| Hotline: 0983.970.780

Giống trợ giá bán tự do ở Phú Thọ, nghi xuất phát từ Vĩnh Phúc

Thứ Bảy 06/02/2021 , 14:53 (GMT+7)

Đại lý S huyện Tân Sơn lôi từ đáy thùng xe kéo dựng ở mé nhà mấy bao lúa giống loại 1 kg, đon đả: “Mua giúp em đi, còn có gần 10 túi thôi”.

Đủ loại giống được bày bán ở một chợ phiên, ảnh chụp lại màn hình facebook của một nhân vật. Ảnh: DĐT.

Đủ loại giống được bày bán ở một chợ phiên, ảnh chụp lại màn hình facebook của một nhân vật. Ảnh: DĐT.

Từ cửa hàng đến các chợ phiên

“Hôm trước em đi chợ Tân Phú người ta vét đã gần hết nên chỉ còn chừng này thôi”, S. vừa giải thích vừa cầm một bao giống ADI trợ giá xoay xoay, lật lật. Khác với giống thương mại thông thường, màu sắc của nó khu biệt hẳn, xanh đậm.

Trong khi cửa hàng bày đầy các loại giống thương mại thông thường khác của ThaiBinh seed, Vinaseed hay ADI thì mặt hàng trợ giá chúng được cất ở một nơi bí mật.

Người quen của S. ra ý trách móc: “Năm nay mày ăn đủ còn gì nữa? Vừa rồi mò được một món trợ giá hời thế mà chẳng bảo với anh em tí nào”.

S. cười hì hì: “Em cũng chẳng nghĩ ra chứ không đã làm được chục tải TBR 225 nữa, giờ giá đắt rồi, bán 60.000đ/kg. Em vớt được 7 tải giá hơn 30.000đ/kg nhưng lúc ban đầu bán không được 60.000đ/kg đâu…”.

“Mày vớt được hàng đấy (trợ giá) mà vẫn đắt á?”. Người quen của S. hỏi. “Cũng đắt chứ, đã cháy thì ở đâu nó chẳng cháy, quan trọng là giá bao nhiêu thôi chứ?”, S. giải thích.

Bao giống ADI, nghi là hàng trợ giá trong đáy xe kéo của S. Ảnh: DĐT.

Bao giống ADI, nghi là hàng trợ giá trong đáy xe kéo của S. Ảnh: DĐT.

Bao giống ADI, nghi là hàng trợ giá trong đáy xe kéo của S. Ảnh: DĐT.

Bao giống ADI, nghi là hàng trợ giá trong đáy xe kéo của S. Ảnh: DĐT.

Người quen của S. mở lời: “Tao có mối hàng ở vùng ngược của tỉnh Sơn La, trên đó người ta cấy muộn, tưởng mày có nhiều hàng nên đến hỏi chứ ít thế này thì không mua nữa”. S cười: “Giờ này cuối vụ rồi còn giữ hàng để mà em chết, đem xay à?”.

“Lúc nãy tao gọi cho bà T.H (một đại lý ở khác huyện). Mày có phải lấy hàng của bà ấy không?”. Người quen của S. hỏi. “Không, em lấy chỗ khác, cả vụ vừa rồi được có 5 tải”, S trả lời. “Chắc phải nhiều hơn thế chứ mọi vụ mày lấy của tao hàng công ty (hàng thương mại thông thường) nhiều lắm mà vụ rồi chẳng lấy tí nào”.

Bị phủ đầu như thế S. phải vội vàng giải thích: “Em chẳng lấy 3 tải Thiên Ưu 8 còn gì, lúc đầu báo giá 30.000đ/kg thế mà giấy gửi lên lại thành 31.000đ/kg trong khi loại này lấy giá có 27.000đ/kg mà bán ra cho dân vẫn bằng giá nhau hết”.

Giống trợ giá có loại bao bì giống hệt với giống thương mại chỉ khác nhau mỗi mã số lô nhưng có loại thì không chỉ khác về màu sắc mà còn in rõ chữ của chương trình hỗ trợ. Loại có chữ bình thường giá bán sẽ rẻ hơn thậm chí ở một số vùng nông dân còn không mua vì thấy mẫu mã khang khác nhưng với huyện vùng cao Tân Sơn này, khi vào mùa rộ, nhiều người cũng chẳng hay để ý.

Năm nay đại lý T cũng ở huyện Tân Sơn chỉ lấy 1 tải Thiên Ưu 8 chắc để bày làm vì, tránh các đoàn kiểm tra còn lại chủ yếu bán hàng trợ giá hết.

Những thủ đoạn để che mắt

Đại lý cấp 1 K ở huyện Thanh Sơn cho hay tỉnh Phú Thọ đã 4, 5 năm nay không còn chương trình trợ giá giống nữa nên những sản phẩm trợ giá xuất hiện trên thị trường cỡ 2 năm nay có thể xuất phát từ tỉnh bạn, Vĩnh Phúc sang.

Chúng được đánh mã số lô riêng, khác với mã lô hàng thương mại hoặc màu sắc, ký hiệu riêng, phá giá làm loạn thị trường. Giống trợ giá có Thiên Ưu 8 của Vinaseed, TBR 225 của ThaiBinh seed, ADI 28 của ADI, ở vụ mùa do dân các nơi bỏ ruộng nhiều, loại hàng này dội về sẽ nhiều hơn.

TBR 225 hàng trợ giá cũng giống mẫu mã với hàng thương mại thông thường, chỉ khác về số lô. Giờ chỉ có ADI 28 là khác biệt về màu sắc, hàng thương mại thông thường có màu mạ non còn hàng trợ giá có màu xanh đậm:

“ADI 28 chúng tôi giao 30.000đ/kg nhưng hàng dự án họ chỉ giao 25-26.000đ/kg, vụ này TBR 225 cháy hàng nên giá cả không chênh lệch rõ.

Trong mấy chục đại lý cấp 2 của chúng tôi có khoảng ¼ là bán hàng trợ giá. Tuy nhập rẻ như thế nhưng khi họ bán đến dân vẫn bằng giá hàng thương mại thông thường nhập của công ty nên lãi gấp nhiều lần, mỗi kg ít nhất cũng được 7-10.000đ.

Mỗi vụ nếu như không có hàng trợ giá chúng tôi bán được khoảng 80-90 tấn nhưng kể từ khi có hàng loại này bán tràn lan, thị phần hụt mất 2/3 bởi những đại lý cấp 2 thấy rẻ mà chuyển sang mua.

Hiện ở một số huyện ở Phú Thọ có những người chuyên đánh loại trợ giá này về bán lại cho đại lý cấp 2 hoặc đại lý cấp 2 có thể đánh hàng thẳng từ Vĩnh Phúc về.

Tôi cũng không biết tại sao đại lý cấp 2 lấy được hàng đó chứ đại lý cấp 1 như chúng tôi dù có gọi họ cũng bảo không có hàng”.

Người dân ra mua giống tại đại lý (ảnh minh họa). Ảnh: DĐT.

Người dân ra mua giống tại đại lý (ảnh minh họa). Ảnh: DĐT.

Cũng theo K., hàng trợ giá chủ yếu bán ở chợ phiên của các xã, cất trong bao tải kín đáo chứ ít khi dám bày công khai, ở cửa hàng lại càng phải giấu kỹ vì tuy vẫn chất lượng chuẩn nhưng sợ người của công ty giống hay quản lý thị trường đi kiểm tra.

Tuy nhiên cũng có đại lý cấp 2 còn rao bán cả trên facebook cho nhiều người tiếp cận hay như hàng của công ty ADI lúc mới ra có kệ để trưng bày, có lần còn phát hiện đại lý bày nguyên kệ hàng dự án. Mỗi lần phát hiện ra hàng trợ giá bị bán ra ngoài như vậy K. đều báo cho công ty giống và họ cũng cho người đi kiểm tra, sau đó tình hình yên được một thời gian rồi lại có.

“Mỗi vụ bán không hết hàng chúng tôi đều phải thu hồi lại để trả về công ty nhưng cũng có khi thu hồi phải loại mã số lô của hàng dự án nên không được chấp nhận nên giờ đây thu của nhà ai phải ghi tên để khỏi lẫn”. 

Lý do có hàng trợ giá trên thị trường tự do, K. bảo có thể do giống về muộn, dân đã mua giống khác hoặc chính giống ấy về trồng trước rồi nên phải bán đi, cũng có thể do cán bộ phụ trách chương trình trợ giá của địa phương tuồn ra bán kiếm lời.       

Theo Tổng Giám đốc một công ty giống tuy không làm trợ giá nhưng biết rõ cách thức này cho hay phía doanh nghiệp không bao giờ có ý định tuồn hàng trợ giá ra ngoài thị trường tự do bởi như thế chẳng khác gì tay phải chặt vào tay trái, cạnh tranh với chính sản phẩm thương mại của mình, gây tổn hại cho các đại lý: “Chỉ có những người làm chương trình trợ giá của các địa phương có ý định rút tiền ngân sách nhà nước mới làm thế. Họ cứ theo diện tích mà tính ra lượng giống nhưng do dân mua bên ngoài nhiều nên thừa ra hoặc theo kế hoạch để đăng ký giống nhưng lấy khống để bán ra ngoài chứ không đưa vào dự án”.

Những nghi vấn trên xin được chuyển về cho cơ quan chức năng của hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc để xác minh, làm rõ. 

“Những đại lý cấp 1 như chúng tôi không thể vớt được hàng trợ giá dù có đặt vấn đề như thế nào đi chăng nữa nhưng công ty họ cũng từ chối. Thế mà chẳng hiểu thế nào cánh đại lý cấp 2 như S, như T đều vớt được, có những phiên chợ họ còn bán hơn 20 triệu tiền hàng”, lời của K.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.