| Hotline: 0983.970.780

Giúp nông dân giảm lượng phân bón trên ruộng đồng

Thứ Tư 22/02/2023 , 12:54 (GMT+7)

Với mục tiêu giúp nông dân từng bước giảm lượng phân bón trên ruộng đồng, ‘bạn tri kỷ của nhà nông’ Lê Quốc Phong đã quyết định thử nghiệm trên 228 ha lúa tại ĐBSCL…

Nhiệt huyết lạ kỳ

Trước chuyến tham quan, dù chưa biết kết quả cuộc thử nghiệm giảm lượng phân bón thế nào, nhưng với nhiệt huyết đến lạ kỳ của “ông già gân” Lê Quốc Phong – người từng tạo nên tên tuổi của một đơn vị phân bón phía Nam trong những năm đất nước đổi mới, chuyển mình - khiến không ít người hăm hở và tò mò.

66 tuổi và chắc cũng đã khá giả, vậy mà doanh nhân Lê Quốc Phong bao nhiêu năm nay vẫn thế: vẫn vận áo thun và quần jean bạc màu, vẫn đam mê lội ruộng, vẫn hăm hở thăm hỏi và nhậu rượu đế hết mình cùng bà con nông dân khắp nơi…

'Ông già gân' Lê Quốc Phong và hành trình vào thăm ruộng đồng của bà con nông dân tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang - ngày 20/2/2023.

“Ông già gân” Lê Quốc Phong và hành trình vào thăm ruộng đồng của bà con nông dân tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang - ngày 20/2/2023.

Thành lập Công ty phân bón 2Phong khi đã trên 60 tuổi, doanh nhân Lê Quốc Phong vừa tiếp tục sống với công việc sản xuất, kinh doanh phân bón đã ngấm vào “máu thịt” của mình, vừa mong muốn làm gì đó có lợi cho người bạn “tri kỷ” nông dân. Chính vì thế mà có những nhà nông chẳng ngại bày tỏ là họ rất thoải mái, tin tưởng khi làm việc với Hai Phong (cách gọi thân mật ông Lê Quốc Phong).

Ông Võ Văn Nhẫn, một đại điền sở hữu tới 200 ha lúa ở Kiên Giang là một trong những người như thế. Một buổi trưa giữa tháng 2 năm 2023, trên cánh đồng lúa ST24 rộng 60 ha tại ấp Kiên Sơn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, ông Nhẫn và “phi công” đang cho máy bay không người lái phun thuốc BVTV sinh học. “Phía dưới chân ruộng nhiều cá lắm, nuôi hoàn toàn tự nhiên. Thuốc sinh học này không gây hại cho bất kỳ sinh vật nào…”, ông Nhẫn cười nói.

Máy bay trên cánh đồng ST24 rộng 60 ha của ông Võ Văn Nhẫn.

Máy bay trên cánh đồng ST24 rộng 60 ha của ông Võ Văn Nhẫn.

Cánh đồng lúa Đông Xuân rộng mênh mông đã 48 ngày tuổi không xanh rì mà như pha chút vàng nhẹ óng ánh. Ông Nhẫn cho biết, toàn bộ 200 ha lúa của gia đình ông (gồm 60 ha ST24 và 140 ha IR50404 phía sâu bên trong Kênh 6) đang hoàn toàn áp dụng công thức giảm số lần và lượng bón phân theo khuyến cáo của 2Phong.

Ông Nhẫn quyết làm, bởi lẽ, kết quả thử nghiệm bón phân 2Phong theo công thức tiết kiệm vụ Thu Đông 2022 vừa qua giúp ông giảm khá nhiều chi phí. Theo tính toán của ông Nhẫn, trước đây ông thường bón phân 3 lần với tổng lượng từ 450 – 500 kg/ha, nhưng theo công thức mới của 2Phong thì ông chỉ bón 2 lần với tổng lượng khoảng 310 kg/ha, giảm tới 1/3.

“Sử dụng phân 2Phong theo công thức giảm lần bón và giảm lượng bón tôi thấy ruộng ít sâu bệnh, năng suất vẫn tốt, như 60 ha ST24 này sẽ không dưới 7,5 tấn/ha, còn 140 ha IR50404 năng suất sẽ không dưới 8,5 tấn/ha”, ông Nhẫn khẳng định.

Cánh đồng lúa IR50404 rộng 140 ha của ông Võ Văn Nhẫn.

Cánh đồng lúa IR50404 rộng 140 ha của ông Võ Văn Nhẫn.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quận (ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) dành 3 ha trên tổng số 16 ha trồng lúa của gia đình để thử nghiệm bón phân 2Phong theo công thức mới. “Ban đầu thử nghiệm giảm số lần và giảm lượng bón khiến vợ tôi lo lắm, sợ không có ăn vì đây là vụ quan trọng nhất. Nhưng giờ nhìn đồng lúa phát triển bình thường thì bà ấy vui rồi”. 

Điểm trình diễn 3 ha của nông dân Nguyễn Văn Quận.

Điểm trình diễn 3 ha của nông dân Nguyễn Văn Quận.

“Tập quán trước đây mình thường bón quá tay, vừa tốn kém, vừa khiến lúa dễ sinh bệnh. Còn theo mô hình này tôi chỉ bón 2 lần, lần 1 bón 260 kg/ha lúc lúa 8 – 12 ngày sau sạ và lần 2 bón 120 kg/ha lúc lúa 42 – 46 ngày sau sạ. Nếu nói năng suất vượt trội hơn thì chưa biết, phải đợi đến khi thu hoạch, nhưng năng suất thua thì chắc chắn là không. Cái lợi nhìn thấy ngay được là giảm tiền đầu tư cho phân bón, ít nhất là 30%”, ông Quận quả quyết.

Khuyến nông nói gì?

Đứng bên bờ ruộng trong mô hình thuộc ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Sau khi biết đến sản phẩm cũng như mô hình giảm số lần và lượng bón của 2Phong tại huyện Kiên Lương, chúng tôi đã phối hợp với Công ty thực hiện trình diễn tại huyện Hòn Đất (nơi có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Kiên Giang). Cái khó nhất là thay đổi thói quen bón phân của nông dân (thường từ 3 – 4 lần mỗi vụ). Mô hình mới của 2Phong chỉ khuyến cáo bón 2 lần, lại giảm lượng phân từ 25 – 30% nên bà con có lo lắng.

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Công ty 2Phong trả lời bà con nông dân về mô hình bón phân tiết kiệm tại ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất - ngày 20/2/2023.

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Công ty 2Phong trả lời bà con nông dân về mô hình bón phân tiết kiệm tại ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất - ngày 20/2/2023.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhìn đồng lúa 70 ngày tuổi phát triển tốt chúng tôi rất mừng. Cụ thể, số bông trên mỗi mét vuông tại mô hình đạt trung bình 520 bông, nhiều hơn khoảng 30 bông so với ruộng đối chứng bón phân 3 – 4 lần/vụ. Ngoài ra, việc phun xịt thuốc BVTV cũng giảm nhiều do lúa khỏe, ít sâu bệnh. Mặc dù phải đợi đến khi thu hoạch mới có kết quả chính xác, nhưng đây là những tín hiệu vui để đảm bảo cho năng suất cuối vụ”.

Ông Dũng cũng cho rằng, ĐBSCL đã trải qua 20 năm kể từ cuộc “cách mạng” giảm giống gieo sạ. Còn giờ, nếu giảm mạnh được lượng phân bón trên ruộng đồng thì lợi ích quá lớn. Việc này cũng phù hợp với xu hướng chung khi ngành nông nghiệp đang tích cực hướng dẫn, khuyến cáo tiết giảm lượng phân bón, vừa giúp giảm chi phí cho nông dân, vừa tăng tính cạnh tranh của hạt gạo, vừa bảo vệ môi trường.

Cam kết của 2Phong

Doanh nhân Lê Quốc Phong cho biết, với mục tiêu giảm lần bón, giảm lượng bón và giảm phát thải CO2, góp phần bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền II (thương hiệu 2Phong) đã cho ra đời các dòng sản phẩm có chứa hữu cơ thế hệ mới và hoạt chất Eco-Nanomix để chăm sóc cho các loại cây trồng.

Hữu cơ thế hệ mới làm cho đất tơi xốp, giúp cây trồng hấp thụ triệt để phân bón, hoạt chất Eco-Nanomix phá vỡ các chất cố định ở trong đất, giúp cây trồng hấp thụ chất dinh dưỡng có sẵn trong đất.

Qua mấy năm thí nghiệm ở các mô hình trên nhiều nền đất khác nhau, từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Cao Nguyên và các tỉnh ĐBSCL trên nhiều loại cây trồng, đã cho kết quả thuyết phục. Riêng vụ 3 năm 2022 Công ty đã làm trình diễn hơn 60 ha trên lúa với bộ sản phẩm chuyên dùng 2Phong Lúa Xanh và 2Phong Chắc Hạt tại Kiên Giang và An Giang mang lại kết quả hơn mong đợi.

Từ kết quả đó, vụ Đông Xuân 2022-2023 Công ty tiếp tục làm trình diễn bộ sản phẩm chuyên dùng Lúa Xanh, Chắc Hạt và bộ sản phẩm TE 01 Plus, TE 02 Plus trên 228 ha lúa ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An…

Đặc biệt, các mô hình này đều áp dụng công thức bón 2 lần, giảm trên 30% lượng phân. Ông Phong cho rằng, là nhà sản xuất nhưng lại mong muốn bà con giảm được lượng phân bón trên ruộng đồng, nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng ông luôn tâm niệm đây là trách nhiệm của mình, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng cũng phải giúp nông dân giảm tối đa chi phí sản xuất, tăng thu nhập, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề đang được cả thế giới quan tâm.

“Cho đến thời điểm này, các cánh đồng vụ Đông Xuân 2022 – 2023 trong mô hình đã chuẩn bị cho thu hoạch. Từ kết quả cụ thể đạt được, Công ty sẽ tiếp tục cho triển khai rộng rãi hơn nữa ở nhiều vùng sinh thái khác nhau”, ông Phong khẳng định.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.