| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp vật liệu thay thế tài nguyên cát sông

Thứ Hai 21/11/2022 , 09:23 (GMT+7)

Tài nguyên cát trên sông Mekong đang cạn dần khiến các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL thiếu hụt nguồn vật liệu. Các địa phương lên phương án tìm vật liệu thay thế.

Thiếu vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 cho vùng ĐBSCL khoảng 460 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 – 2025, vùng ĐBSCL dự kiến khởi công xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, nhưng gặp khó về nguồn vật liệu cát. Ảnh minh họa.

Giai đoạn 2021 – 2025, vùng ĐBSCL dự kiến khởi công xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, nhưng gặp khó về nguồn vật liệu cát. Ảnh minh họa.

Số vốn này sẽ được sử dụng để bố trí xây dựng, hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ, toàn bộ tuyến đường ven biển, một số trục động lực quan trọng kết nối với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, cảng hàng không hay các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Thế nhưng, trong khi các dự án đường cao tốc chuẩn bị khởi công lại phát sinh vấn đề thiếu nguồn vật liệu cát. Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tình hình thực hiện Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đang gặp khó khăn lớn về nguồn vật liệu cát. Đơn vị này tính toán, nhu cầu vật liệu cho dự án này là rất lớn, trong đó tổng nhu cầu vật liệu cát xây dựng là 0,8 triệu m3 và 18,46 triệu m3 cát đắp nền. Tuy nhiên, nguồn cung ứng chưa đủ để phục vụ dự án.

Thực tế, nguồn cát đủ tiêu chuẩn sử dụng cho đường cao tốc tập trung ở khu vực các tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp. Tại vùng hạ lưu hai con sông lớn trên, theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, qua khảo sát đánh giá, chất lượng cát tại các khu vực này có hàm lượng bùn sét cao từ 35 – 48%, phải trải qua sàn rửa mới có thể sử dụng, điều này sẽ dẫn đến giá thành có thể tăng cao.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã nhiều lần làm việc với các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng… đề nghị được hỗ trợ nguồn vật liệu cát cho dự án. Tuy nhiên, hiện chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác.

Đối với Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Dự án thành phần đi qua địa bàn TP Cần Thơ với chiều dài hơn 37km cũng rơi vào tình cảnh thiếu vật liệu cát tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xác định, nhu cầu vật liệu dự kiến cho tuyến đường này gần 5 triệu mét khối cát san lấp và 600 nghìn mét khối cát xây dựng. Thành phố đang tính đến phương án nhập cát từ nước bạn Campuchia, nhưng vẫn chưa có lời giải cho bài toán vật liệu này. Bởi cần phải lựa chọn được nguồn cát phù hợp, đạt tiêu chuẩn vừa phải tính toán về giá cả và phương thức vận chuyển.

Tìm nguồn vật liệu thay thế

Chuyên gia dự báo, cát sông Mekong sẽ cạn kiệt, không về vùng ĐBSCL trong tương lai. Ảnh: Kim Anh.

Chuyên gia dự báo, cát sông Mekong sẽ cạn kiệt, không về vùng ĐBSCL trong tương lai. Ảnh: Kim Anh.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong và một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, hàng năm lượng cát từ thượng nguồn đổ về vùng ĐBSCL tại sông Tiền và sông Hậu khoảng 7 triệu tấn. Thế nhưng có đến 6,5 triệu tấn/năm chảy ra biển Đông. Đồng nghĩa, lượng tài nguyên cát còn lưu trữ trên các sông chính này không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu khai thác cát hàng năm trên hai con sông này lên đến trên 28 triệu tấn.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc xây dựng các đập thủy điện chắn ngang dòng sông, những công trình này làm cho cát không thể di chuyển xuống hạ lưu. 

Ngành giao thông vận tải đang thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu thay thế tại vùng ĐBSCL, trong bối cảnh thiếu nguồn vật liệu cát san lấp. Ảnh: Kim Anh.

Ngành giao thông vận tải đang thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu thay thế tại vùng ĐBSCL, trong bối cảnh thiếu nguồn vật liệu cát san lấp. Ảnh: Kim Anh.

Từ những thực tế trên và để giải quyết vấn đề nguồn vật liệu cát phục vụ các công trình xây dựng cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đang đã thực hiện thí điểm nguồn vật liệu thay thế là cát biển. Nếu lấy cát biển thay thế cho cát sông thì riêng khu vực ĐBSCL lượng cát biển lên đến hàng tỷ khối, không chỉ phục vụ trong vùng mà còn có thể chia sẻ cho cả nước.

Dự kiến cuối năm 2023 sẽ có kết quả đánh giá thử nghiệm. Thông qua những nghiên cứu ban đầu cho thấy vật liệu thay thế rất khả thi, được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục xác minh thêm các yếu tố kỹ thuật khác. Việc nghiên cứu vật liệu cát biển thay thế cát sông là nhu cầu cấp thiết để phục vụ san lấp cho các dự án trọng điểm tại vùng ĐBSCL hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, phương án vật liệu thay thế là bài toán về kinh tế kỹ thuật chứ không đơn giản chỉ là bài toán về kỹ thuật. Vì thế, chủ đầu tư ở các địa phương, khi chuẩn bị phương án vật liệu cần tính toán rõ, kỹ lưỡng, chắc chắn các nhiều phương án vật liệu và dự kiến kinh phí.

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2021 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo, tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án ở vùng ĐBSCL khoảng 39 triệu m3. Trong đó, Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là 18,5 triệu m3; Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề là 17,8 triệu m3; Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu cần 1,3 triệu m3; Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh là 1,4 triệu m3.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.