Ngăn triều, tiêu úng hiệu quả
Ngày 26/9, tại Kiên Giang, Đoàn công tác Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam và các địa phương trong vùng hưởng lợi, nhằm đánh giá kết quả vận hành cụm công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hỗ trợ giảm ngập úng do mưa lớn và triều cường dâng cao. Đồng thời, triển khai kế hoạch vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong mùa lũ năm 2024.
Trong tháng 9/2024, trên biển Đông xuất hiện 2 cơn bão (bão số 3 và bão số 4), ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, trong đó hoàn lưu bão đã gây mưa lớn diện rộng tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Cùng với đó, từ ngày 22-25/9 là cao điểm triều cường biển Tây, nước dâng cao kết hợp với lượng mưa lớn gây nguy cơ ngập lụt, úng tại những vùng trũng thấp.
Trước thực tế trên, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam đã triển khai vận hành tiến hành vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô nhằm hỗ trợ giảm ngập úng, tiêu thoát lũ.
Cụ thể, từ ngày 19-24/9, cống Cái Lớn đã được vận hành đóng 5/11 cửa van để kiểm soát triều cường, hỗ trợ tiêu úng, thời gian đóng từ 5-9 tiếng/ngày và mở hoàn toàn 11/11 cửa van khi triều rút. Cống Cái Bé vận hành đóng hoàn toàn 2 cửa van khi triều lên, phương tiện thủy di chuyển qua âu thuyền và mở các cửa van khi triều xuống. Cống Xẻo Rô chủ yếu mở tự do.
Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết, kết quả vận hành linh hoạt, hiệu quả các công trình, đã giảm lượng nước tràn vào nội đồng do triều, đã làm giảm mực nước nội đồng tạo điều kiện để địa phương vận hành các công trình bên trong giảm ngập úng. Qua kiểm tra, rà soát của đơn vị tại thực địa, phối hợp nắm bắt thông tin từ địa phương, trong suốt đợt vận hành các công trình, không xảy ra tình trạng úng, ngập gây thiệt hại về sản xuất, không gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và các hoạt động kinh tế khác.
Bảo vệ hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu
Kết quả vận hành cụm công trình cống Cái Lớn, Cái Bé đã làm giảm mực nước nội đồng xuống, càng gần cống mực nước giảm càng nhiều, góp phần ứng phó với thiên tai, bảo vệ hàng trăm ngàn ha sản xuất nông nghiệp. Trong đó, riêng tại tỉnh Kiên Giang có 7 huyện thuộc vùng dự án), lúa hè thu năm 2024, đã thu hoạch hơn 77.300/105.6300 ha xuống giống, lúa thu đông năm 2024 đã xuống giống trên 40.000ha, lúa vụ Mùa 2024-2025 đã xuống giống gần 18.700ha và diện tích nuôi trồng thủy sản thực hiện lũy kế khoảng 118.500ha.
Tỉnh Hậu Giang, trên 48.500ha lúa hè thu 2024 nằm trong vùng dự án đã thu hoạch gần dứt điểm, lúa thu đông 2024 đang có trên ruộng là 16.250ha, diện tích gieo trồng rau màu lũy kế trên 13.000ha, cây ăn trái các loại hơn 12.800ha và gần 6.000ha nuôi thủy sản trong ao, ruộng.
Tại tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, diện tích lúa hè thu 2024 hơn 40.000ha đã được nông dân thu hoạch xong, lúa thu đông 2024 và lúa vụ Mùa 2024-2025 khoảng 10.000ha đã xuống giống. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn ha rau màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản các loại đã được bảo vệ an toàn.
Để tăng hiệu quả vận hành giảm ngập và tiêu úng, Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong đề nghị Công ty phối hợp chặt chẽ với các Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, Kỹ thuật Biển, Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ và Đài Khí tượng thủy văn các tỉnh trong trao đổi, chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo về tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước, chất lượng nước khu vực, triều cường, nước biển dâng để phục vụ cho lập kế hoạch vận hành các công trình phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh kinh tế vùng dự án.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các tỉnh trong công tác vận hành công trình ứng phó với thiên tai. Đồng thời, phối hợp với Sở NN-PTNT các địa phương vùng dự án thường xuyên trao đổi thông tin về kế hoạch sản xuất, khung lịch thời vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiến độ sản xuất để có kế hoạch vận hành công trình phù hợp, đạt hiệu quả tối ưu.
Riêng tại tỉnh Kiên Giang, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp, xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông kết hợp bờ bao hạ lưu các cống phía biển, đồng bộ với các công trình đầu mối thuộc hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình kiểm soát tại các vị trí kênh thông ra sông, biển, tạo thành vành đai khép kín, giúp nâng cao hiệu quả kiểm soát triều cường trên toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, đánh giá cao hiệu quả công tác vận hành cụm công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong phòng chống thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn và ngăn triều, tiêu úng, giảm ngập lụt trong mùa mưa bão, lũ nội đồng. Điển hình là qua các vụ sản xuất vụ đông xuân 2023-2024, hè thu, thu đông 2024 và vụ mùa 2024-2025 đã và đang được bảo vệ an toàn, gần như không có thiệt hại xảy ra.