Chuyển mạnh những cây trồng ít hao nước
Để ứng phó với nắng nóng kéo dài do hiện tượng El Nino, ngay từ vụ đông xuân 2022 - 2023, Bình Định đã chuyển đổi mạnh nhiều diện tích đất lúa sang các loại cây trồng cạn ít tiêu tốn nước.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, trong vụ đông xuân vừa qua, sản xuất lúa của Bình Định giảm đến 1.300ha. Trong đó, có khoảng 900ha chuyển sang trồng đậu phộng (lạc) 400ha, rau màu 270ha, cỏ chăn nuôi 125ha... Vùng chuyển đổi trồng tập trung tại huyện Phù Cát, Tây Sơn và huyện Hoài Ân.
Do đó, diện tích sản xuất bắp, đậu phộng và ớt trong vụ đông xuân ở Bình Định tăng cao. Riêng cây bắp đạt trên 2.300ha; cây lạc trên 8.500ha; cây ớt trên 2.100 ha. Các loại cây trồng cạn được nông dân đầu tư thâm canh, sử dụng các giống mới, giống lai. Gặp thời tiết thuận lợi, cây trồng cạn cho năng suất tăng hơn so vụ đông xuân năm trước.
Vụ hè thu 2023, Bình Định bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước tưới. Vùng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa được thực hiện liên vùng, hạn chế hiện tượng lúa màu trồng đan xen, dẫn tới nước tưới lúa làm úng cục bộ cây trồng cạn.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phụ thuộc lớn vào đặc điểm của từng vùng nhằm phát huy hiệu quả. Theo đó, ngành nông nghiệp Bình Định đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi phù hợp với từng nơi.
Ở khu vực miền núi, các vùng thiếu nước, việc chuyển đổi ưu tiên cho cây trồng lâu năm, đồng thời có thể tính toán xen canh cây trồng thích hợp; ở các vùng ổn định nguồn nước, ưu tiên chuyển đổi bắp, đậu phộng, rau các loại.
“Đối với cây màu chỉ cần tưới đủ độ ẩm để cây trồng phát triển, chu kỳ tưới cũng cách xa hơn so với tưới cho lúa, nắng nóng gay gắt thì 5-7 ngày tưới 1 lần, ít nắng nóng thì 10-15 ngày tưới 1 lần. Trong vụ hè thu, bình quân 1 ha lúa cần phải tưới 10.000m3 nước, trong khi đó 1 ha cây màu chỉ cần tưới 5.000m3, vị chi trồng các loại cây màu sẽ giảm được 50% lượng nước tưới so với cây lúa”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, chia sẻ.
Kết hợp nhiều giải pháp chống hạn
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, trong vụ hè thu năm nay ngành nông nghiệp đã phối hợp các địa phương rà soát lại quy hoạch, bố trí sản xuất theo hướng giảm dần diện tích đất lúa, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Vùng gò đồi, các diện tích ở cuối kênh, cuối khu tưới và các trạm bơm được chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn sử dụng ít nước như các loại cây rau đậu, bắp, cây ăn trái, cỏ chăn nuôi…
Ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc Phụ trách Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, trong vụ hè thu 2023, công ty còn tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động người dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả.
“Chúng tôi còn phối hợp với Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 7 trong việc điều tiết nguồn nước từ hồ Đơn Dương và hồ Tân Mỹ hợp lý, để đảm bảo cấp đủ nước phục vụ nước sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất của người dân trên địa bàn Ninh Thuận trong suốt mùa khô năm 2023.
Chủ trì, phối hợp với các trạm thủy nông thường xuyên kiểm kê, đánh giá nguồn nước trữ tại các công trình thủy lợi do công ty quản lý để kịp thời điều chỉnh kế hoạch điều tiết cấp nước hợp lý, tiết kiệm và theo đúng quy trình vận hành của công trình”, ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, cho hay.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi thì rất nghiêm cẩn trong vận hành công trình đúng quy trình, bảo đảm việc phân phối nước hợp lý, tiết kiệm với phương châm tưới ướt ráo; vùng xa, vùng cao tưới trước, vùng gần, vùng thấp tưới sau.
Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi thường xuyên quan trắc, kiểm tra rò rỉ, thẩm lậu nước tại các công trình kênh mương; sửa chữa các cống tưới có cửa van bị rò rỉ nước, trám trít các vị trí người dân tự ý mở, trong đó chú ý các cống xả nước, đặc biệt nghiêm cấm việc tự ý mở các cống xả trên kênh.
Đối với hệ thống kênh chìm có đập điều tiết dâng nước, công ty tập trung lắp ráp ván phai để tích nước thừa và nước hồi quy nhằm phục vụ chống hạn. Công ty còn phối hợp với địa phương tổ chức kiểm tra các nguồn nước khác ngoài nguồn nước của các công trình thủy lợi hiện có trong khu tưới, ví như nguồn nước ngầm, nước mặt để đề ra giải pháp khai thác tốt nhất nhằm phục vụ chống hạn. Không loại trừ hình thức làm công trình tạm, đào ao, đóng giếng, nạo vét khai thông mương dẫn để lấy nước bơm, tát.
Theo ông Hà Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi, trong mùa hạn năm 2023, công ty sẽ điều hành khu tưới phía Nam huyện Mộ Đức và phía Bắc sông Trà Câu (huyện Đức Phổ) để tiếp nước từ hồ chứa nước Núi Ngang qua kênh chìm Suối Muôn vào kênh chính Nam sông Vệ để ứng phó với khô hạn. Tổ điều hành nước liên hoàn giữa các đơn vị có nhiệm vụ điều tiết nước hợp lý trong vụ hè thu năm 2023 đối với kênh chính Nam và Bắc Thạch Nham.
Ngành chức năng tỉnh này tính toán, nếu lưu lượng nước đến tại đầu mối thủy lợi Thạch Nham lớn hơn 55m3/giây công ty sẽ vận hành tưới bình thường và trữ nước vào các kênh chìm trong hệ thống. Trường hợp lưu lượng nước đến tại đầu mối thủy lợi Thạch Nham từ 25 - 50m3/giây, công ty sẽ vận hành tưới luân phiên các kênh cấp I trên kênh chính theo lịch tưới luân phiên của công ty, không xả nước xuống kênh chìm thông qua các cống xả trên kênh.
Ông Hà Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi cho biết: “Các vùng tưới từ các trạm bơm điện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Công ty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi đã làm việc với Điện lực Quảng Ngãi, đăng ký lịch các trạm bơm luân phiên hợp lý, phù hợp lịch dùng điện của Điện lực Quảng Ngãi trong mùa khô, để những diện tích phụ thuộc nguồn nước của các trạm bơm không bị thiếu nước tưới”.