| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp kỹ thuật làm lợi cho Cao su Chư Prông hàng tỷ đồng mỗi năm

Chủ Nhật 05/06/2022 , 13:37 (GMT+7)

Từ những thiết bị trên dây chuyền hiện có, Công ty Cao su Chư Prông đã nghiên cứu, cải tiến trong chế biến mủ SVR10 và làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đóng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hiện công ty đang quản lý hơn 9.546 ha cao su, trong đó đã đưa vào khai thác hơn 5.552 ha, năng suất bình quân 1,53 tấn/ha. Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giao với sản lượng 7.540 tấn, công ty phấn đấu khai thác 8.400 tấn đạt 111,4%.

Ông Võ Toàn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Prông cho biết, để nâng cao giá trị mủ cao su, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến mủ SVR10 và đưa vào sản xuất năm 2005.Tuy nhiên qua thực tế sản xuất cho thấy vẫn còn tồn tại một số chỉ tiêu không đạt như: Sản phẩm bị sống hạt, tạp chất chưa loại bỏ hoàn toàn, độ rộng các chỉ tiêu kiểm nghiệm lớn, chi phí sản xuất vượt định mức. Điện sản xuất vượt so với định mức, chi phí dầu tăng cao, công suất lò sấy chỉ đạt 88,4% so với thiết kế.

Bình quân chi phí sản xuất một tấn sản phẩm SVR10 tại thời điểm năm 2018 lên đến hơn 2,3 triệu đồng/tấn, cao hơn so với khung chi phí chế biến trên 243 ngàn đồng/tấn.

Mặt khác, khi sản xuất sản phẩm mủ SVR20 từ nguyên liệu mủ dây, sản phẩm Skim block từ nguyên liệu mủ Skim cũng có nhiều tồn tại về chất lượng, giá bán thấp và đặc biệt về môi trường, khí thải đã tác động lớn đến cộng đồng dân cư địa phương.

Thạc sỹ Võ Toàn Thắng, Chủ nhiệm đề tài kiểm tra, đối chứng màu sắc và chất lượng của các chủng loại mủ cao su sau khi chế biến.

Thạc sỹ Võ Toàn Thắng, Chủ nhiệm đề tài kiểm tra, đối chứng màu sắc và chất lượng của các chủng loại mủ cao su sau khi chế biến.

Từ thực tế trên, Công ty Cao su Chư Prông đã nghiên cứu đề tài “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10 sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén - mủ đông - mủ dây - mủ skim” do thạc sỹ Võ Toàn Thắng làm Chủ nhiệm đề tài; kỹ sư Phan Thanh Hà và  kỹ sư Võ Minh Sơn là đồng chủ nhiệm, kỹ sư Nguyễn Hoàng Tuấn và cử nhân Lương Quang Hiến làm cộng sự.

Đề tài này đã mang lại thành công rực rỡ khi áp dụng giải pháp kỹ thuật vào trong sản xuất chế biến mủ SVR10, theo đó chất lượng mủ đã đạt tiêu chuẩn và mang lại hiệu quả cho công ty mỗi năm hơn 2 tỷ đồng.

Theo giải pháp này, việc sản xuất, chế biến mủ SVR10 của Công ty Cao su Chư Prông thông qua 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là cán ủ nguyên liệu làm  tăng số lần cán rửa gia công cơ so với trước đây. Việc tăng số lần cán, băm, rửa liên tục nhằm loại bỏ tạp chất ngay từ lúc nguyên liệu còn tươi và tờ mủ được cán mỏng đều trước khi phơi ủ.

Giai đoạn 2 là sản xuất thành phẩm, giảm số lần gia công cơ (chỉ thực hiện qua hai thiết bị) tờ mủ đem cán đã được phơi ủ khô đều, hạt cốm nhỏ đều đồng nhất nên không còn trường hợp hạt to, hạt nhỏ, thời gian sấy được rút ngắn, tăng được công suất của lò sấy.

Dây chuyền sản xuất mủ cao su SVR10 cải tiến làm lợi cho Cao su Chư Prông hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Dây chuyền sản xuất mủ cao su SVR10 cải tiến làm lợi cho Cao su Chư Prông hàng tỷ đồng mỗi năm. 

“Thành công của đề tài là chúng tôi chọn phương án sản xuất sản phẩm cao su SVR10 theo một hướng đi mới, một ý tưởng sáng tạo mới. Đó là không phải đầu tư thiết bị, không phải nâng cấp công nghệ sản xuất, một hướng đi từ những thiết bị hiện có trên dây chuyền hiện có, chỉ sắp xếp lại một cách hợp lý thiết bị máy cán, lò sấy, bằng cách thay đổi tăng tần số gia công cơ cho giai đoạn cán ủ và giảm số lần gia công cơ cho sản xuất thành phẩm, loại bỏ một số thiết bị lỗi thời. Bên cạnh đó, đưa ra tỷ lệ phối trộn phù hợp giữa các dòng nguyên liệu đối với mủ chén - mủ đông - mủ dây - mủ skim”, ông Võ Toàn Thắng cho biết.

Chính từ những suy nghĩ, học hỏi, tìm hiểu các công nghệ sản xuất nhằm thực hiện hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất sản phẩm cao su SVR10 thông qua hội nghị chuyên đề chất lượng cao su và được phê duyệt thực hiện áp dụng vào sản xuất từ tháng 4/2019. Đến nay, kết quả đề tài của Công ty Cao su Chư Prông đã đạt được lợi ích kép đó là, kinh tế, kỹ thuật và xã hội.

Theo ông Võ Toàn Thắng, giải pháp kỹ thuật “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10, sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu đã được phối trộn mủ chén - mủ đông - mủ dây - mủ skim’’ là yêu cầu cấp thiết trong sản xuất, đã mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho sản xuất, đồng thời đã nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường từ đó tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của công ty.

Giải pháp kỹ thuật chế biến mủ cao su SVR10 của Cao su Chư Prông đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16. 

Giải pháp kỹ thuật chế biến mủ cao su SVR10 của Cao su Chư Prông đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16. 

Sau gần 3 năm áp dụng giải pháp kỹ thuật, sản phẩm SVR10 của Công ty Cao su Chư Prông đã đạt chất lượng sản phẩm thương hiệu VRG theo TCCS 112: 2017. Từ đó đã góp phần làm ổn định chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành trong chế biến, đặc biệt là dòng nguyên liệu mủ dây - mủ skim được phối trộn cùng với mủ đông - mủ chén theo một tỷ lệ phù hợp đã tạo nên một sản phẩm có chênh lệch giá bán tới gần 10 triệu đồng/tấn.

Nếu xuất bán mủ Skim thì giá bán chỉ được 26 triệu đồng/tấn, nhưng do công ty thực hiện theo giải pháp phối trộn nên sản phẩm đã bán được với giá 36 triệu đồng/tấn. Với sản lượng phối trộn khoảng 200 tấn/năm thì số tiền làm lợi khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tính từ năm 2019, đến nay tổng tiền làm lợi trong 3 năm lên tới 7 - 8 tỷ đồng.

Giải pháp “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10 sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén-mủ đông-mủ dây-mủ skim” của Công ty Cao su Chư Prông đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam công nhận tại Quyết định số 503/QĐ-CSVN, ngày 7/1/2020; Đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 10 (2020 – 2021) tại Quyết định số 12/QĐ–BTCHT, ngày 27/8/202 và đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021) tại quyết định số 1167/QĐ – LHHVN, ngày 30/12/2021 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.