| Hotline: 0983.970.780

Ngăn triều, tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh

Thứ Ba 24/09/2024 , 14:44 (GMT+7)

Kiên Giang Cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô đã được vận hành để ngăn triều, tiêu úng do mưa lớn diện rộng, lũ nội đồng để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Ứng phó mưa lũ kết hợp triều cường

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị đã có công văn gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL tăng cường đề phòng ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường cuối tháng 9 đến an toàn công trình và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.

Cống Cái Lớn đang được vận hành linh hoạt, đóng từ 3 - 7 cửa van để ứng phó triều cường, lũ nội đồng và mưa lớn diện rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Cống Cái Lớn đang được vận hành linh hoạt, đóng từ 3 - 7 cửa van để ứng phó triều cường, lũ nội đồng và mưa lớn diện rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN-PTNT, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa, lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông, kết hợp với triều cường nên mực nước sông Cửu Long dâng cao, đặc biệt ở vùng giữa và ven biển có thể vượt mức báo động 3. Lũ kết hợp triều cường có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an toàn của hệ thống đê bao, bờ bao ở các khu vực trùng, thấp tại các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và TP Cần Thơ.

Để đề phòng thiệt hại do lũ, triều cường gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần tổ chức sửa chữa, gia cố các đoạn đê bao, bờ bao, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn. Tăng cường tổ chức trực ban, canh coi các đoạn đê bao, bờ bao, công trình xung yếu để kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố xảy ra. Chủ động vận hành công trình thủy lợi đề phòng, chống ngập lụt, tiêu úng hiệu quả, phục vụ sản xuất, dân sinh và bảo đảm an toàn công trình.

Trước tình hình trên, đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi lớn, liên tỉnh do Bộ NN-PTNT đầu tư tại ĐBSCL đã chủ động vận hành ứng phó với thiên tai.

Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, từ ngày 19 - 24/9, Công ty đã vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô ứng phó triều cường, lũ nội đồng và mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng hoàn lưu bão nhằm hỗ trợ tiêu úng, phòng chống ngập, lụt.

Căn cứ thực tế diễn biến triều, tình hình ngập úng nội đồng, ngập vùng hạ lưu công trình sẽ vận hành linh hoạt về thời gian, số lượng cửa van đóng - mở các cống. Theo đó, cống Cái Lớn sẽ đóng từ 3, 5, đến 7 cửa van khi triều lên và mở hoàn toàn 11/11 cửa van khi triều xuống. Cống Cái Bé sẽ đóng, mở hoàn toàn 2/2 cửa van. Khi đóng 2 cửa van, tàu thuyền di chuyển qua âu thuyền. Cống Xẻo Rô sẽ đóng, mở cửa van khi có yêu cầu của địa phương

Phối hợp vận hành công trình

Để phát huy hiệu quả vận hành cụm công trình Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, rất cần sự phối hợp của các địa phương trong vùng hưởng lợi dự án, nhất là sự kết hợp vận hành đồng bộ các công trình thủy lợi do địa phương quản lý. Do đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam đề nghị Chi cục Thủy lợi Kiên Giang phối hợp trong công tác vận hành các công trình do đơn vị quản lý thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin về việc vận hành hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên và các hệ thống có liên quan.

Ngoài việc vận hành cụm công trình Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, cần có sự phối hợp vận hành đồng bộ các công trình thủy lợi do địa phương quản lý. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài việc vận hành cụm công trình Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, cần có sự phối hợp vận hành đồng bộ các công trình thủy lợi do địa phương quản lý. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích nằm trong vùng hưởng lợi lớn nhất của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé với hơn 247.400ha (chiếm 64% diện tích vùng dự án). Việc vận hành hiệu quả công trình đã góp phần bảo vệ vùng sinh thái ngọt (hơn 145.600ha), ngăn mặn xâm nhập và vùng sinh thái lợ kiểm soát được nguồn nước với độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Các địa phương trong vùng dự án không phải đắp đập tạm thời vụ, giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết đã triển khai xây dựng và bổ sung phương án phòng, chống ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng năm 2024 trên địa bàn các huyện vùng ảnh hưởng lũ. Theo đó, đã đưa ra cảnh báo mực nước lên cao gây ngập úng các khu vực sản xuất ven các kênh Cái Sắn, Rạch Giá - Long Xuyên, Ba Thê, Mỹ Thái, Tri Tôn… Căn cứ vào tình hình sản xuất, ước tính toàn tỉnh Kiên Giang có trên 95.100ha lúa thu đông 2024, 16.760ha cây ăn trái, 1.456ha hoa màu và hơn 136.260ha tôm nuôi nước lợ nằm trong vùng ảnh hưởng lũ.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành hệ thống cống, nhất là hệ thống thoát lũ ra biển Tây để kịp thời tiêu úng do mưa lớn kết hợp triều cường và tiêu thoát lũ từ thượng nguồn đổ về. Đồng thời rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng. Phối hợp với các địa phương tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn sản xuất.

Qua đó, góp phần bảo vệ dân sinh kinh tế vùng hưởng lợi của dự án Cái Lớn - Cái Bé trên địa bàn 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cá Mau với tổng diện tích hơn 384.000ha. Đặc biệt là bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp trên 346.200ha, phục vụ thu hoạch vụ lúa hè thu, sản xuất vụ lúa thu đông 2024 và nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, các cơ quan báo chí

Trong quá trình sắp xếp các Bộ, trường hợp có 2 báo đang tự chủ chi thường xuyên trở lên thì trước mắt duy trì và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp.

Làng hoa An Lạc chong đèn phục vụ thị trường Tết

Quảng Trị Năm nay, làng hoa An Lạc tăng khoảng 20% diện tích. Những ngày đầu tháng 11 âm lịch, làng hoa đỏ đèn suốt đêm để điều tiết hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng

Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...