùm' Hà Thị Diễm chia sẻ mánh khóe kinh doanh giống gia cầm Trung Quốc với chúng tôi. Ảnh: ĐM.

Bà "trùm" Hà Thị Diễm chia sẻ mánh khóe kinh doanh giống gia cầm Trung Quốc với chúng tôi. Ảnh: ĐM.

Tiếp lời "bà trùm", mẹ của Diễm (người có thâm niên lâu năm trong nghề buôn con giống) cũng không ngần ngại chia sẻ chuyện nhập gà. “Ở dưới Thái Bình có rất nhiều đầu nậu chuyên cung cấp con giống gia cầm Trung Quốc. Nhưng muốn liên hệ được với họ để lấy hàng thì phải thông qua người quen giới thiệu”.

Nói rồi người phụ nữ liền khoe với chúng tôi danh bạ chứa đủ số điện thoại của những “đầu sỏ” trong giới kinh doanh con giống gia cầm Trung Quốc ở huyện Hưng Hà và huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Người này cũng cho biết, trước đây những con giống này chủ yếu được gia đình Diễm nhập lậu qua biên giới. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid bùng phát, Trung Quốc cấm biên và xây dựng hàng rào dọc tuyến biên giới với Việt Nam, nguồn hàng liền bị đứt đoạn.

Con giống gia cầm có nguồn gốc Trung Quốc được mẹ Diễm bán công khai tại các phiên chợ vùng cao. Ảnh: HK. 

Con giống gia cầm có nguồn gốc Trung Quốc được mẹ Diễm bán công khai tại các phiên chợ vùng cao. Ảnh: HK. 

“Thua keo này ta bày keo khác”, đường rừng núi bị cấm thì dân buôn tìm đường khác để đi. Theo lời chủ buôn này, gà, vịt Trung Quốc được vận chuyển vào Việt Nam bằng đường biển, tập kết ở dưới xuôi rồi mới đưa lên vùng cao tiêu thụ.

“Trước toàn đưa gà, vịt theo đường biên về. Lúc đấy cô thuê người gánh, chứ cô không gánh. Bây giờ không đi được thì dưới xuôi nó có đường dây chuyển lên cho cô. Trứng cũng thế, toàn trứng Trung Quốc. Bây giờ toàn là đi đường biển hết đấy chứ”, mẹ của Diễm chia sẻ.

Khi được hỏi về việc nhận hàng ở đâu, người phụ nữ này nói luôn, điểm cuối cùng trong tuyến đường vận chuyển gà, vịt Trung Quốc từ Thái Bình lên Cao Bằng là bên xe khách mới ngay trung tâm thành phố Cao Bằng.

Khi bến xe thành “ chợ” buôn gia cầm

Theo chân các con buôn đến “điểm hẹn” ở bến xe mới thành phố Cao Bằng, đúng 4 rưỡi sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, chiếc xe khách giường nằm mang BKS 17F. 002xx của nhà xe D.T, chuyên tuyến Thái Bình - Cao Bằng chất đầy những sọt gà, vịt to oạch, bắt đầu cập bến.

Chiếc xe này đi thằng vào một góc ở cuối bến, tiếng gà, tiếng vịt nháo nhác, hòa lẫn với những tiếng chào mời hành khách ồn ã của của cánh tài xế xe ôm, taxi.   

Xe khách chở theo con giống gia cầm Trung Quốc vừa cập bến, các con buôn lập tức lao vào nhận hàng. Ảnh: ĐM. 

Xe khách chở theo con giống gia cầm Trung Quốc vừa cập bến, các con buôn lập tức lao vào nhận hàng. Ảnh: ĐM. 

Vì xe chở toàn gà, vịt nên hành khách trên xe cũng không quá nhiều, lác đác chỉ tầm 5 đến 7 người. Gương mặt người nào cũng tái nhợt, giọng nói thều thào vì mệt mỏi cất lên ngay trước ống kính máy quay của chúng tôi: “Đây là chuyến đi ám ảnh nhất trong cuộc đời”.

“Họ bốc gà từ Thái Bình lên Cao Bằng. Xe đi mấy tiếng hồ chỉ thấy mùi gà, vịt. Trên nóc, dưới sàn toàn gà là gà, không biết là xe chở người hay chở gà nữa, ám ảnh thực sự”, một hành khách bức xúc.

Nhiều ngày “mật phục” tại bến xe, chứng kiến nhiều lượt xe ra vào bến, phóng viên phát hiện, khách có thể vắng, chứ còn gà với vịt thì ngày nào cũng có. Các con buôn khi đi lấy hàng phải trả cước cho các nhà xe từ 8 đến 9 triệu đồng tiền cước vận chuyển mỗi ngày.

Lãi hơn cả chở người như vậy, khó trách nhà xe tuyến Thái Bình - Cao Bằng này từ lâu đã chuyển thành xe chung chuyển gà, vịt. Còn với hành khách, có hay không cũng không quan trọng.

Khi thấy chiếc xe này tại bến, một tài xế xe ôm đã bông đùa với chúng tôi rằng, nhìn từ xa cứ tưởng xe này là chuồng gà di động, chứ không phải là xe khách.

Bến xe khách Cao Bằng trở thành nơi tập kết hàng con giống gia cầm vận chuyển từ Thái Bình. Ảnh: Nhóm phóng viên. 

Bến xe khách Cao Bằng trở thành nơi tập kết hàng con giống gia cầm vận chuyển từ Thái Bình. Ảnh: Nhóm phóng viên. 

Vậy những chiếc xe giường nằm đã vận chuyển con giống bằng gia cầm Trung Quốc bằng cách nào? Chúng tôi tiếp tục lên những chuyến xe khách giường nằm để lần ra điểm trung chuyển gà giống tại tỉnh Thái Bình.

Xem thêm
Có những thông tin giả gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng

Nói về hệ lụy của tin giả, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vùng hoang vu Quảng Trị: [Bài 2] Bóng tối vây quanh bản làng

Tục đi sim, ảnh hưởng của mạng xã hội, bố mẹ quản lý lỏng lẻo, nhiều bé gái mang bầu bỏ cuộc chơi. Thực tế đau lòng này không hiếm ở các bản làng.