| Hotline: 0983.970.780

'Giấc mơ sachi' có phải màu hồng?

Thứ Năm 29/03/2018 , 10:05 (GMT+7)

Được mệnh danh là “vua của các loại hạt”, cây sachi đang được Cty CP Sacha Inchi Việt Nam (Tập đoàn Tâm Hoàng Việt) đặt mục tiêu phát triển thành sản phẩm chiến lược, nâng diện tích lên 1.500ha trong năm 2018 tại 4 vùng trồng trên cả nước. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, việc phát triển cây trồng còn rất lạ lẫm ở Việt Nam này không hẳn chỉ có màu hồng!

DN đặt chiến lược lớn

Năm 2017, huyện vùng núi Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) lần đầu làm quen với một loại cây trồng mới có tên cây sachi. Đây là cây trồng còn hết sức mới mẻ, chỉ được trồng thử nghiệm trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây tại một số địa phương ở Tây Nguyên và một số nơi ở miền núi phía Bắc.

15-26-53_nh_1
Chưa được phổ biến quy trình SX, nông dân huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chỉ trồng sachi theo kiểu quảng canh, sơ sài

Cty CP Sacha Inchi Việt Nam (Cty Sacha Inchi) là đơn vị tiên phong đã đưa loại cây trồng được mệnh danh là “vua của các loại hạt này” từ Nam Mỹ về trồng tại Việt Nam, và đang đặt rất nhiều tham vọng vào cây trồng này. Tại huyện Đà Bắc, trong năm 2017, Cty phối hợp với một số HTX đã ký hợp đồng trồng khảo nghiệm với tổng diện tích khoảng 20ha, bước đầu cho thấy những kết quả khả quan.

Ông Phạm Xuân Dũng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc), một trong những hộ nông dân tham gia trồng thử nghiệm 200 cây sachi (giống do Cty Sacha Inchi cung cấp) với diện tích khoảng 1.000m2 cho biết: Diện tích đất trồng sachi của gia đình là đất đồi cao, cằn cỗi, chuyên trồng dong riềng và sắn trước đây. Mặc dù năm đầu trồng thử chưa được bón phân theo quy trình, chỉ nhờ “nước trời”, giàn leo làm bằng tre đơn sơ, tuy nhiên cây sachi vẫn sinh trưởng tốt. Sau 3 - 4 tháng, cây đã ra hoa, đậu quả khá sai, trong đó đậu quả tập trung nhất vào dịp cuối năm (tháng 11 - 12/2017). Đến nay, hơn 200 cây sachi được hộ ông Dũng trồng từ tháng 4/2017 đã cho thu hoạch được khoảng 80kg quả (tương đương gần 1 tấn/ha).

Ông Vương Đắc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Hòa Bình đánh giá: Qua năm đầu đưa vào SX thử tại huyện Đà Bắc và một số mô hình khác tại tỉnh Hòa Bình, cây sachi đã bước đầu cho thấy khả năng thích ứng rộng trên nhiều chất đất và là cây dễ tính, nhất là thích hợp cao đối với đất đồi cằn cỗi, chịu hạn tốt... Bên cạnh đó, do chu kỳ khai thác của cây sachi rất dài (từ 15 - 20 năm) nên việc đầu tư cho cây sachi khá rẻ, chỉ khoảng 12 - 15 triệu đồng tiền giống/chu kỳ nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của đồng bào miền núi khó khăn về vốn.

Không chỉ tại Hòa Bình, ông Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Tập đoàn Tâm Hoàng Việt, ngay trong năm 2018, Cty Sacha Inchi Việt Nam đã lên kế hoạch sẽ liên kết, ký hợp đồng với các HTX và nông dân tại 4 vùng trồng chính trên cả nước là Hòa Bình, Điện Biên, Bình Thuận và Tây Nguyên để nâng tổng diện tích cây sachi lên 1.500ha. Dự kiến tới năm 2020, mỗi vùng nguyên liệu tập trung này sẽ tăng diện tích lên từ 500 đến 1.000 ha/vùng. Tại trung tâm của mỗi vùng nguyên liệu, Cty sẽ đầu tư 2 dây chuyền sơ chế sản phẩm thô, đi đôi với triển khai quy trình thu hái, phân loại hạt ngay tại nguồn, bao gói, lưu kho theo quy chuẩn quốc tế.

15-26-53_nh2
Ảnh: Quỳnh Trang

Bên cạnh đó, Cty sẽ phối hợp chặt chẽ với các HTX và nông dân liên kết từ việc cung ứng cây giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật, hướng tới SX đạt chuẩn Organic để vươn tới thị trường Australia và EU... Hiện tại, Cty cũng đã XK hạt sachi sang thị trường Hàn Quốc với sản lượng thí điểm trên 30 tấn/tháng, hiện đang tăng lên 50 tấn/tháng, tuy nhiên nguồn cung mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của nước này.

Hiện tại, Cty cũng đã phát triển và cho ra mắt nhiều sản phẩm ứng dụng từ cây sachi như: Viên nang Sachi Omega; dầu cao cấp Sachi Omega; bánh sachi Omega, trà Sachi... “Ở thị trường trong nước, sản phẩm của Cty hiện đã có mặt tại 30 tỉnh thành lớn của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam và các nước lân cận như Lào, Campuchia và Thái Lan cho thấy tiềm năng XK nguyên liệu thô có thể đạt trên 40 nghìn tấn/năm”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.
 

Còn nhiều băn khoăn

Được nhận xét có nhiều ưu điểm về khả năng thích ứng, dễ tính, tuy nhiên là cây trồng rất mới, kỹ thuật canh tác đối với cây trồng này là vấn đề cần phải hoàn thiện.

15-26-53_dscf5471
Sở NN-PTNT Hòa Bình lo ngại về chất lượng giống sachi

Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm: Sachi là cây trồng hiện đã được phát triển ở khá nhiều nước, trong đó tại Thái Lan đã được SX thâm canh với năng suất bình quân lên tới hàng chục tấn/ha/năm, thậm chí đã có mô hình năng suất đạt 14 tấn/ha/năm. Tuy nhiên tại Việt Nam, quy trình thâm canh cho cây trồng này hiện chưa rõ ràng.

Với cách trồng quảng canh, năng suất hiện mới chỉ đạt cao lắm từ 5 - 7 tấn/ha, thậm chí có nơi chỉ 2 - 3 tấn/ha. Với giá mà các DN thu mua hiện nay khoảng 35 - 40 nghìn đồng/kg (quy hạt khô), mỗi ha sachi cũng chỉ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm (tính ở giai đoạn cây đã thành thục, cho năng suất cao từ năm thứ ba sau trồng). Đây là mức thu nhập không phải quá hấp dẫn, chỉ có thể có sức cạnh tranh với cây trồng khác ở các vùng đất cằn cỗi, trồng các loại cây lương thực giá trị thấp như ngô, sắn... Tuy nhiên ở các vùng đất đẹp, sachi khó có thể cạnh tranh được với các loại cây công nghiệp hay cây ăn quả giá trị cao. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn nhất của sachi, đó là việc thu hoạch rải rác quanh năm, và cần rất nhiều công lao động...

Chưa được Bộ NN-PTNT công nhận giống

Ông Vương Đắc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Hòa Bình cho biết: Hiện nay, giống sachi mà Cty Sacha Inchi cung cấp có nguồn gốc từ Nam Mỹ, và chỉ có một giống duy nhất nhưng lại chưa được khảo nghiệm và được Bộ NN-PTNT công nhận giống.

Tại Hòa Bình, bên cạnh một số mô hình SX thử cây sachi cho năng suất khá, cũng có những nơi tỉ lệ đậu quả và năng suất rất thấp, bởi đặc điểm sinh học của hoa sachi rất khó thụ phấn. Bên cạnh đó, sachi là cây công nghiệp lâu năm, cần phải đầu tư giàn leo kiên cố bằng thép hoặc cột xi măng, trong khi do quy trình SX thâm canh chưa rõ ràng, nên hiện nông dân chỉ làm giàn cho cây leo rất sơ sài bằng cọc tre, nguy cơ sập giàn, phải phá bỏ làm lại là rất nguy hiểm...

Quan điểm của tỉnh là khi chưa được khảo nghiệm và được Bộ NN-PTNT công nhận giống cây trồng chính thức, tỉnh không khuyến cáo mở rộng cây sachi ra diện rộng, nhất là mở rộng diện tích theo kiểu quảng canh. Vì vậy bên cạnh việc tiến hành thủ tục khảo nghiệm công nhận giống, Cty Sacha Inchi cần phải ký hợp đồng rõ ràng với HTX và nông dân để trồng tập trung, thâm canh, có kiểm soát và chịu trách nhiệm. Thậm chí, Cty cần phải có khoản tiền ký quỹ, đặt cọc để phòng rủi ro cho nông dân khi tham gia liên kết SX với Cty.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.