| Hotline: 0983.970.780

Giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị Dương Kinh - Kiến Thụy gặp khó

Thứ Ba 20/08/2024 , 14:26 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại Dương Kinh - Kiến Thụy rộng hơn 240ha, liên quan đến đến 983 hộ dân đang khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Người dân băn khoăn về tiền bồi thường

Dự án khu đô thị mới triển khai tại phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) và xã Đông Phương, xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy), thành phố Hải Phòng đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương đã cơ bản xong việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có đất trong phạm vi dự án thực hiện kiểm kê, kê khai đất đai và tài sản gắn liền với đất theo quy định.

Khu vực cánh đồng tiếp giáp với khu vực dự án tại huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực cánh đồng tiếp giáp với khu vực dự án tại huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Việc tuyên truyền để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án diễn ra tích cực nhưng đến nay nhiều hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ với lý do là giá đất còn thấp, nhất là giá đất nông nghiệp được bồi thường của huyện Kiến Thụy chênh lệch so với quận Dương Kinh khoảng 117 triệu đồng/1 sào, dù vị trí nằm sát nhau.

Cụ thể, về đất nông nghiệp (trồng lúa) tiền bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn quận Dương Kinh (đã bao gồm hỗ trợ chuyển đổi nghề là 780.000 đồng/1 m2 (tương ứng với hơn 280 triệu đồng/1 sào). Còn ở Kiến Thụy, mức bồi thường là 453.600 đồng/1 m2 (tương ứng với hơn 163 triệu đồng/1 sào).

Theo UBND huyện Kiến Thụy, dự án không thuộc trường hợp chủ đầu tư phải thỏa thuận với người có đất thu hồi mà Nhà nước thu hồi đất theo quy định Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Nguyên nhân có sự chênh lệch giá đất nông nghiệp giữa quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy là do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và do mặt bằng giá đất trên địa bàn các quận từ trước đến nay đều cao hơn địa bàn các huyện.

Từ năm 2019 đến nay, UBND thành phố Hải Phòng chưa điều chỉnh giá đất nông nghiệp nên tất cả các dự án trên địa bàn các quận và các huyện, kể cả các dự án thuộc khu vực giáp ranh giữa các quận và huyện, trong đó có các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn huyện Kiến Thụy như: Thủy Nguyên, An Dương thì mức giá đất nông nghiệp để tính tiền 5 lần hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đều áp giá 72.000 đồng/1 m2.

Bí thư Chi bộ một thôn ở xã Đông Phương thắc mắc, vì sao trên cùng một cánh đồng, mới chia tách được 10 năm nhưng tiền đền bù lại chênh nhau đến hàng trăm triệu đồng trên 1 đơn vị diện tích. Ảnh: Đinh Mười.

Bí thư Chi bộ một thôn ở xã Đông Phương thắc mắc, vì sao trên cùng một cánh đồng, mới chia tách được 10 năm nhưng tiền đền bù lại chênh nhau đến hàng trăm triệu đồng trên 1 đơn vị diện tích. Ảnh: Đinh Mười.

Trước những kiến nghị của người dân, huyện đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ, UBND thành phố Hải Phòng sau đó đã họp, chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu. Đồng thời với đó, Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng cũng có văn bản đề xuất với Thường trực Thành ủy về việc xem xét giải quyết bất cập này.

Tuy nhiên sau khi nghiên cứu, trên cơ sở tham mưu của các đơn vị, UBND thành phố Hải Phòng khẳng định “các kiến nghị, đề xuất của UBND huyện về giải quyết chênh lệch giá đất nông nghiệp giữa quận và huyện không có căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết”.

“Chúng tôi đã kiến nghị và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp để xem xét và có chỉ đạo để xác định được cơ chế hỗ trợ khác nhưng không có quy định pháp luật nào có thể áp dụng để thực hiện. Do vậy, những yêu cầu của người dân liên quan đến chênh lệch giá đất giữa đơn vị hành chính quận và huyện đang vướng mắc và khó khăn”, ông Lưu Văn Thụy, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy thông tin.

Đảm bảo lợi ích người dân trên cơ sở các quy định pháp luật

Về vấn đề này, UBND huyện Kiến Thụy đã tổ chức hội nghị công khai mời các bên liên quan gồm: lãnh đạo huyện, các phòng ban chuyên môn, hội luật gia, đại diện chính quyền địa phương, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn,... để tìm tiếng nói chung và giải thích các quy định pháp luật cho người dân nắm bắt rỏ ràng hơn.

Ông Lưu Văn Thụy - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy - chia sẻ về những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lưu Văn Thụy - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy - chia sẻ về những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Đức Hòa – Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy cho biết, quan điểm của huyện là đặt quyền lợi, lợi ích của người dân hàng đầu và sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng tốt nhất của người dân trên cơ sở pháp luật cho phép. Chính quyền địa phương đã tìm đủ mọi cách để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và đã đưa ra phương án bồi thường tốt nhất.

Theo đó, tiền bồi thường, hỗ trợ tới 6 lần, trong đó 1 lần tiền bồi thường theo giá cụ thể do UBND quận, huyện ban hành và thêm 5 lần tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo việc làm theo bảng giá đất nông nghiệp của UBND thành phố Hải Phòng. Giá đất nông nghiệp cụ thể tính tiền bồi thường về đất tại dự án này trên địa bàn xã Đông Phương, Đại Đồng đã cao hơn 30% mức giá đất nông nghiệp để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án khác trên địa bàn huyện.

Về đất ở, mức giá bồi thường ở xã Đại Đồng và xã Đông Phương trong khu vực triển khai dự án lần này cao hơn mức do UBND thành phố Hải Phòng ban hành những năm gần đây tại các đã từng triển khai trên địa bàn như: Dự án đường 363, đường 354.

Ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy - khẳng định sẽ đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu, trên cơ sở pháp luật cho phép. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy - khẳng định sẽ đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu, trên cơ sở pháp luật cho phép. Ảnh: Đinh Mười.

“Phương châm là đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu nhưng phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật. Các phòng, ban chuyên môn và các địa phương tuyên truyền chủ trương đường lối theo một khung chuẩn, tránh mỗi nơi một kiểu làm người dân hoang mang. Mong rằng chủ đầu tư đồng hành, hỗ trợ những gia đình khó khăn, tháo dỡ, di chuyển tài sản hợp pháp trong quá trình triển khai vì ngân sách không chi được những khoản này”, ông Hòa đề nghị.

Theo đại diện chủ đầu tư, đây là lần đầu tiên khu tái định cư được đưa vào trong dự án theo đề nghị của địa phương. Người dân tái định cư được hưởng các tiện ích của khu đô thị nhưng phải tuân thủ các quy định chung và xây theo mẫu thiết kế chung.

Về giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư chỉ triển khai dự án khi đã có mặt bằng sạch. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất nhà ở thương mại được thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý và đóng thuế cho Nhà nước theo quy định.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 23 nghìn tỷ đồng, bao gồm các loại hình nhà ở thấp tầng, nhà ở chung cư, các công trình công cộng, các công trình thương mại dịch vụ, trường học, y tế,... Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, cơ hội hiện nay để xây dựng một khu đô thị hiện đại, văn minh, tăng thêm cơ hội việc làm, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy và thành phố Hải Phòng nói chung.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Người dân có thể đến siêu thị Co.opmart tránh lũ tạm thời

Trong hoàn cảnh bão lũ, siêu thị Co.opmart tại Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng đã linh động dành sảnh siêu thị để người dân có thể đến sạc điện thoại, uống nước miễn phí.